Trước đó, dịch tả, dịch hạch, dịch cúm... cũng ảnh hưởng đến toàn thế giới, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Những dịch bệnh từ thời xưa
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch tả là dịch bệnh được ghi nhận lây lan ra toàn cầu từ rất sớm. Theo các nhà khoa học, bệnh tả có lẽ có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ, ở vùng châu thổ sông Hằng vào thời cổ đại. Bệnh tả xuất hiện ở châu Á khoảng 600 năm trước công nguyên.
Bệnh tả trở thành dịch xuất hiện đầu tiên từ các tuyến đường thương mại (trên đất liền và trên biển) đến Nga năm 1817, sau đó lan sang các phần còn lại của châu Âu, rồi từ châu Âu sang Bắc Mỹ. Người ta ghi nhận có 7 trận đại dịch đã xảy ra trong 200 năm. Trong đó, có những đại dịch cướp đi sinh mạng hàng ngàn người. Cụ thể, năm 1832, gần 40.000 người dân Paris chết vì dịch tả. Dịch tả tấn công nước Anh vào năm 1848-1849 đã làm 70.000 người chết. Đại dịch năm 1854 đã cướp đi sinh mạng 1/8 dân số thành phố London...
Cảnh những người mắc bệnh tả ở New York (Mỹ)
|
Một dịch bệnh toàn cầu gây ra sự sợ hãi không kém chính là dịch hạch. Theo National Geographic, dịch hạch đầu tiên được ghi nhận trên thế giới là ở Justinian (Ai Cập) năm 541-542 sau Công nguyên. Sau đó nó lan sang Palestine và đế chế Byzantine rồi tiến vào vùng Địa Trung Hải. Vào thời đỉnh điểm, bệnh dịch hạch đã giết chết 10.000 người/ngày ở thành phố lớn nhất và thịnh vượng nhất châu Âu thời đó là Constantinople (Đông La Mã). Bệnh dịch hạch cuối cùng giết chết có lẽ là 40% dân cư của thành phố. Vào năm 588, một làn sóng dịch bệnh lớn thứ hai lan rộng khắp Địa Trung Hải, rồi sang Pháp. Ước tính rằng bệnh dịch hạch Justinian đã giết chết khoảng 100 triệu người trên toàn thế giới. Nó làm cho dân số châu Âu giảm khoảng 50% giữa năm 541 và 700.
Dịch hạch nổi tiếng là một trong những đại dịch chết chóc nhất trên thế giới có cái tên Cái Chết Đen. Địa điểm bùng phát được cho là ở Trung Á, sau đó căn bệnh này nhiều khả năng thông qua loài chuột trên các tàu buôn lan đến bán đảo Krym vào năm 1346 rồi xâm nhập vào vùng Địa Trung Hải và châu Âu. Ước tính nạn dịch này đã giết chết từ 30-60% dân số của châu Âu (tương đương 25-50 triệu người) và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn từ 350 đến 375 triệu người vào năm 1.400.
Dịch Cái Chết Đen từng gây ra cái chết cho hàng chục triệu người
|
Từ thời cổ đại đến cận đại còn ghi nhận nhiều dịch bệnh toàn cầu khác. Nó lây lan qua những cuộc giao thương hay cả những cuộc chiến tranh quy mô lớn. Đó là đại dịch đầu tiên được ghi nhận trên thế giới ở Athens (430 trước công nguyên), dịch Cyprian (năm 249 -262), dịch Antonine (năm 165 - 180)... Những dịch bệnh này đã gây thiệt hại hàng loạt quốc gia, thay đổi cả thế giới. Chẳng hạn, đại dịch Cyprian làm chết nhiều dẫn tới thiếu hụt dân số và nhân lực diện rộng, dẫn tới suy yếu cả đế chế Roman. Dịch hạch Justinian đã buộc hoàng đế Justinian (người được lấy tên đặt cho dịch) lúc đó phải dừng kế hoạch đưa đế chế Roman trở lại. Sự tàn phá khủng khiếp của Cái Chết Đen cũng đã thay đổi rất lớn cấu trúc xã hội lúc bấy giờ...
