VinUni không phải trường học của người giàu, mà là trường học của người tài

Quý Hiên
Quý Hiên
12/11/2019 20:12 GMT+7

Đại diện Dự án đại học VinUni cho biết, theo mô hình đại học tinh hoa thì học phí chỉ chiếm 47% tổng nguồn thu. Các chuyên gia thì cho rằng, người Việt sẵn sàng chi trả học phí cao, miễn là họ tin vào chất lượng.

Mới đây, Dự án đại học VinUni công bố định hướng tuyển sinh cho năm học 2020 - 2021, trong đó có nội dung dự kiến chi phí đào tạo. Theo đó, chi phí đào tạo trung bình hàng năm (gồm giảng dạy, nghiên cứu, thực tập, trao đổi quốc tế, học kỳ doanh nghiệp và các chi phí đầu tư liên quan...) cho mỗi sinh viên là US$ 35.000 với hệ đại học và US$ 40.000 với hệ sau đại học.
Tuy nhiên, trong 5 niên khóa đầu tiên, tất cả sinh viên sẽ được VinUni hỗ trợ 35% chi phí, tương đương với khoảng US$12.000- US$14.000 trong suốt thời gian học tập tại trường.
Trước nhiều luồng ý kiến khác nhau trong xã hội, trong đó có ý kiến cho rằng đó mức học phí của VinUni quá cao (kể cả sau khi được giảm 35%), bà Lê Mai Lan, Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup, cho rằng đó là mức chi phí phù hợp với một cơ sở đào tạo đại học mà mục tiêu là đào tạo tinh hoa, tức đào tạo nhân tài.
Không giải thích trực tiếp trường hợp của VinUni, nhưng bà Lan có đưa ra ví dụ về các nguồn thu và việc chi của các đại học ở Anh, qua đó cho nguồn thu từ người học (học phí) sẽ chỉ đảm bảo 47% tổng nguồn thu của một trường đại học. Trong khi đó, các mục chi hầu hết là chi cho sinh viên hoặc sinh viên được hưởng lợi.
“VinUni không phải là đại học của những người giàu. Đại học VinUni theo mô hình tinh hoa mới mà nội hàm của từ tinh hoa chính là tài năng”, bà Lan nói.
Trong tọa đàm thảo luận về các nội dung mà Dự án đại học UniVin mới công bố được tổ chức hôm nay, 12.11, tại Hà Nội, GS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định sự cần thiết của mô hình đại học tinh hoa như VinUni đang làm, song cũng bày tỏ băn khoăn về khả năng tuyển sinh của những trường đại học đi con đường đào tạo tinh hoa, trong đó có VinUni.
Thực tế cho thấy, các chương trình đào tạo người tài ở nhiều trường đại học của ta muốn thu hút người tài vào học thì các trường thậm chí còn phải cấp tiền cho người học, mà vẫn tuyển sinh rất khó khăn.

Người Việt sẵn sàng chi tiền, nếu có lòng tin về chất lượng đào tạo

GS Mai Trọng Nhuận cho biết, học phí tại các đại học tinh hoa trên thế giới họ tính theo ngành, có ngành đến 100 - 200 ngàn US$, 35.000 US$ như VinUni là thấp so với thế giới. Nhưng mấu chốt là nếu theo đuổi con đường đại học tinh hoa thì trường đại học phải thực sự đào tạo được người tài, giúp người tài có khả năng tự bảo vệ mình, để chống chọi với cuộc sống, thì từ đó tài năng đó có thể vươn lên.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng nêu khó khăn về tuyển sinh đối với VinUni nói riêng và các trường đại học muốn xây dựng đại học xuất sắc là không dễ. Hiện đang có nhiều trường mở ra đào tạo tinh hoa, nên cạnh tranh trong tuyển sinh sẽ gay gắt. Người học sẽ phân vân: tại sao phải học VinUni? Việc trả lời được câu hỏi đó rất quan trọng, không chỉ để tuyển sinh được mà còn để nhà trường định hướng hoạt động cho mình.
TS Nguyễn Sĩ Dũng nói: “Vấn đề là chất lượng. Người Việt sẵn sàng chi trả, bằng chứng là họ sẵn sàng bỏ tiền cho con ra nước ngoài học dù phải đóng mức học phí cao. Vấn đề là tạo lòng tin cho người dân là đào tạo của trường có chất lượng”.
TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng góp ý thêm: "Vingroup trong giai đoạn đầu có thể là chủ thể chi tất cả. Nhưng về dài hạn cần có thêm nhà nước hỗ trợ. Không phải là cần thêm chi phí mà là sự ghi nhận cho dân tộc này. Nhà nước hiểu được đóng góp của Vingroup để hỗ trợ. Tại sao hợp tác với Cornell, Penn được mà không hợp tác với Nhà nước được?".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.