Thủ thuật khai man nhiệm sở để thăng hạng đại học

14/10/2020 07:47 GMT+7

Khi nhiều trường ĐH trên thế giới quan tâm và sử dụng Bảng xếp hạng ĐH Giao thông Thượng Hải trong việc quảng bá hình ảnh của mình thì cũng tạo nhiều tranh luận về ý nghĩa và sự xác thực của kết quả xếp hạng.

Bảng xếp hạng Học thuật các trường ĐH trên thế giới (Academic Ranking of World Universities - ARWU) được Trung tâm ĐH đẳng cấp quốc tế và Viện Giáo dục ĐH (thuộc ĐH Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc) công bố vào năm 2003, với mục tiêu ban đầu nhằm xác định vị trí của các trường ĐH hàng đầu Trung Quốc trên toàn cầu.

ARWU quy định rõ tiêu chí liên quan đến nhiệm sở

ARWU chú trọng đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học của một trường ĐH thông qua 4 tiêu chuẩn chính: chất lượng đào tạo nghiên cứu; chất lượng giảng viên và cán bộ nghiên cứu; thành quả nghiên cứu; năng lực nghiên cứu bình quân đầu người. Trong đó, chất lượng đào tạo nghiên cứu thể hiện bằng số cựu sinh viên đã đạt giải Nobel hoặc huy chương Fields (Alumni). Chất lượng giảng viên và cán bộ nghiên cứu được đo bằng số cán bộ giảng viên (làm việc toàn thời gian) đạt giải Nobel hoặc huy chương Fields (Award), hoặc thuộc nhóm tác giả có chỉ số trích dẫn cực cao (HiCi). Thành quả nghiên cứu được tính theo số lượng bài báo nghiên cứu đăng trên 2 tạp chí Nature và Science (N&S), hoặc được thống kê trong các bộ chỉ mục SCI-E/SSCI (PUB) của Viện Thông tin khoa học (Institute for Scientific Information - ISI). Cuối cùng, năng lực nghiên cứu bình quân theo đầu người (PCP) được quy đổi bằng cách chia điểm số của 5 tiêu chí Alumni, Award, HiCi, N&S và PUB cho tổng số giảng viên và cán bộ nghiên cứu làm việc toàn thời gian cho đơn vị được xét.
Điều đáng lưu ý là các tiêu chí liên quan đến con người ARWU được xác định khá rõ. Ví dụ, một người đạt giải Nobel hoặc huy chương Fields vào năm nào thì các trường nơi họ đang làm việc chính thức (toàn thời gian) sẽ được tính điểm Award, còn các trường nơi họ từng theo học và được cấp bằng từ bậc cử nhân đến thạc sĩ sẽ được tính điểm Alumni. Tùy thời gian học và thời gian đạt giải mà tỷ lệ điểm phân phối cho mỗi trường sẽ thay đổi, càng lâu càng giảm dần. Tương tự, tiêu chí PSP dùng để ước lượng năng lực nghiên cứu bình quân của toàn bộ lực lượng giảng viên và cán bộ cơ hữu (làm việc toàn thời gian) của một trường.
Riêng với các tiêu chí liên quan đến bài báo nghiên cứu, ARWU quy định trọng số 100% cho nhiệm sở của tác giả liên lạc (corresponding author affiliation), 50% cho nhiệm sở của tác giả thứ nhất (first author affiliation), 25% cho nhiệm sở của tác giả tiếp theo (next author affiliation) và 10% cho nhóm còn lại. Dù ARWU không giải thích rõ cách tính điểm khi một tác giả đứng tên cùng lúc 2 nhiệm sở, nhưng cũng có thể hiểu theo cùng logic với các tiêu chí trên, rằng nhiệm sở kèm theo mỗi bài báo là nơi tác giả làm việc toàn thời gian hoặc nơi chủ yếu thực hiện cuộc nghiên cứu.
Khi ARWU ra đời gần 20 năm trước, đó là điều gần như mặc nhiên trong cộng đồng khoa học. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã rộ lên hiện tượng khai man nhiệm sở khi công bố các công trình khoa học, nhằm mục đích thăng hạng trong kết quả hằng năm của ARWU.

Vẫn có kẽ hở để lách

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và quốc tế hóa giáo dục ĐH, cộng thêm sự phân hóa ngày càng sâu và rộng về lĩnh vực và chủ đề nghiên cứu, cũng như dưới tác động của sự phát triển khoa học công nghệ, nhiều hình thức hợp tác nghiên cứu khác nhau lần lượt hình thành, ngày càng đa dạng và phong phú. Việc một tác giả đứng tên nhiều nhiệm sở trong các bài báo khác nhau, thậm chí trong cùng một bài, thông thường có thể chấp nhận được trong một số tình huống.

Thế nào là nhiệm sở chính ?

