Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước (GSNN) cũng thừa nhận có nội dung trong quy định mới thiếu tường minh nên các thành viên hội đồng đã phải bỏ phiếu để thống nhất cách hiểu.
Điểm cao top 6 nhưng vẫn... “trượt”
Sau khi Hội đồng GSNN công bố danh sách những ứng viên (ƯV) được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2019, trong cộng đồng khoa học dấy lên những bàn tán. Theo danh sách này, trừ 2 hội đồng ngành khoa học an ninh và quân sự, cả nước có 75 ƯV GS đạt đủ số phiếu tín nhiệm (gồm cả 1 ƯV đề nghị xét ở dạng đặc biệt), 349 ƯV PGS.
Trong khi đó, số ƯV GS mà các hội đồng ngành/liên ngành trước đó đã thông qua và đề xuất lên hội đồng nhà nước để xét là 82, số ƯV PGS là 358. Như vậy, tổng cộng có 16 người “trượt” (gồm 7 ƯV GS, 9 ƯV PGS).
Điều đáng nói là trong số 7 ƯV “trượt” GS, một số người có tổng điểm công trình khoa học cũng như tổng điểm nghiên cứu khoa học rất cao, không chỉ gấp nhiều lần so với mức điểm quy định mà còn cao so với ngay cả trong chính ngành mà ƯV được xét. Tiêu biểu là 2 ƯV “trượt” ở ngành vật lý. Ngành này có 11 ƯV GS, thì ƯV có tổng điểm công trình khoa học cao nhất là 70,51, cao nhì là 70,20, cao gần gấp đôi các ƯV thấp nhất cùng trong ngành, cao gấp 3,5 lần tiêu chuẩn cứng. Nhưng cả 2 ƯV này đều “trượt”. Đây cũng là 2 ƯV nằm trong top 6 ƯV có tổng điểm công trình khoa học cao nhất trong số 82 ƯV GS trong đợt xét năm nay.
Với 2 ƯV “trượt” GS của ngành y cũng có 1 ƯV tổng điểm công trình khoa học cao thứ 2 trong số 10 ƯV GS của ngành này.
Vì thế, sau khi Hội đồng GSNN công bố danh sách nói trên, ngay lập tức đã có một trong số các ƯV “trượt” GS lên tiếng với cộng đồng các nhà khoa học, bày tỏ sự bất bình vì “những ƯV không được xét công nhận chưa thấy công bố lý do vì sao không được xét công nhận. Không có lý do chính thức sẽ tạo ra khó khăn trong khiếu nại và khởi kiện quyết định của Hội đồng GSNN”.
Mấy ngày sau, trên mạng xã hội cũng lan truyền một văn bản được cho là “tâm thư” của một nhóm nhà khoa học trẻ, trong đó bày tỏ những ấm ức về kết quả xét GS, PGS năm 2019. Bức “tâm thư” nêu hiện tượng “có một số ƯV được hội đồng cơ sở, hội đồng ngành đánh giá điểm khoa học cao và có lý lịch khoa học ưu tú với nhiều công trình được công bố quốc tế; các giải thưởng khoa học danh giá trong và ngoài nước, sở hữu nhiều bằng độc quyền sáng chế… nhưng lại bị loại (trượt) khỏi danh sách được đề nghị xét phong GS, PGS”; đồng thời cho rằng “điều này khiến cộng đồng các nhà khoa học và dư luận xã hội đặt câu hỏi lớn về tính minh bạch, công bằng của quy trình xét duyệt”.
Hội đồng GSNN không có quyền “hiểu theo cách của mình” !
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng GSNN, đã giải thích nguyên nhân của 16 ƯV GS, PGS bị “trượt” chủ yếu là do thiếu tiêu chuẩn về đào tạo nên không được đưa vào diện bỏ phiếu tín nhiệm (chỉ trừ một trường hợp ƯV GS ngành vật lý bị “trượt” là do không đủ số phiếu khi các thành viên Hội đồng GSNN bỏ phiếu tín nhiệm).
Ông Tuấn nói: “Trước khi bỏ phiếu tín nhiệm ƯV, Hội đồng GSNN đã thảo luận về quy chế để thống nhất việc xét. Sau đó cả 32/32 thành viên hội đồng đều đồng ý, nếu ƯV GS không hướng dẫn được tiến sĩ nào, ƯV PGS không hướng dẫn được thạc sĩ nào, thì đều không đưa vào bỏ phiếu. Thiếu 1 thì được “bù”. Chỉ được thiếu chứ không được không có”.
