Thi THPT quốc gia 2020: Những kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT

13/04/2020 14:10 GMT+7

Trong thời gian 4 tuần thực học từ 15.6 đến 15.7, thầy trò phải thực hiện chương trình của cả học kỳ 2 (gồm 18 tuần) để thi THPT quốc gia vào tháng 8 là việc cần phải xem xét lại.

Trong giai đoạn cả nước đang phải chung tay chống dịch Covid-19, việc thi hay không thi THPT quốc gia 2020 trở thành đề tài bàn cãi trong suốt những ngày vừa qua. Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, chưa bao giờ học sinh được nghỉ học giai đoạn dài như thế và cũng chưa bao giờ các nhà quản lý giáo dục phải giải quyết tình huống chưa có tiền lệ như thế. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, tất cả người dân đều rất chia sẻ với Bộ GD-ĐT khi phải đưa ra một loạt kịch bản để ứng phó với việc học trở lại sau dịch của học sinh, đặc biệt là việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 ra sao.

4 tuần phải hoàn thành 7-8 cột điểm?

Ngày 10.4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định kết thúc năm học ngày 15.7 và kỳ thi THPT quốc gia 2020 vẫn diễn ra vào tháng 8 nếu học sinh đi học lại trước 15.6. Bản thân tôi thật sự ưu tư với lo lắng của học sinh nói chung và học sinh lớp 12 năm nay nói riêng. Tôi cho rằng với 4 tuần thực học từ 15.6 đến 15.7 (chưa kể những phát sinh khác không lường trước được), thầy trò phải thực hiện chương trình của cả học kỳ 2 (18 tuần) là việc cần phải xem xét.
Với 4 tuần này, học sinh phải hoàn tất các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ phải làm cùng lúc nhiều môn là gần như không thể thực hiện được trong thực tế. Theo quy định, các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh 7-8 cột điểm/môn bao gồm cả kiểm tra học kỳ 2, các môn còn lại chỉ ít hơn 1-2 cột tùy số tiết trong tuần. Thử hỏi, điều này có khả thi không? Có thể Bộ GD-ĐT cho rằng việc ban hành công văn số 1113/BGDĐT-GDTrH ngày 30.3 nhằm giúp điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ 2, tinh giản một số nội dung không phải là trọng tâm sẽ tạo thuận lợi cho thầy trò trong việc hoàn tất chương trình học kỳ 2.
Thế nhưng, việc hoàn tất các lượt kiểm tra tối thiểu theo quy định chắc chắn sẽ khiến cả thầy và trò hụt hơi và không đủ thời gian để đào sâu kiến thức trọng tâm như Bộ kỳ vọng; khi mà Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ GD-ĐT vẫn đang có hiệu lực thi hành quy định về số lần kiểm tra.

Học online chỉ là giải pháp tình thế

Một vấn đề cũng không kém quan trọng mà theo tôi Bộ GD-ĐT cũng cần tính đến là việc tâm sinh lý của học sinh khi trở lại học tập sau thời gian nghỉ dài chưa có tiền lệ. Chúng ta không nên lý tưởng việc học sinh có thể "bắt nhịp" được ngay khi trở lại trường mà chắc chắn các em sẽ mất khoảng thời gian nhất định để trở lại đúng "nhịp sinh học" trước đây. Vì vậy, khoảng thời gian từ lúc học lại đến lúc kết thúc năm học càng ngắn đồng nghĩa với khó khăn càng gia tăng đối với nhiều em học sinh. Ở đây, tôi chưa bàn đến việc khởi động lại của thầy cô. Chắc chắn một điều, ngay chính người thầy ít nhiều cũng bị ảnh hưởng về việc "khởi động" sau thời gian nghỉ quá dài.
Bộ GD-ĐT ban hành công văn 1061/ BGDĐT-GDTrH ngày 25.3 để hướng dẫn việc dạy học qua internet trong thời gian học sinh nghỉ vì dịch bệnh, trong đó cho phép giáo viên có thể cho điểm loại cột điểm kiểm tra thường xuyên. Tôi đánh giá cao kỳ vọng của Bộ GD-ĐT là khuyến khích học sinh học tập qua hình thức này. Thế nhưng, việc học online vừa qua, xét cho cùng, chỉ là giải pháp tình thế và mỗi cơ sở giáo dục có cách làm khác nhau. Chưa kể, dù chỉ vài học sinh, vì điều kiện không thể học online, giáo viên vẫn phải thực hiện lại việc giảng dạy và kiểm tra khi vào học chính thức trở lại.
Từ tất cả những vấn đề tôi trình bày ở trên, để thực hiện nghiêm túc chủ trương như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu, tôi cho rằng Bộ cần ban hành thêm một số văn bản hướng dẫn khả thi khi học sinh đi học trở lại. Trong đó, tôi xin đề xuất giảm lượt kiểm tra tối thiểu (thường xuyên và định kỳ) để là cơ sở pháp lý cho các cơ sở giáo dục thực hiện.

Hai kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT

Về kỳ thi THPT quốc gia 2020, tôi thật sự chia sẻ với Bộ GD-ĐT vì đã công bố từ đầu năm học việc ổn định kỳ thi THPT quốc gia 2020 như năm học vừa qua. Vì lẽ đó, giáo viên và học sinh đã và đang chuẩn bị dạy học theo hướng ấy. Tuy vậy, dịch bệnh Covid-19 là bất khả kháng và tôi nghĩ tất cả mọi người dân sẽ đồng tình chia sẻ nếu Bộ GD-ĐT có giải pháp hợp lý hơn để tháo gỡ những khó khăn lúc này, kể cả phương án không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Vì vậy, tôi xin kiến nghị với Bộ GD-ĐT 2 điều.
Một là, nếu quyết định tổ chức thi THPT quốc gia thì đề thi nên giảm tỷ lệ ở mức thấp nhất có thể (tỷ lệ 2/8 học kỳ 2 so với học kỳ 1) và không có nội dung vận dụng và vận dụng cao trong chương trình học kỳ 2 như đề thi tham khảo. Điều này phần nào tạo sự công bằng giữa các tỉnh có học sinh trở lại học sớm hay trễ sau nghỉ vì dịch bệnh; giữa các học sinh có hay không thể học qua internet.
Hai là, nếu tình huống xấu nhất, Bộ GD-ĐT nên xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và mạnh dạn công bố trên các phương tiện truyền thông sớm nhất có thể về việc giao quyền xét tốt nghiệp THPT cho địa phương và tổ chức tuyển sinh đại học năm nay cho các trường đại học. Việc các trường đại học có bước chuẩn bị và công bố phương án tuyển sinh sớm phần nào giải tỏa tâm trạng hoang mang của các em học sinh lớp 12 năm nay. Dù sao, đây cũng là bước ngoặt của cuộc đời các em học sinh lớp 12 năm học này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.