Trên báo in Thanh Niên ngày mai 13.10.2020, trong tin tức giáo dục đặc biệt, còn nêu chỉ đạo của Chính phủ với Bộ GD-ĐT về vấn đề này. Bài ghi nhận quá trình giáo viên lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 ra sao? …
Chiều 12.10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp để nghe lãnh đạo Bộ GD-ĐT báo cáo về việc xử lý các ý kiến góp ý cho nội dung sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Bộ GD-ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Bộ cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung, nếu cần thiết, tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn sách giáo khoa mới cho giáo viên trong những năm tới.
Tác giả có quyền bảo lưu quan điểm khi hội đồng thẩm định đề nghị sửa?
Xung quanh câu chuyện sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, diễn biến mới cho thấy hội đồng thẩm định đã từng góp ý một số vấn đề nhưng tác giả bộ sách giáo khoa Cánh Diều “bảo lưu quan điểm”.
Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn trước việc hội đồng thẩm định đưa ra đề nghị điều chỉnh nhưng tại sao tác giả viết sach giáo khoa vẫn “bảo lưu quan điểm” mà sau đó sách vẫn được đánh giá là đạt với số phiếu cao?
PGS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Giáo dục Việt Nam, người tham gia viết SGK toán tiểu học theo chương trình mới, cũng từng cho biết: "Sách của tôi cũng được chỉ báo có tới khoảng 200 chi tiết cần sửa nhưng có những cái chúng tôi tiếp thu, có những cái chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm và sau khi đối thoại thì được hội đồng thẩm định chấp nhận”.
Như vậy phải chăng khi hội đồng thẩm định đề nghị sửa sách, các tác giả có quyền không điều chỉnh? Tại sao cần có hội đồng thẩm định sách giáo khoa trong khi sử dụng? Câu trả lời sẽ có ở bài phân tích trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (13.10).
|
Phải truy trách nhiệm cả những người phản biện
Nhiều ý kiến cho rằng những điều không phù hợp trong sách giáo khoa lớp 1 mà dư luận phản ảnh, ngoài nhóm làm sách thì cũng đặt vấn đề trách nhiệm của người phản biện.
PGS-TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định: “Ngoài nhóm làm sách thì nhóm phản biện sách cũng vô trách nhiệm. Nếu bây giờ sách có lỗi, có 'sạn' thì phải truy trách nhiệm của cả những người phản biện”.
Trong khi đó, khi trao đổi với phóng viên Thanh Niên, nhiều giáo viên lớp 1 cho biết thật sự đã có phần chủ quan khi chọn sách vì nghĩ rằng các bộ sách đã được Bộ GD-ĐT, Hội đồng thẩm định quốc gia phê duyệt thì đương nhiên phải đảm bảo những yêu cầu về tính giáo dục.
Nhiều đề xuất khác cho sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 nói riêng và làm sách giáo khoa nói chung sẽ được chuyển tải trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai.
Bình luận (0)