Không được phép ra văn bản hướng dẫn quyết định của Thủ tướngÔng Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng GSNN, cũng thừa nhận đúng là có việc hiểu khác nhau về cụm từ “không hướng dẫn đủ” trong cộng đồng các nhà khoa học. Đó cũng là lý do một số hội đồng ngành/liên ngành thông qua hồ sơ của các ƯV mà về đào tạo là chưa hướng dẫn được tiến sĩ hay thạc sĩ nào. Phạm vi của quy định “không hướng dẫn đủ” trong QĐ 37 đúng là có dải khá rộng, cho phép các hội đồng “vận dụng” ở trong ngưỡng từ thấp nhất đến cao nhất. Ngưỡng thấp nhất là ngưỡng có thể đạt, nên một số hội đồng ngành vẫn chấp nhận. Nhưng khi Hội đồng GSNN họp phiên 3 (để xét vòng cuối đợt xét GS, PGS năm 2019) thì “vận dụng” theo hướng “nâng cao chất lượng ƯV”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quán triệt là phải lấy ở ngưỡng cao chứ không lấy ở ngưỡng thấp. Nên mới có chuyện 15 ƯV không được đưa vào diện được xét ở vòng cuối này dù họ đã được các hội đồng ngành thông qua.
Ông Tuấn cũng thông tin thêm, trước phiên họp thứ 3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu việc xét GS, PGS phải thực hiện nghiêm QĐ 37. “Cái khó là QĐ 37 có một số khái niệm vận dụng trong một khoảng rất rộng, mà Hội đồng GSNN không có quyền ra một văn bản hướng dẫn thực hiện QĐ này để đưa ra khái niệm, vì như vậy là trái với quy định việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật”, ông Tuấn nói.
|
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, khoản 7 điều 5 (tiêu chuẩn chức danh GS) của Quyết định (QĐ) 37 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2018 quy định, ƯV GS phải hướng dẫn chính ít nhất 2 nghiên cứu sinh (NCS) được cấp bằng tiến sĩ; ƯV “không hướng dẫn đủ” NCS thì được thay thế bằng bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích... Trong điều này cũng giải thích: “Hướng dẫn chính 1 NCS được thay thế bằng 3 bài báo khoa học hoặc công trình khoa học”.
Tại khoản 6 điều 6 (tiêu chuẩn chức danh PGS) cũng yêu cầu ƯV phải hướng dẫn xong ít nhất 2 học viên cao học (được cấp bằng thạc sĩ) hoặc ít nhất 1 NCS đã được cấp bằng tiến sĩ. Đồng thời cũng cho cơ chế “bù” bằng công trình khoa học quy đổi, ví dụ thiếu 1 thạc sĩ thì được “bù” bằng 1 bài báo hoặc 1 bằng độc quyền sáng chế, hoặc 1 giải pháp hữu ích…
Nhưng quanh câu chuyện hiểu thế nào là “không đủ” thì trong cộng đồng khoa học đã có cuộc tranh luận trước khi các hội đồng ngành/liên ngành bắt đầu việc xét và phỏng vấn ƯV.
PGS Trần Minh Tiến, Viện Vật lý - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, lập luận: “Nếu phải có hướng dẫn thì quy định phải viết là “ƯV hướng dẫn không đủ NCS”. “Không hướng dẫn đủ” không có nghĩa là phải có hướng dẫn”.
Còn GS Phùng Hồ Hải, thành viên Hội đồng GS ngành toán, thì nhận định nếu muốn văn bản nói rằng chỉ thiếu 1 NCS mới được bù thì cần phải viết “hướng dẫn không đủ” hoặc “hướng dẫn chưa đủ” chứ không phải là “không hướng dẫn đủ”.
“Tôi nghĩ, đã trở thành văn bản thì nó độc lập với thực thể xung quanh, kể cả với những người ban hành văn bản. Ở đây văn bản do Thủ tướng Chính phủ ra thì Hội đồng GSNN cũng không có quyền “hiểu theo cách của mình” mà phải hiểu đúng theo cái mà người ta gọi là “lẽ thường”. Dân gian hay nói “án tại hồ sơ” là vậy”, GS Hải cho biết.
GS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, thông báo ông cùng một số GS đã khẩn trương tư vấn trực tiếp cho Thường trực Hội đồng GSNN, và đã đạt được ý kiến thống nhất như sau: “Cứ thực hiện đúng QĐ 37. Cụ thể, “không đủ” tức là thiếu hoặc chưa có. Khi đó được bù bằng các bài tạp chí quốc tế uy tín (theo các điều 5, điều 6 của QĐ 37). Mặc dù được quy định như "cách hiểu trên", nhưng GS, PGS là chức danh của giảng viên, do đó các ƯV vẫn có nhiệm vụ tham gia đào tạo, không chỉ thuần túy nghiên cứu. Không lo thay thế như vậy là buông bỏ hoàn toàn nhiệm vụ đào tạo, vì thủ trưởng các cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm nhận xét, đánh giá nhiệm vụ giao cho giảng viên (theo điều 5 và phụ lục 2, mẫu 2, QĐ 37). Trong nghị quyết phiên họp của Hội đồng GSNN sẽ ban hành vào đầu tuần tới, các nội dung này sẽ được tích hợp vào để thông báo cho các hội đồng, làm cơ sở triển khai thống nhất”.
GS Nguyễn Hữu Đức cho biết thêm, cách hiểu này là xu thế phát triển đổi mới chung, ủng hộ các ƯV có năng lực công bố quốc tế, nhưng hoàn toàn không xem nhẹ nhiệm vụ đào tạo. (còn tiếp)
Bình luận (0)