Con người phải đối mặt với dịch cúm do virus gây ra
Càng về sau, những dịch bệnh từ thời xưa kéo dài đến thời hiện đại như tả, dịch hạch, sởi, lao, đậu mùa... bắt đầu được khống chế với việc tìm ra các vắc xin phòng bệnh. Nhưng con người cũng phải đối mặt với những dịch bệnh mới là cúm do virus gây ra.
Theo The Washington Post, dịch Cúm Nga được báo cáo đầu tiên vào tháng 5.1889 ở Bukhara, Uzbekistan. Sau khi lan qua các thành phố, dịch lan nhanh về phía tây và đến Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Ấn Độ, Úc năm 1890. Các nhà khoa học xác nhận nguyên nhân gây dịch bệnh này là các chủng virus H3N8 và H2N2 của virus cúm A. Nó có mức độ tấn công và tỷ lệ tử vong rất cao. Khoảng 1 triệu người đã chết do dịch bệnh này.
Đến năm 1918 xuất hiện dịch Cúm Tây Ban Nha. Theo history.com, dịch bệnh này được xác định đầu tiên ở Madrid (Tây Ban Nha) nhưng bùng phát mạnh nhất là vào tháng 3.1918 trong một trại huấn huyện lính của Mỹ tại Kansas. Sau đó, nó bắt đầu lây lan thành một dịch bệnh toàn cầu trên khắp các lục địa vì những người lính đến châu Âu và mang theo virus trong cuộc chiến tranh thế giới thứ Nhất.
Bệnh nhân nhiễm cúm Tây Ban Nha tại Kansas
|
Dịch bệnh lây nhiễm 1/3 dân số thế giới vào thời điểm đó (khoảng 500 triệu người). Tính đến khi kết thúc vào năm 1919, đã có khoảng 50 triệu người chết và cũng có thể cao hơn gấp đôi theo cách thống kê khác. Vào thời điểm đó, dịch bệnh này giết chết 3 - 5% dân số thế giới, xấp xỉ số người chết ở cả hai cuộc chiến tranh thế giới và được xem là một trong những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Sau đó, các nhà khoa học đã phân tích gene là do virus H1N1 gây ra.
Đến năm 1957, Cúm châu Á bắt đầu từ Hồng Kông và lan sang Trung Quốc rồi đến Mỹ, lây lan nhanh chóng trong vòng 6 tháng, giết chết 14.000 người và sau đó lại bùng phát thêm một đợt cúm tại Mỹ làm 69.800 người chết. Chủng virus gây bệnh là virus cúm loại A/H2N2.
Theo WHO, năm 2003 xuất hiện dịch Cúm gia cầm H5N1. Cho đến năm 2009, đã có 258 người tử vong với 15 nước, vùng lãnh thổ có người nhiễm bệnh. Năm 2009 lại xuất hiện cúm A/H1N1 (cúm lợn). Cho tới cuối tháng 7.2009, nó lan nhanh tới 214 quốc gia và khiến 18.000 người thiệt mạng trên tổng số 575.000 ca nhiễm bệnh. Tháng 8.2010, WHO tuyên bố H1N1 là đại dịch toàn cầu.
Nhân viên y tế Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư chăm sóc bệnh nhận nhiễm bệnh SARS
|
Lần đầu tiên, virus corona được nói đến là ở dịch SARS (hội chứng viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra). Cũng theo WHO, trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh năm 2002 là người Trung Quốc. Trong vòng vài tuần, dịch lây lan sang 37 quốc gia thông qua đường hàng không. Khoảng 8.000 người trên toàn thế giới nhiễm bệnh và 800 người tử vong. Hầu hết bệnh nhân bị nhiễm đều bị viêm phổi và lây nhiễm do tiếp xúc với chất dịch (đờm, nước mũi, nước bọt) từ người bệnh.
Hiện tại, thế giới đang dối mặt với dịch bệnh toàn cầu Covid-19 cũng do virus corona (chủng mới) gây ra. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Bình luận (0)