Chủ trương này đặt nhiều lo ngại với đại diện các trường ĐH trước sự việc 11 tỉnh ĐBSCL từng “bắt tay nhau” điều chỉnh kết quả thi khi hình thức chấm chéo này được triển khai trước đó vào năm 2011.
'Cũng chấm chéo nhưng bối cảnh khác'
Bộ GD-ĐT vừa tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 mở rộng với sự tham dự của các thành viên ban chỉ đạo, đại diện Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và giám đốc 63 Sở GD-ĐT. Cuộc họp nhằm đánh giá lại kỳ thi năm 2018 và đề xuất những giải pháp để hoàn thiện kỳ thi năm 2019.
Theo đó, thông tin đáng chú ý từ cuộc họp này, bộ cho biết sẽ tính đến tìm phương án tốt nhất cho khâu chấm thi. Cụ thể có thể tổ chức chấm thi theo cụm hoặc chấm chéo nhiều địa phương, rọc phách bài thi trắc nghiệm.
Trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết bối cảnh tổ chức kỳ thi của những năm trước khác giờ nhiều. Với những giải pháp công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và các giải pháp kèm theo thì giả sử vẫn là chấm chéo nhưng có thể cách thức tổ chức cụ thể sẽ khác.
Ông Trinh nhấn mạnh sẽ tăng cường các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ để bảo đảm việc chấm thi khách quan. Làm sao người ta muốn gian lận cũng không gian lận được, hoặc nếu giả sử gian lận thì chắc chắn sẽ bị phát hiện.
‘Không gì có thể đảm bảo’
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng nếu chấm chéo mà vẫn giao địa phương thì cũng đã từng làm và cũng đã có trục trặc.
“Đương nhiên thời điểm này công nghệ, trang thiết bị đã thay đổi, việc kiểm tra phòng ngừa và giám sát cũng tốt hơn. Đặc biệt là với cú sốc 'động trời' vừa qua sẽ làm cho cả hệ thống tham gia kỳ thi không được phép chủ quan ở bất kỳ khâu nào. Tôi nghĩ cần tuân thủ nguyên tắc quan trọng: ai sử dụng kết quả thi thì sẽ chịu trách nhiệm về nó. Chắc chắn kết quả kỳ thi này, điểm để xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ được quan tâm hơn”, tiến sĩ Lý ý kiến.
Từ phân tích đó, tiến sĩ Trần Đình Lý cho rằng nên giao cho một số trường ĐH hoặc các trung tâm khảo thí có uy tín chấm thi. Có thể 1 trường ĐH phụ trách một cụm gồm nhiều địa phương, vì mỗi ĐH chấm một tỉnh thì có quá nhiều trường tham gia, chắc chắn có độ lệch giữa các hội đồng chấm thi.
Cán bộ tuyển sinh một trường ĐH tại TP.HCM nói: “Không có gì đảm bảo việc chấm chéo nếu giao cho các địa phương phối hợp thực hiện sẽ không nảy sinh các tiêu cực. Vì thực tế hình thức chấm thi này từng triển khai và đã từng xảy ra câu chuyện 11 tỉnh ĐBSCL 'bắt tay nhau' trong điều chỉnh kết quả chấm thi”.
tin liên quan
Sai phạm chấm thi ở Hòa Bình: Khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can
"Làm kiểu gì cũng phải có trường ĐH tham gia"
Theo cán bộ tuyển sinh trường ĐH trên, dù chấm chéo hay theo cụm, sự có mặt của phía trường ĐH trong tham gia tổ chức giám sát thực sự cần thiết. “Điều này sẽ giống như việc tổ chức coi thi, khi cán bộ trường ĐH về từng phòng thi như kỳ thi năm nay đã hạn chế tối đa khả năng tiêu cực xảy ra”, người này nói.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng dự kiến bộ đưa ra là một lựa chọn dù sẽ tốn kém hơn.
Theo ông Sơn, thực ra cần nhất là công tác giám sát chặt chẽ từ bộ và các trường ĐH - là những đơn vị không bị ảnh hưởng về quyền lợi bởi kết quả kỳ thi.
“Việc chấm trắc nghiệm thì nên tập trung theo cụm để cho tiện giám sát, nhanh, đỡ tốn kém. Còn tự luận thì chấm ở từng địa phương, trường ĐH giám sát chặt chẽ ở khâu làm phách tránh trường hợp gian lận và chủ trì chấm kiểm tra để đảm bảo không có tình trạng chấm 'lỏng' tay”, thạc sĩ Sơn đề xuất.
Bình luận (0)