Trong quy trình xuất bản khoa học tiêu chuẩn, người ta mặc định khai báo nhiệm sở chính là nơi tác giả làm việc toàn thời gian, hoặc là nơi họ thực hiện chủ yếu công việc nghiên cứu dẫn đến kết quả cần công bố. Theo cách hiểu truyền thống, một bài báo công bố dưới tên trường nào thì trường đó sẽ chịu mọi trách nhiệm về quy trình nghiên cứu và kết quả thu được. Nghĩa là, nếu đăng một bài báo dưới tên một trường nào đó thì khi có bất cứ vấn đề gì phát sinh, tác giả phải có nghĩa vụ giải trình và liên đới trách nhiệm đối với trường mình đã đứng tên, cả về 2 phương diện pháp lý lẫn học thuật. 
Ví dụ như tác giả thay đổi hoàn toàn nhiệm sở và các bài về sau đăng dưới tên nhiệm sở mới; hay tác giả công tác ở một nơi, thực hiện nghiên cứu ở một nơi khác, và đứng tên cùng lúc 2 nơi trong bài đăng, đây cũng là tình huống dễ hiểu. Thậm chí, nếu tiến hành nghiên cứu đồng thời tại nhiều nơi hơn và ghi hết các nơi ấy vào bài đăng cũng được, nếu nhà xuất bản cho phép và... có đủ chỗ. Mặc dù vậy, một tổ chức khoa học uy tín là Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) khuyến cáo chỉ nên đứng tên cùng lúc 2 nhiệm sở trong một bài báo khi cả 2 có sự đóng góp thực tế đáng kể đối với công trình nghiên cứu.
Song song đó, các định chế về liêm chính học thuật như Văn phòng liêm chính học thuật (ORI) Mỹ (từ 1992), Tuyên bố Singapore về liêm chính học thuật (2010) của hội nghị quốc tế về liêm chính học thuật (WCRI), Quy tắc ứng xử châu Âu về liêm chính học thuật (2017)... đa phần đều không đề cập vấn đề khai báo nhiệm sở của tác giả các bài báo khoa học. Hầu hết chỉ quy định về sự trung thực của nhà nghiên cứu trong thu thập và xử lý dữ liệu, xác định mức độ đóng góp và thứ tự của các tác giả trong bài báo, hoặc yêu cầu khai báo các nguồn xung đột lợi ích (đặc biệt từ các nhà tài trợ) có nguy cơ gây ảnh hưởng tới cách diễn giải, phân tích, đánh giá kết quả, mà chưa chú ý đến câu chuyện xung đột lợi ích trong khai báo nhiệm sở để đứng tên bài báo.
Ở một số nước như Pháp, nơi cán bộ nghiên cứu và giảng viên đại học là công chức nhà nước có quy định về nghĩa vụ công chức trong việc khai báo cho cấp trên các công việc có tạo thu nhập ngoài công việc chính, nhưng cũng không có chế tài rõ ràng về việc chỉ đứng tên trường khác nhiệm sở chính trong các bài báo khoa học. Tương tự, WCRI cũng có Tuyên bố Montreal về liêm chính học thuật trong hợp tác nghiên cứu xuyên biên giới, nối tiếp Tuyên bố Singapore, bổ sung thêm những trách nhiệm cụ thể hơn trong hợp tác nghiên cứu, cả ở hai cấp độ cá nhân và tổ chức, đặc biệt là sự công khai, minh bạch trong các thỏa thuận hợp tác và nguồn tài chính. Dù vậy, đối với việc đứng tên tác giả khi công bố kết quả cũng chỉ dừng lại ở chỗ cần có sự đồng thuận của các bên liên quan “dựa trên các tiêu chuẩn về quyền tác giả và công nhận sản phẩm hợp tác nghiên cứu”.
Đây chính là nguyên nhân của hiện tượng Ả Rập Xê Út, một “ngôi sao” mới trên bầu trời khoa học toàn cầu từ khoảng chục năm trở lại đây. Một bài báo đăng trên tạp chí Science vào tháng 12.2011 đã rung lên hồi chuông cảnh báo thủ thuật dùng tiền mua danh tiếng xếp hạng. Cách làm của các trường ĐH thuộc quốc gia dầu mỏ này khá đơn giản mà bài bản: mời gọi các nhà khoa học trong danh sách “siêu trích dẫn” của ISI (có trọng số đáng kể trong bảng xếp hạng ARWU) tham gia hợp tác dưới dạng thỉnh giảng hay nghiên cứu, từ đó dùng dòng nhiệm sở thứ 2 mà các bài báo khoa học thường chấp nhận để ghi tên trường họ.
Vài năm sau, một hiện tượng khác nổi lên ở Chile. Lần này, một nhóm tác giả của ĐH Santiago tra cứu trên 9.000 bài báo thuộc cơ sở dữ liệu Scopus mà tác giả đứng tên nhiều nhiệm sở, trong đó có ít nhất một trường ĐH Chile năm 2016, và phát hiện có đến khoảng 40% tác giả không kiểm chứng được.
Tình trạng khai man nhiệm sở này dẫn đến hệ quả là các trường vốn không làm nghiên cứu vẫn có thể lấy được nguồn tài trợ bằng cách đăng kết quả nghiên cứu thực hiện ở nơi khác. Hoặc trường nào có dòng tiền dư dả sẽ có thể tìm cách “mua” sản lượng nghiên cứu mà không cần chú trọng đầu tư vào việc phát triển nội lực đội ngũ nghiên cứu tại chỗ.
Hiện tượng này đã lan đến Việt Nam ra sao và chúng ta sẽ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này? Đây là vấn đề cần giải quyết để Việt Nam có một nền nghiên cứu khoa học liêm chính. (còn tiếp) 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.