Thi THPT quốc gia: Phụ huynh áp lực hơn cả học sinh

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
15/05/2019 09:26 GMT+7

Lo con không đủ sức khỏe, chọn sai ngành, thi rớt, thậm chí diễn ra nhiều xung đột trong việc chọn ngành... là những điều gây áp lực nhiều nhất cho phụ huynh khi mùa thi đang tới gần.

Xung đột trong việc chọn ngành

Chị Nguyễn Xuân Hương (lô B, chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) có con học lớp 12 Trường THPT Trần Phú. Chị Hương cho biết: “Nhiều đêm tôi mất ngủ vì lo lắng, thương con. Cháu đang chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời. 12 năm qua, vợ chồng tôi đầu tư cho con cũng chỉ đợi đến ngày này. Nhưng hiện nay, điều tôi căng thẳng nhất là gia đình muốn con đi theo ngành kinh doanh để sau này tiếp quản công việc của ba mẹ, nhưng cháu lại thích theo con đường nghiên cứu khoa học. Cháu thích nghiên cứu về vật lý hạt nhân”.
Theo chị Hương, cũng chỉ vì chuyện này mà cha - con nhiều lần xung đột. Sau khi biết con có ý định này từ năm lớp 11, chồng chị đã dành thời gian tìm hiểu về lĩnh vực vật lý hạt nhân, sau đó phân tích những khó khăn, vất vả nếu theo đuổi một ngành học còn khá mới mẻ ở VN.
Chị Lương Thị Hòa (làm việc tại Bệnh viện Thống Nhất) có con học lớp 12 chuyên Anh Trường THPT Lê Hồng Phong cho biết cả hai vợ chồng cùng làm ngành y nên chị cũng muốn con theo ngành. Tuy nhiên, con chị lại thích ngành báo chí - truyền thông. Chị Hòa thở dài: “Trong khi ba mẹ hết sức căng thẳng thì con lại rất vui vẻ, thoải mái. Cháu chuyên Anh nhưng học giỏi đều các môn, nên nếu thi y là khả năng đậu cũng rất cao. Nhưng cháu chủ động tham gia các CLB ở trường, những hoạt động xã hội... từ năm đầu cấp để học hỏi các kỹ năng mà cháu cho rằng ngành báo chí, truyền thông cần. Chúng tôi đang cảm thấy bất lực nhưng phải để con tự quyết định”.

Chỉ nên tư vấn, không nên ép buộc

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, công nhận mỗi mùa tuyển sinh đến, các bậc cha mẹ còn áp lực gấp nhiều lần con cái. “Điều phụ huynh nên làm trong thời điểm này là lắng nghe tâm tư của con, đồng thời nếu con chưa làm các bài trắc nghiệm để nhìn ra tố chất, sở trường, sở thích của mình thì đến giờ cho con làm vẫn còn kịp. Cha mẹ phải tìm hiểu thông tin để đưa ra những lời tư vấn, định hướng phù hợp, hơn là ép buộc con phải theo ý nguyện của mình”, tiến sĩ Điệp nhìn nhận.
“Cha mẹ càng lo lắng, căng thẳng thì càng gây áp lực cho con. Điều đó khiến con khó có được kết quả tốt nhất trong kỳ thi”, tiến sĩ Điệp cho biết.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn cho thí sinh và phụ huynh, tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho rằng ba mẹ muốn tốt cho con thì trước tiên phải xem mình đã hiểu sở thích, năng lực của con chưa, từ đó định hướng giúp con chứ không nên ép buộc.
“Rất nhiều trường hợp thí sinh chọn ngành theo ý ba mẹ, nên trong quá trình học không có hứng thú, chán nản dẫn đến kết quả kém, bỏ học. Dù có tốt nghiệp thì khi đi làm cũng không làm việc hết sức, không phát triển được năng lực của bản thân. Tốt nhất là cha mẹ tôn trọng ý kiến của con, nhưng cũng nên tìm hiểu nhiều thông tin về ngành nghề, cơ hội việc làm, nêu ra những mặt trái, mặt tốt, tư vấn để con có được quyết định phù hợp”, tiến sĩ Vũ đưa ra lời khuyên.
Anh Lê Trường Giang, giáo viên một trường tiểu học ở Q.3, TP.HCM có con là Lê Khôi Nguyên, lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) cũng chia sẻ, hai cha con anh thường xuyên trao đổi với nhau. Anh Giang và vợ có nhiệm vụ định hướng nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về con.
Sẵn sàng rẽ trái cùng con
Nhiều cha mẹ chỉ biết gây áp lực mà quên cách tạo động lực cho con; quen kiểm soát con thay vì truyền cảm hứng; dạy con bằng kinh nghiệm tiêu cực đời mình thay vì khuyến khích con trải nghiệm; dùng tiêu chuẩn người khác áp đặt cho con.
Tôi đã từng đọc được những bức tâm thư như thế này: Mẹ ơi, con rẽ trái! Là con thay vì đi đúng đường (như hầu hết các cha mẹ mong muốn) thì lại muốn rẽ trái. Có khi là muốn bỏ học để theo ngành nghệ thuật hoặc muốn làm thợ, học nghề thay vì học văn hóa. Có khi lại là chuyện giới tính của mình, con không muốn mang giới tính cha mẹ sinh ra nữa. Trong bất cứ quyết định rẽ trái nào của con cũng sẽ khiến cha mẹ đau lòng, thậm chí sốc.
Vậy cha mẹ nên làm gì? Nếu là tôi, tôi chọn rẽ trái chính bản thân mình, theo con. Là cùng con tìm hiểu con đường con muốn rẽ. Đôi khi, nếu may mắn, hóa ra con đường con muốn rẽ chỉ là những lầm tưởng nhất thời. Chúng ta sẽ cùng nhau quay lại. Thậm chí, thay vì nghỉ học văn hóa để chọn học trường nghề, sao không là xin nghỉ học đôi ba ngày, một hai tuần, cùng con thử xem con đường học nghề gian truân ra sao? Hãy tìm nhiều hơn nữa những ví dụ về việc đam mê không tạo nên thành công, người ta thành công rồi thì mới bắt đầu có đam mê cái đã khiến họ thành công. Bằng đam mê có trước thành công thì thường đam mê đó sẽ mãi mãi chỉ là u mê.
Nếu con vẫn quyết định rẽ trái thì có cha mẹ nào sẵn sàng bỏ rơi con mình không? Nếu chúng ta đã không thể bỏ rơi con thì sao lại cứ phải đau khổ và khiến con cũng đau khổ? Chấp nhận sự thật là cách duy nhất để giữ con ở lại bên mình. Thật khó để vui vẻ chấp nhận sự thật nhưng chí ít, việc chấp nhận sự thật sẽ không còn khiến chúng ta vật vã nữa.
Và khi đó, nếu con rẽ trái hay có đi lối nào, cha mẹ vẫn bên con. Bởi chúng ta không sinh ra một đứa trẻ sẽ học ĐH hay sẽ mãi bé bỏng như ngày nào. Đôi khi, cuộc đời muốn tạo ra những thử thách để biết chúng ta yêu con đến nhường nào.
Hoàng Anh Tú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.