Thương mại điện tử không chỉ là 'kinh doanh qua mạng'

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
08/02/2018 09:02 GMT+7

Xuất hiện tại VN khoảng chục năm trở lại đây, ngành thương mại điện tử đang trở thành xu hướng trong kinh doanh. Nhưng nhiều người cho rằng đây là nghề 'kinh doanh qua mạng', không cần học cũng làm được, nên nhân lực đào tạo bài bản còn ít.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, thương mại điện tử là một nghề mới tại VN, là sự kết hợp giữa kinh tế với công nghệ thông tin. Nhu cầu nhân lực ngày càng tăng mạnh do các doanh nghiệp có hoạt động thương mại điện tử ngày càng nhiều. Dự báo đến năm 2020 cần hàng chục ngàn lao động trong lĩnh vực này.
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, cũng đánh giá: “Nhu cầu tuyển dụng ngành thương mại điện tử trong thời gian gần đây tăng, tập trung chủ yếu ở mảng bán lẻ, thời trang, hàng tiêu dùng...”.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gia tăng nhu cầu tuyển dụng các vị trí digital marketing (tiếp thị số), chăm sóc khách hàng, dịch vụ logistics và đặc biệt là công nghệ thông tin. Theo bà Mai, các công nghệ ứng dụng trong thương mại điện tử luôn thay đổi với tốc độ nhanh nên nhu cầu tuyển dụng mảng này của các doanh nghiệp thương mại điện tử tăng là điều dễ hiểu, đặc biệt ở mảng di động.
Ông Nguyễn Minh Luân, Trưởng bộ phận tư vấn nhân sự của Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Harvey Nash VN, cho rằng thị trường thương mại điện tử VN chưa phát triển đầy đủ như các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc hay châu Âu nên trong thời gian tới nó sẽ tiếp tục theo đà phát triển của hệ thống ngân hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến. Nó thu hút rất nhiều lao động trong các lĩnh vực như giao hàng, mua hàng, và các lao động tự do có thể tự tạo doanh nghiệp, cửa hàng để kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
Thạc sĩ Phan Hiền, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin - Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhìn nhận: “Vì nắm bắt được xu thế nên từ năm 2012 - 2013 trường đã tuyển sinh ngành này. Tuy nhiên, đến nay số lượng các trường đào tạo ngành học này trên cả nước chỉ khoảng chục trường, mỗi năm cung cấp chưa đến một ngàn sinh viên tốt nghiệp, trong khi nhu cầu thực tế lớn hơn rất nhiều, mức tăng trưởng được đánh giá là gấp đôi so với ngành khác”.
Hiện các trường có đào tạo ngành thương mại điện tử phía bắc có ĐH Ngoại thương, Thương mại, Điện lực…, phía nam có Kinh tế - Luật, Kinh tế, Công nghiệp, Công nghệ TP.HCM, Kinh tế - tài chính, CĐ Kinh tế đối ngoại…
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, nhìn nhận: “Không ít bạn trẻ cho rằng thương mại điện tử chỉ đơn giản là kinh doanh qua mạng. Hiểu như vậy là chưa chính xác. Nó không đơn giản là mang một món hàng giao bán qua mạng là xong, mà phải xây dựng được các công cụ nhằm tối ưu hóa công nghệ thông tin vào việc quản lý hoạt động thương mại; hỗ trợ, tư vấn, bảo vệ khách hàng…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.