Vào sư phạm có cần tiêu chí chiều cao?: Các nước phát triển không dám công khai 'kỳ thị'

Quý Hiên
Quý Hiên
15/02/2019 07:09 GMT+7

Ý kiến từ những người đang sống hoặc có nghiên cứu về giáo dục của các nước trên thế giới cho thấy ở nhiều nước tiên tiến hầu như không có quy định về chiều cao cho việc xét tuyển ngành sư phạm.

Tỏ ra kỳ thị là vi hiến

Theo anh Châu Quang, nghiên cứu sinh giáo dục học tại ĐH Suny Albany (Mỹ), ở Mỹ, khi tuyển dụng giáo viên (GV), các trường không được đưa ra những yêu cầu ngoại hình hay bất cứ một tiêu chuẩn nào mà có thể bị hiểu là “kỳ thị”. Hiến pháp Mỹ có điều khoản quy định rất kỹ về việc không được kỳ thị, nên nếu ai/nơi nào tỏ ra kỳ thị bị xem là vi hiến. Những đòi hỏi về ngoại hình thường là luật “ngầm” ở Mỹ và người ta sẽ không bao giờ nêu lý do chọn hay đánh rớt một ứng viên dựa trên cái gì cả (nên không ai biết được là họ có dựa vào ngoại hình hay không, nếu có thì với tỷ lệ bao nhiêu).
Anh Châu Quang nêu ý kiến: “Theo quan sát của tôi, ngay cả với những công việc đòi hỏi ngoại hình xuất sắc như tiếp viên hàng không thì bên Mỹ “đa dạng” về ngoại hình hơn ta. Nhưng nếu ngành hàng không họ quy định về chiều cao thì còn có lý do là để tiếp viên có thể đóng được khoang hành lý. Tuy nhiên một số hãng hàng không còn không chú ý chiều cao, miễn là ứng viên với đến khoang hành lý là được, dù cho nhón chân. Còn nếu nói sinh viên sư phạm phải có chiều cao tối thiểu 1,5 m thì tôi không đồng ý”.
Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, Khoa Đông phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cho biết ở Trung Quốc và Đài Loan không trường sư phạm nào yêu cầu sinh viên phải đạt các tiêu chuẩn cụ thể về ngoại hình.

“Tuyển dụng phân biệt đối xử là “chết” luôn”

Bà Nguyễn Thanh Huyền, Trường ĐH Việt Pháp, cho biết trường đang soạn thảo các thỏa thuận tiếp nhận thực tập với các trường ĐH Pháp, hai bên thống nhất đưa nội dung này vào: “Tiếp nhận sinh viên do hai bên lựa chọn đến Pháp thực tập không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc, tôn giáo, tuổi tác và khuyết tật”.
Bà Huyền bình luận: “Chính phía Pháp đề xuất nội dung ấy, bởi đối với họ đấy là vấn đề văn hóa. Trường không được tỏ ra có thái độ kỳ thị, vì xã hội không cho phép thể hiện thái độ phân biệt đối xử ấy. Hồi tôi còn đi học bên Pháp (đầu những năm 1990), đã nghe bà giáo của tôi nói chuyện, bên này mà đăng tuyển dụng phân biệt đối xử là “chết” luôn”.
Theo PGS Lê Bảo Long, Viện Khoa học quốc gia - ĐH Quebec, Canada, các nước phát triển thường quy định cấm phân biệt đối xử dựa vào các yếu tố như ngoại hình, giới tính, chủng tộc… Các yêu cầu để trở thành một GV tiểu học ở Canada tương tự như các yêu cầu ở Mỹ, được thiết lập bởi chính quyền từng tỉnh, nhưng tất cả đều rất giống nhau trong việc yêu cầu GV phải có trình độ ĐH (chương trình đào tạo 4 năm). Một số trường hợp phải vượt qua một kỳ thi để được chứng nhận giảng dạy tại từng tỉnh đó. Yêu cầu sẽ là các yếu tố chuyên môn, chứ không có quy định về ngoại hình.

