Thi THPT quốc gia 2019: Các môn khoa học tự nhiên sẽ ít điểm 10 nhưng nhiều 6, 7

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
26/06/2019 16:18 GMT+7

Giáo viên các trường THPT danh tiếng nhất nhì Hà Nội như chuyên Amsterdam, Chu Văn An, Trần Phú đều đưa ra những nhận định khá tích cực về đề bài thi khoa học tự nhiên mà thí sinh vừa hoàn thành sáng nay, 26.6.

 

Câu hỏi khó mới mẻ, thú vị 

Thầy Triệu Lê Quang, giáo viên vật lý Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội), cho rằng các câu hỏi trong đề thi môn vật lý kỳ thi THPT quốc gia năm nay đảm bảo tính chính xác khoa học. 16 câu đầu dễ dàng đối với học sinh học có kiến thức cơ bản. 16 câu tiếp theo, học sinh có học lực khá có thể làm tốt. 4 câu tiếp theo dành cho học sinh ở mức độ giỏi. 4 câu cuối cùng là những câu “siêu khó” đối với học sinh. Có những câu có tính ứng dụng trong thực tế nằm ở những câu dễ, những câu khó có tính mới nhưng nặng về thuật toán, không nặng về vật lý.
Theo thầy Quang, với học sinh có học lực trung bình có thể đạt 4 - 5 điểm; học lực khá đạt 7 - 8 điểm; để đạt 9 - 10 điểm là khó. Đề thi năm nay chủ yếu thuộc chương trình lớp 12. Có hơn 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 11 ở mức độ vận dụng. Không có câu trong chương trình lớp 10. Những câu có tính ứng dụng trong thực tế nằm ở những câu hỏi dễ. Những câu hỏi khó mới mẻ, thú vị nhưng nặng về toán học. 

Đề hóa học phổ điểm 7 - 8 sẽ khá nhiều

Theo cô Trịnh Thị Kim Thu, giáo viên môn hóa học Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), đề thi năm nay khá hay và có tính phân loại cao, bám sát chương trình, có 10% kiến thức hóa học lớp 11, còn lại kiến thức hóa lớp 12. Đề có khoảng 60% câu ở mức độ dễ, 40% câu dùng để phân hóa học sinh. Đề thi có cấu trúc giống với đề thi minh họa nhưng khó hơn đề minh họa. Ở nhóm câu hỏi khó có xen kẽ câu hỏi lý thuyết, giảm bớt áp lực tâm lý cho học sinh.
Những đề trước đây, 8 câu cuối thường là những câu hỏi tính toán dài và khó, gây sự căng thẳng và tâm lý ngại cho học sinh. Nhóm câu hỏi khó tập trung ở bài toán hóa vô cơ tổng hợp, bài toán điện phân, bài toán về hỗn hợp este và peptit.
Với đề thi năm nay, phổ điểm 7 - 8 điểm sẽ khá nhiều với các em xét tuyển đại học, điểm 9 - 10 khó hơn.
Theo cô Thu, đề nên có thêm những câu hỏi về thực tiễn và thí nghiệm để mang màu sắc hóa học nhiều hơn. Đặc biệt là những câu phân loại cao. Nên tập trung vào những kiến thức kiểm tra về tư duy hóa học nhiều hơn, như hiện nay vẫn nặng về tư duy toán học.

Thí sinh tại Hà Nội trong giờ thi khoa học tự nhiên sáng 26.6

NGỌC THẮNG

Đề sinh học muốn điểm tối đa phải có “tinh thần thép”

Cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên sinh học Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đề thi môn sinh học bám sát chương trình, có tính phân hóa tương đối cao. Học sinh dễ dàng đạt được 5 - 6 ở mức nhận biết và thông hiểu. Đề không có yếu tố bất ngờ, bởi vì học sinh đã được cọ xát thông qua đề thi tham khảo của Bộ, khảo sát của Sở và thi thử của trường.
Đề thi năm nay câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, không đánh đố, học sinh không mất nhiều thời gian để đọc đề. Đề có nhiều câu hỏi liên hệ thực tế về sinh thái, môi trường, sản xuất… Trong đó, có khoảng 5 - 6 câu có nhiều đáp án và học sinh phải vận dụng rất nhiều kiến thức, có tư duy mới có thể giải quyết được vấn đề.
Đối với đề thi này, học sinh để đạt được điểm 10 là khó nhưng đạt điểm 9 là có khả năng. Với thời gian 50 phút và mức độ đề như thế này, học sinh phải kiến thức thật chắc, thật sâu và có “tinh thần thép” mới có thể đạt điểm tối đa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.