Theo ông Hữu, trước hết phải khẳng định cuốn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) không phải là sách giáo khoa (SGK). Luật Giáo dục hiện hành quy định chỉ có một chương trình và một bộ SGK. Bộ SGK hiện hành là do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, được triển khai chính thức ở cấp tiểu học từ năm 2002. Tới đây, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành chương trình tổng thể và chương trình các môn học, Bộ sẽ thẩm định các bộ tài liệu xem có được là SGK hay không để áp dụng dạy học trong trường theo chương trình mới. Lúc đó, tài liệu TV1-CNGD cũng như các tài liệu khác tham gia thẩm định, bình đẳng với nhau.
tin liên quan
Bộ GD-ĐT chính thức lên tiếng về tài liệu tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dụcTheo đánh giá của Bộ GD-ĐT, tài liệu TV1-CNGD có những ưu điểm, hạn chế nào?
Qua những năm triển khai vừa rồi có thể khẳng định TV1-CNGD đã được các nhà trường, các thầy cô giáo đón nhận, việc sử dụng tài liệu để nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Việt với học sinh (HS) lớp 1 đã mang lại những kết quả nhất định.
Ưu điểm của tài liệu là thiên về dạy tiếng Việt theo khoa học ngữ âm, nên trong quá trình dạy học cả dạy chữ và dạy âm. Với cách dạy đánh vần như tài liệu thể hiện, HS nắm rất chắc về ngữ âm, biết cách viết, trên cơ sở đó nắm chắc các quy tắc ngữ pháp, viết không bị sai. Trong giai đoạn học vần các cháu đọc trơn được và có thể đáp ứng mục tiêu yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông với lớp 1.
Hạn chế của bộ tài liệu (nhưng không phải là hạn chế lớn) là còn có những từ ngữ khó hiểu với HS, hay còn có những bài tập đọc khá dài. Tuy nhiên, sau khi Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định 2 vòng, về cơ bản những tồn tại này đã được khắc phục. Chúng tôi hy vọng trong năm học này, tài liệu TV1-CNGD phiên bản mới nhất sẽ giúp cho việc dạy học tiếng Việt lớp 1 ở những trường tiểu học có sử dụng nó thực sự được nhẹ nhàng thoải mái, góp phần giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy, HS đổi mới phương pháp học tốt hơn những năm trước.
Với cách dạy này, nhiều ý kiến cho rằng việc dạy những kiến thức phức tạp về ngữ âm cho HS lớp 1 là quá nặng nề. Ông nhận xét thế nào về những bình luận đó?
|
Nếu xét về mặt khoa học giáo dục ngôn ngữ thì những ý kiến đó cũng có phần đúng, vì ngay cả ở ĐH, nhiều sinh viên cũng gặp khó khăn khi học môn ngữ âm. Tuy nhiên, ta cũng đừng quan niệm dạy ngữ âm học là cái gì đó lớn lao quá với HS lớp 1. Tuy là dạy trên phương diện ngữ âm học, nhưng theo tài liệu TV1-CNGD thì chỉ đơn giản là thao tác tách âm với tiếng, giúp HS nhận diện được chữ viết dễ dàng hơn. Ví dụ cùng chuỗi lời nói, tài liệu TV1-CNGD tách ra từng tiếng để HS nhận diện trong chuỗi lời nói có bao nhiêu âm tiết, hay nói cách khác là nói thì có bao nhiêu tiếng, trên cơ sở mỗi tiếng được phân tích thành mô hình tiếng có 2 phần: phần đầu và phần vần. Tôi nghĩ đây là cách dạy giúp HS nhận diện trực quan và hết sức đơn giản, không như một số ý kiến nói nó là quá khó với HS, nhất là HS lớp 1. Tôi còn cho rằng đây là một cách tiếp cận được xem là ưu điểm của phương pháp dạy tiếng Việt trong bộ tài liệu TV1-CNGD.
|
Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chính thức về bộ tài liệu này, cho rằng nó đã đạt được hiệu quả khả quan. Vậy những đánh giá đó có so sánh hiệu quả dạy học tiếng Việt giữa các trường có sử dụng tài liệu TV1-CNGD với những trường không sử dụng?
Năm 2016, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giao cho Viện Khoa học giáo dục VN nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai tài liệu TV1-CNGD. Trong quá trình khảo sát, Viện đã phát phiếu khảo sát với cả những trường/lớp triển khai tài liệu TV1-CNGD và những trường/lớp không triển khai. Như vậy là cũng đã có động thái so sánh.
Có thể nói HS được học theo tài liệu TV1-CNGD đã tích cực tham gia vào quá trình dạy học, đặc biệt được phát triển tính chủ động sáng tạo, mà chúng tôi khẳng định một điều là với cách học và dạy như thế đã giúp cho HS phát triển năng lực. Chúng tôi nhận thấy TV1-CNGD không có gì bất cập với chương trình hiện hành, và đó cũng chính là một trong những lý do để Bộ GD-ĐT tiếp tục thấy đó là một phương án đặt ra để các địa phương tự lựa chọn nếu thấy tài liệu đáp ứng yêu cầu và có nhu cầu.
Một mục tiêu, nhiều cách tiếp cận
Trước những chỉ trích căng thẳng của xã hội, Bộ có những giải thích nào để mọi người hiểu đúng vấn đề và có những lời khuyên gì với phụ huynh HS trong lúc này?
tin liên quan
Bộ GD-ĐT ở đâu trong vụ tiếng Việt công nghệ giáo dục?Sắp tới Bộ sẽ triển khai chương trình mới với nhiều bộ SGK được biên soạn mới. Nhưng trước những phản ứng của dư luận hiện nay về bộ tài liệu TV1-CNGD, Bộ có lo ngại rồi các bộ sách mới cũng có nguy cơ bị chỉ trích nặng nề?
Đây đúng là vấn đề mà chúng tôi đang phải suy nghĩ. Từ việc triển khai TV1-CNGD, có lẽ chúng ta cần làm tốt hơn công tác truyền thông, đặc biệt là đối với phụ huynh HS, các thầy cô giáo. Cần phải hiểu khi nào phụ huynh HS và các thầy cô giáo sẵn sàng thì chúng ta có thể thực hiện đổi mới thành công. Nhưng chúng ta cũng cần phải để dư luận xã hội làm quen với việc đáp ứng mục tiêu yêu cầu của chương trình thì chúng ta có thể có nhiều con đường, có nhiều cách tiếp cận. Vì thế, chúng ta phải chấp nhận cách thức của các bộ SGK khác nhau của các tác giả khác nhau, những phương pháp mà giáo viên lựa chọn để làm sao phù hợp với đối tượng HS của mình và để đạt mục tiêu từng môn học cũng như của cấp học.
Tiếng Việt công nghệ giáo dục - tranh cãi vì đâu ?
Vào lúc 10 giờ sáng nay (10.9), Báo Thanh Niên sẽ tổ chức buổi trao đổi với chủ đề "Tiếng Việt công nghệ giáo dục - tranh cãi vì đâu?".
Khách mời gồm PGS-TS Hoàng Dũng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM); nhà giáo Trần Chút (nguyên Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM); thạc sĩ Dương Thị Diên Hồng (Khoa Giáo dục phổ thông Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh). Ngoài ra còn có phần truyền hình phỏng vấn GS Hồ Ngọc Đại, người thiết kế tài liệu tiếng Việt công nghệ giáo dục; ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT.
Mời bạn đọc đón xem và đặt câu hỏi ở các địa chỉ thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Thanh Niên
|
Bình luận (0)