Người khuyết tật cũng có cơ hội làm giáo viên

Theo tiến sĩ Phạm Thị Ly, một chuyên gia độc lập nghiên cứu về giáo dục, do bản chất của nghề mà nghề giáo dù ở nước nào trên thế giới cũng có nhiều áp lực, và đòi hỏi nhiều phẩm chất, năng lực, cũng như điều kiện đặc thù. Mỹ là một ví dụ tiêu biểu. Ở Mỹ, để hành nghề sư phạm ở bậc phổ thông, không chỉ cần có bằng cử nhân chuyên môn là được, mà còn phải có chứng chỉ hành nghề do tiểu bang cấp (state-issued Teaching License hoặc Teacher Certification). Chứng chỉ hành nghề sư phạm do tiểu bang này cấp không nhất thiết dùng được ở tiểu bang khác. Với nhiều bang, giấy phép này có thời hạn, thường là 5 năm, sau đó phải xin gia hạn.
Dù đòi hỏi ngặt nghèo như vậy nhưng những yêu cầu ngoại hình, cao hay thấp, đẹp hay xấu không phải là tiêu chuẩn để trở thành GV ở Mỹ. Thậm chí người khuyết tật cũng có thể trở thành GV. Theo Bộ Giáo dục Mỹ, khoảng gần 1% GV ở Mỹ là người khuyết tật. Những GV này có vai trò rất quan trọng trong việc trở thành khuôn mẫu cho học sinh về ý chí sống một cách có ích.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp VN, cũng cho rằng các quy định về điều kiện dự tuyển vào ngành sư phạm mà liên quan tới ngoại hình của thí sinh phải dựa vào các nghiên cứu thực nghiệm ở VN chứ không nên dựa vào suy nghĩ chủ quan. Vì thế, nên dựa vào nghiên cứu và tư vấn khuyến cáo người học cho phù hợp, tránh bị cho là phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, nếu dạy học online phát triển thì những người có chiều cao chưa đến 1,5 m hoàn toàn có thể dạy học hiệu quả qua môi trường này.
Ý kiến
Phần Lan: Tuyển dụng sư phạm khó nhưng không quy định ngoại hình
Hiện con gái của tôi đang học 2 cô giáo người Phần Lan có chiều cao thấp hơn tôi, tức là không thỏa mãn điều kiện 1,5 m, nhưng 2 cô giáo này đều dạy siêu giỏi. Thế nên chiều cao không liên quan đến chuyên môn, kiến thức và quyết tâm trong nghề nghiệp.
Theo quy định của chính phủ Phần Lan, quy trình tuyển lựa đầu vào cho ngành sư phạm rất khó, đôi lúc khó hơn cả ngành y. Sinh viên cạnh tranh rất cao, ngoài việc chỉ nhận tốp 10%, sinh viên muốn học ngành sư phạm còn phải qua phỏng vấn của trường ĐH và GV đang dạy tại các trường phổ thông để đánh giá liệu ứng viên có tâm huyết và phù hợp với ngành sư phạm không. Để dạy tiểu học, các GV ở đây đều có bằng thạc sĩ cùng với chất lượng của ứng viên đầu vào và đầu ra đều rất khắt khe. Nhưng họ không có bất cứ quy định nào về ngoại hình cả.
Hoàng Thục Nhi 
(Nghiên cứu sinh về giáo dục tại Phần Lan)
Úc: Chỉ thi vấn đáp để nhận xét về phát âm, diễn đạt
Ở Úc, sau khi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành, muốn trở thành GV, các ứng viên tham gia khóa học tương tự như phương pháp giảng dạy và đăng ký vào hiệp hội giáo chức. Hiệp hội sẽ thực hiện các bước kiểm tra, nếu đạt, các ứng viên sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề và có thể đăng ký tuyển dụng các vị trí GV. Tuy vậy không có bất cứ quy định cứng nhắc nào về hình thức và ngoại hình đối với GV. Để xác định việc có đủ điều kiện hành nghề đi dạy hay không, họ chỉ có duy nhất kỳ thi vấn đáp để nhận xét về khả năng phát âm, trình bày và diễn đạt.
Cao Huy Thảo 
(Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc)
Bích Thanh (ghi)
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bỏ tiêu chí chiều cao vào sư phạm
Hôm qua 14.2, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã chính thức gỡ bỏ tiêu chí quy định về chiều cao với thí sinh xét tuyển ngành sư phạm trong đề án tuyển sinh dự kiến năm 2019.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, quyết định này được trường cân nhắc trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhiều chiều từ dư luận. Thời gian tới, hội đồng tuyển sinh của trường sẽ tiếp tục nghiên cứu để có hướng đi phù hợp hơn.
Hiện trường đã đăng tải lại trên website phương án tuyển sinh dự kiến, trong đó loại bỏ quy định chiều cao khi xét tuyển vào các ngành đào tạo GV (nam phải cao 1,55 m trở lên và nữ cao 1,5 m trở lên) như công bố trước đó. Điều kiện hình thể chỉ giữ lại với ngành đặc thù giáo dục thể chất với yêu cầu nam phải cao từ 1,65 m và nặng 50 kg trở lên; nữ cao 1,55 m và nặng 45 kg trở lên.
Đề án tuyển sinh chính thức sẽ được trường hoàn thiện và công bố vào tháng 3 tới.
Điều chỉnh này được Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện sau khi có nhiều ý kiến dư luận trái chiều về thông tin tuyển sinh dự kiến được trường công bố trên website có yêu cầu thí sinh vào ngành sư phạm cần có chiều cao tối thiểu từ 1,5 m với nữ.
Hà Ánh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.