Trong đó có một số thay đổi liên quan đến việc chấm thi môn tự luận, điều kiện dự thi của thí sinh tự do, hình thức xử lý thí sinh vi phạm quy chế...
Thi tự luận: Làm tròn điểm đến 2 chữ số thập phân
|
Theo quy chế hiện hành, môn thi tự luận (duy nhất là môn ngữ văn) được quy định làm tròn đến 0,25 điểm. Các môn thi trắc nghiệm đều làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Giải thích về điều này với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng điểm bài thi tự luận vẫn là thang điểm 10, lấy đến 0,25. Tuy nhiên, nếu quy định hiện hành không làm tròn điểm, thì dự thảo quy định làm tròn đến 2 chữ số thập phân để áp dụng vào trường hợp điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trên 1,5 điểm đối với bài thi ngữ văn) giữa 2 lần chấm thì trưởng môn chấm thi sẽ phải tổ chức chấm lần 3 trực tiếp vào bài thi của thí sinh (TS), nhưng nếu kết quả của 3 lần chấm lệch nhau (đến 2,5 điểm) thì trưởng môn chấm thi sẽ phải lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức.
Theo ông Nghĩa, điểm trung bình cộng của 3 lần chấm có thể sẽ ra một mức điểm lẻ (hơn hoặc kém mức 0,25 điểm) thì sẽ phải áp dụng quy định làm tròn điểm tới 2 chữ số thập phân.
tin liên quan
Tuyển sinh dựa vào kỳ thi THPT quốc gia chưa đủ?Vi phạm quy chế thi: Xử lý theo pháp luật
Ngoài ra, có những thay đổi liên quan đến điều kiện dự thi của TS tự do, đối tượng ưu tiên, xử lý vi phạm quy chế thi… Theo ông Trần Văn Nghĩa, những thay đổi này chủ yếu dựa trên cơ sở rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để điều chỉnh cho phù hợp.
Về hồ sơ đăng ký dự thi đối với TS chưa có bằng tốt nghiệp cũng được sửa đổi, bổ sung như sau: “Người đã học hết chương trình THPT hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức kỳ thi phải có học bạ THPT hoặc học bạ giáo dục thường xuyên cấp THPT (bản sao hợp lệ)”, thay vì “học bạ THPT; học bạ hoặc phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với giáo dục thường xuyên (bản sao)” như quy chế hiện hành.
Với các TS tự do, sẽ không cần phải có giấy khai sinh (bản sao) và giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú theo nội dung quy định tại điểm c khoản 2 điều 12 quy chế hiện hành nếu thuộc trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12.
Riêng đối với TS đã tốt nghiệp trung cấp nếu không có học bạ THPT hoặc học bạ giáo dục thường xuyên cấp THPT thì phải có xác nhận của cơ sở GD-ĐT nơi TS theo học về việc đã hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ. TS phải nộp bằng tốt nghiệp trung cấp (bản sao hợp lệ), không cần bằng tốt nghiệp THCS.
Về xử lý TS vi phạm quy chế thi, thay vì tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong 2 năm tiếp theo, dự thảo sửa đổi khoản 6 điều 49 thành: “Hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật đối với những TS vi phạm một trong các lỗi: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc TS khác; sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp”.
Bộ GD-ĐT lấy ý kiến cho dự thảo đến hết ngày 20.2.
Bỏ bớt đối tượng hưởng ưu tiên
Về chế độ, chính sách ưu tiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung có một số điều chỉnh. Trong đó đối tượng “con của người được hưởng chính sách như bệnh binh” không còn được nhắc đến như quy chế cũ. Giải thích thêm về thay đổi này, ông Trần Văn Nghĩa cho hay việc bỏ đối tượng ưu tiên này là do đối chiếu với các văn bản pháp luật có liên quan như Pháp lệnh Ưu đãi người có công cũng không có đối tượng “như bệnh binh” nên việc sửa đổi này để phù hợp với luật hiện hành.
|
Bình luận (0)