Tuyển sinh vào đại học làm sao để tránh tiêu cực?

Hà Ánh
Hà Ánh
30/04/2019 07:45 GMT+7

Trong khi gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 xảy ra ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang do sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển vào các trường ĐH thì liệu các phương thức tuyển sinh khác mà các trường ĐH đang thực hiện sẽ tránh được tiêu cực?

 

Thi riêng cũng cần thanh tra, giám sát

Có thể nói chưa bao giờ các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh như hiện nay. Dựa vào đề án tuyển sinh chính thức được công bố, có thể thấy đang có hơn 10 phương thức khác nhau.
Bên cạnh xét dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, các trường sử dụng nhiều phương thức khác dựa vào tiêu chí học bạ, chứng chỉ quốc tế, điểm xét tốt nghiệp… Đáng lưu ý, năm nay hàng loạt trường cho biết sẽ sử dụng kết quả các kỳ thi riêng do trường ĐH tự tổ chức để xét tuyển. Ví dụ, kết quả kỳ thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM được sử dụng xét tuyển vào gần 30 trường trong và ngoài hệ thống. Một loạt trường ĐH bất ngờ thông báo tổ chức thi riêng như: Công nghệ TP.HCM, Nguyễn Tất Thành, Hoa Sen, Quốc tế Hồng Bàng…
Trong khi việc xét vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia các trường phải tuân thủ chung các quy định của Bộ GD-ĐT về thời gian, ngưỡng tối thiểu xét tuyển thì ở phương thức tuyển sinh riêng các trường được chủ động hoàn toàn.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng mọi kỳ thi đều có nguy cơ bị tiêu cực nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng, kiểm tra giám sát chặt chẽ ở tất cả các khâu tổ chức thi và chấm thi, kể cả các kỳ thi đánh giá năng lực. “Trong kỳ thi tuyển, khi phải cạnh tranh với nhau để vào được ĐH thì thí sinh có thể tìm mọi cách để gian lận, tiêu cực thi cử có thể xảy ra”, ông Nghĩa nói.
Ở góc độ đơn vị tổ chức kỳ thi riêng, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhìn nhận bất cứ kỳ thi nào cũng đều có nguy cơ gian lận, kể cả các kỳ thi quốc tế như thi để lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Các nguy cơ này có thể đến từ nhiều nơi nhưng nguy hiểm nhất là những tác động từ khâu tổ chức để làm thay đổi kết quả thi.
Ông Chính cho biết, nhận định rõ các mối nguy trên, ĐH Quốc gia TP.HCM khi tổ chức kỳ thi này đã “siết” 2 khâu: quy trình chặt chẽ với giám sát đầy đủ các bên liên quan và quan trọng hơn là sử dụng người có đạo đức, chuyên nghiệp trong tổ chức. “Ngoài tuân thủ các quy định trong tổ chức thi của Bộ, bên cạnh công an, chúng tôi còn thực hiện giám sát bằng camera 24/24 trong lúc chấm thi để đảm bảo không có sai sót xảy ra dù nhỏ nhất”, ông Chính nhấn mạnh.

Xét tuyển học bạ với nỗi lo “chạy điểm”

