Vì sao phải quy định ngặt nghèo với trường đại học tổ chức kỳ thi riêng?

Quý Hiên
Quý Hiên
06/05/2020 16:05 GMT+7

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, việc đưa ra các quy định với trường tổ chức kỳ thi riêng trong dự thảo quy chế tuyển sinh là để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, đảm bảo công bằng xã hội.

Hôm nay, 6.5, PGS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), đã giải thích với báo chí vì sao trong những phiên bản gần đây của dự thảo quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã dành hẳn một điều khoản với những quy định quy định chi tiết dành cho các trường tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh.

Tự chủ tuyển sinh không phải "muốn làm gì thì làm"

Theo bà Thủy, việc tự chủ tuyển sinh của các trường đại học đã được xác định trong luật. Tuy nhiên, tự chủ cũng gắn liền với trách nhiệm giải trình và minh bạch thông tin, và tự chủ thì không có nghĩa là "muốn làm thế nào thì làm". Tự chủ đại học đi kèm với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý, các cơ quan chức năng và chịu giám sát của toàn xã hội.
Việc dự thảo quy chế tuyển sinh 2020 bổ sung các điều kiện quy định với những trường muốn tổ chức tuyển sinh riêng là nhằm tăng cường công cụ quản lý nhà nước để đảm bảo các kỳ thi riêng diễn ra nghiêm túc, đúng quy định, quy trình và chất lượng.
“Để tổ chức một kỳ thi tuyển sinh, các trường đại học phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự (bộ phận chuyên trách khảo thí có trình độ, kinh nghiệm), cơ sở hạ tầng (phòng ốc, máy tính, phần mềm…),… Đây là những điều kiện căn bản, tối thiểu để tổ chức tuyển sinh thành công, chất lượng. Đây cũng là những quy định cần thiết để đảm bảo quyền lợi của các thí sinh, đảm bảo công bằng xã hội”, bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, những cơ sở đào tạo chưa kịp chuẩn bị đủ các điều kiện này có thể phối kết hợp hoặc sử dụng chung kết quả thi với các trường đại học khác có các điều kiện tương đồng như cùng khối ngành đào tạo, cùng khu vực...
Thực tế cho thấy, ngoài các trường đào tạo đặc thù (nghệ thuật, công an, quân đội), chỉ một số ít các trường có mức độ cạnh tranh cao, đòi hỏi điều kiện đầu vào khắt khe hơn so với mặt bằng chung mới có nhu cầu tổ chức thi tuyển sinh riêng. Đa số các trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi THPT và/hoặc kết hợp với các phương thức xét tuyển khác để tuyển sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, do tình hình học tập không đồng đều trên toàn quốc nên đề thi sẽ giảm bớt độ khó, cũng như thời lượng làm bài thi so với 2019. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng đã chuẩn bị các giải pháp để các trường đại học có thể sử dụng tốt nhất kết quả này phục vụ cho công tác tuyển sinh.
Theo bà Thủy, dự thảo quy chế vẫn đang trong giai đoạn tập hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, của đại diện các trường đại học để hoàn thiện. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý để quy chế tuyển sinh đáp ứng đúng yêu cầu của luật pháp, đảm bảo hài hòa lợi ích của các trường đại học, của thí sinh, của toàn xã hội, đồng thời các kỳ thi tuyển sinh riêng (nếu có) đảm bảo chất lượng, nghiêm túc, minh bạch”, bà Thủy nói.

Có thể "yên tâm sử dụng" kết quả thi THPT để xét tuyển

Trước thông tin một số trường đại học bỏ phương án tuyển sinh riêng, quay về với phương án dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, bà Thủy bình luận: “Bài thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có độ phân hóa, đánh giá được học sinh đạt chuẩn, trên chuẩn (chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục THPT).
Bên cạnh đó, đây sẽ là kết quả của một kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản, có sự chuẩn bị kỹ càng, rút kinh nghiệm điều chỉnh từng năm với sự giám sát của lực lượng chức năng và toàn xã hội. Vì thế, tôi cho rằng, không nên quá lo lắng với chất lượng nguồn tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp năm nay”.
Bà Thủy cũng cho rằng, mặc dù điểm đầu vào cũng là một trong những tiêu chí quan trọng quyết định chất lượng đầu ra, nhưng không phải tất cả. Luật Giáo dục đại học đã nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo phải chú trọng đến các điều kiện đảm bảo chất lượng của quá trình đào tạo, trong đó có đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất, công tác tổ chức, quản lý… để đảm bảo chất lượng toàn bộ quá trình đào tạo.
Do vậy, song song với quá trình triển khai tự chủ đại học, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng sẽ được đẩy mạnh, quan tâm. Học sinh đã tốt nghiệp THPT là có thể có cơ hội vào học đại học, hoặc cao đẳng, hoặc học nghề… nhưng trong quá trình học nếu không đáp ứng được thì cũng sẽ bị đào thải, không thể tốt nghiệp.
Bộ GD-ĐT đang khẩn trương xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các trình độ của giáo dục đại học, tiếp theo đó là chuẩn chương trình của các ngành, nhóm ngành để định hướng đảm bảo mặt bằng chung của chất lượng nguồn nhân lực mà hệ thống giáo dục đại học đào tạo nên.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn kiểm định chất lượng giáo dục đại học để góp phần thực hiện tốt việc đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.