Tiếp tục tranh luận về việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
25/11/2019 17:00 GMT+7

Ngay sau khi bài báo Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư lại 'dậy sóng' , hàng trăm độc giả Báo Thanh Niên cũng thể hiện những quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề này.

Ngay cả Hội đồng Giáo sư nhà nước còn hiểu khác nhau

Bạn đọc T.M.T (Hà Nội) cho rằng: “Các thầy, các nhà khoa học còn hiểu khác nhau về cụm từ “không hướng dẫn đủ” thì nói gì đến người dân. Đây có phải là một bệnh trong xây dựng văn bản của cơ quan hành chính hay không? Cũng không thể nói 'Hội đồng Giáo sư nhà nước không có quyền ra một văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định…', để chối bỏ trách nhiệm...?”.
Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc Thanh Cường (TP.HCM) cho rằng cách ban hành văn bản và cơ quan tham mưu xây dựng văn bản đang có vấn đề ở Việt Nam.
Bạn đọc T.T.T (Đồng Tháp) thì khẳng định Quyết định 37 của Thủ tướng ký sau khi đã thảo luận lây ý kiến rộng rãi trong thời gian dài. “Do đó, có thể nói đây là cơ sở pháp lý, các hội đồng phải tuân thủ. Hội đồng Giáo sư nhà nước đã sai, đã vi phạm Quyết định 37, do đó, phải xét lại các trường hợp bị loại”.

Đạt yêu cầu là công nhận, sao phải bỏ phiếu?

Trước vấn đề xét công nhận giáo sư, phó giáo sư gây khá nhiều tranh luận, một bạn đọc ở Trà Vinh băn khoăn: “Bây giờ nên có quy định chuẩn phó giáo sư, giáo sư phải đạt gì? Khi họ đạt được hết những yêu cầu đó thì chỉ cần xác minh tính chính xác của các "yêu cầu" là ra quyết định công nhận giáo sư, phó giáo sư là xong, cần chi phải hội đồng, bỏ phiếu? Vì những thành viên trong hội đồng chắc gì đã có trình độ cao hơn ứng viên để bỏ phiếu?”.
Nguyễn Công Nam (Hà Nội) cho biết: “Tôi không hiểu hội đồng xét như thế nào mà nhiều ứng viên đủ tiêu chuẩn lại bị loại... Việc xác minh lại vấn đề này rất đơn giản, chỉ cần xem lý lịch khoa học là rõ chuyên môn sâu của ứng viên là gì. Vậy mà Hội đồng cơ sở, rồi Hội đồng ngành không nhận ra vấn đề này?”.
Bàn về “vướng mắc” khiến các ứng viên không được bỏ phiếu, Phạm Hoàng Nam Anh (TP.HCM) nhận định: “Nếu một người đã có rất nhiều bài báo khoa học hay bằng sáng chế, mà lại chưa từng hướng dẫn một tiến sĩ hay thạc sĩ nào, phải chăng là do người đó chưa có đủ uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu của họ? Bởi vì khi một người đã có được uy tín khoa học nhất định, thì chắc rằng sẽ có nhiều người khác trong cùng lĩnh vực tìm đến, để xin được họ hướng dẫn các đề tài nghiên cứu”.
Độc giả Nguyễn Chí Trường (Hà Nội) lại lật ngược vấn đề: “Giáo sư hay phó giáo sư thì ngoài các công trình khoa học ra còn phải tham gia giảng dạy, đào tạo ra tiến sĩ, thạc sĩ... thì mới xứng đáng được phong danh hiệu. Chứ nếu chỉ dạy bình thường thì cũng là giáo viên như bao thầy cô khác thôi...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.