Phương án xây dựng đề thi riêng ở một số trường ngoài công lập
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết để tổ chức thi riêng, việc xây dựng đề thi rất quan trọng. Ngoài chuyên gia, trường cũng liên hệ một số giáo viên là tổ trưởng các môn học ở trường phổ thông để thành lập hội đồng ra đề thi. Về cơ bản, cấu trúc đề thi sẽ tương tự đề thi THPT quốc gia để thí sinh không bỡ ngỡ. Sau năm nay, trường sẽ dần đổi mới, điều chỉnh cho phù hợp.
Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó trưởng phòng Truyền thông marketing - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng chia sẻ trường sẽ thành lập hội đồng chuyên môn soạn thảo đề thi gồm các thầy cô trong hội đồng trường, có chuyên môn về môn thi liên quan. Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình phổ thông, nhưng hướng tới việc đánh giá năng lực thí sinh sao cho phù hợp ngành học sẽ chọn.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường, quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hoa Sen, cho biết trường có một Ban biên soạn đề thi do Phó hiệu trưởng nhà trường phụ trách. Đề thi do giảng viên chuyên môn từ các khoa đưa lên, Ban đề thi sẽ chọn lại câu hỏi mang tính chất đánh giá được học sinh. 
Đăng Nguyên
Hiện nay phần lớn các trường ĐH đều bổ sung phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT. Cách thức này liệu không xảy ra tiêu cực? Đây là băn khoăn của không ít người, đặc biệt khi có thông tin tố cáo việc nâng điểm cho học sinh xảy ra tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp, TP.HCM).
Nhìn nhận về phương thức này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nói: “Xét trên diện rộng thì kết quả này vẫn có thể tin tưởng được, không thể vì một số nhỏ tiêu cực mà không sử dụng phương thức này. Vì với một trường phổ thông bình thường, việc nâng điểm cho học sinh sẽ rất hạn chế”.
Nhưng theo lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM, hiện tượng sửa điểm cho học sinh là một cảnh báo với nhiều trường đang sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào học bạ, trong đó có hàng loạt trường ĐH lớn. “Từ đó có thể đặt ra câu hỏi: Sẽ có tình trạng một số trường phổ thông “chạy” điểm để học sinh được ưu tiên xét tuyển thẳng vào nhiều trường ĐH lớn đang xét dựa vào học lực giỏi? Khi đó, việc xét bằng học bạ sẽ không còn đủ tin cậy, việc xét tuyển bằng phương thức này chỉ cho đủ chỉ tiêu tuyển sinh”, lãnh đạo này lo ngại.

Luyện thi có bùng phát trở lại ?

Song song với sự trở lại của các kỳ thi riêng được các trường ĐH tổ chức, lo ngại với xã hội còn là nguy cơ bùng phát của các trung tâm luyện thi cùng những tiêu cực có thể xảy ra.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, rất có thể tình trạng luyện thi sẽ trở lại nếu đề thi dựa trên nội dung học sinh cần ôn tập. Điều này có thể nhìn thấy trước qua các kỳ thi năng khiếu do các trường đã tổ chức, thí sinh muốn đạt điểm cao vẫn có thể tham gia các lớp ôn luyện bên ngoài hoặc do chính các trường tự mở lớp. Hiện tại cũng xuất hiện một số lớp luyện thi theo định hướng bài thi năng lực.
“Nếu các trường ĐH tự tổ chức kỳ thi trên diện rộng thì trung tâm luyện thi cũng có thể phát triển. Tiêu cực có thể xảy ra nếu người luyện thi cũng là người ra đề, tình trạng mua bán đề, lộ đề thi cũng có thể xảy ra”, tiến sĩ Nghĩa lo ngại.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, đã có thi thì sẽ có luyện thi nên sẽ không loại trừ khả năng tương lai sẽ có những trung tâm hoặc cá nhân luyện thi bài thi năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. “Tuy nhiên với định hướng ra đề thi này, chúng tôi không lo lắng nhiều về khả năng tiêu cực của việc luyện thi. Đặc biệt khi ĐH Quốc gia TP.HCM có những quy ước đảm bảo người làm đề không được tham gia luyện thi, nếu vi phạm sẽ không được tham gia vào việc làm đề”, ông Chính nói thêm.
Sẽ quay lại tuyển sinh riêng như trước “3 chung” ?
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc tổ chức thi riêng có xu hướng lan rộng trong các năm sắp tới. Lúc ấy liệu có quay về thời điểm các trường đều tổ chức thi riêng như trước khi thực hiện tuyển sinh vào ĐH, CĐ theo hướng “3 chung” (chung đợt thi, chung đề và dùng chung kết quả) trước kia?
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, hiện nay các trường tự chủ, tổ chức thi riêng hay có cách đánh giá riêng của trường là xu hướng. Còn PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết nếu có tổ chức thi riêng, cách thức sẽ là các trường lớn liên kết với nhau. Có thể ĐH Quốc gia TP.HCM hoặc ĐH Sư phạm TP.HCM chủ trì, cũng có thể các trường ngồi với nhau để tính toán phương thức tổ chức tối ưu hoặc nếu có một đơn vị độc lập tổ chức một kỳ thi có uy tín như SAT.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Đức, cũng nhận định một vài năm tới sẽ có nhiều hình thức thi riêng ở các trường. Việc có nhiều hình thức tuyển sinh cũng gây khó khăn cho việc xác định chất lượng đầu vào vì mỗi phương thức là một chuẩn riêng, chất lượng thí sinh riêng. 
Đăng Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.