Xã hội hóa đào tạo thầy giáo?

28/10/2017 08:59 GMT+7

Việc Bộ GD-ĐT cho phép thí điểm mô hình đào tạo sư phạm tại trường ĐH ngoài công lập không có chức năng đào tạo sư phạm còn gây ra nhiều băn khoăn về chính sách miễn học phí với sinh viên sư phạm cũng như định hướng phát triển nguồn lực giáo viên trong tương lai.

“Học phí vừa phải”
Bộ GD-ĐT vừa có quyết định cho phép Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng thí điểm đào tạo trình độ ĐH ngành giáo dục mầm non với chỉ tiêu đào tạo được giao trên cơ sở nhu cầu nhân lực của địa phương. Hiệu trưởng trường chịu trách nhiệm tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo và cấp văn bằng theo đúng các quy định hiện nay.
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, cho biết: “Chúng tôi mở ngành xuất phát nhu cầu thực tế từ chính hệ thống giáo dục của Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG). Trong 3 năm tới, hệ thống giáo dục của NHG cần khoảng 1.500 - 2.000 giáo viên mầm non, song số lượng tuyển chưa đáp ứng nhu cầu cũng như còn nhiều mặt chưa sát với yêu cầu các đơn vị vì tính chất đặc thù mỗi trường, mỗi hệ thống, nhất là chuyên môn mang tính quốc tế hóa. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị được mở ngành này, với bước đi thích hợp là thí điểm”.
Ông Cần cho biết việc đào tạo sẽ theo chuẩn đầu ra của chương trình, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của đổi mới. Bên cạnh đó, chương trình được tham khảo từ nhiều nước như: chú trọng đào tạo về kỹ năng sống, ứng xử với những hành vi của trẻ, phương pháp ứng xử với những trẻ đặc biệt…
Về học phí và cơ hội việc làm, PGS-TS Thái Bá Cần cho hay lợi ích khác biệt cho người học ở đây là sinh viên được cam kết 100% việc làm sau tốt nghiệp. “Chúng tôi đang khảo sát sao cho học phí vừa phải. Nhưng chắc chắn sinh viên được cho vay 0% lãi suất. Sinh viên được thực tập có lương tại hệ thống giáo dục của NHG và 100% có việc làm với mức lương hợp lý”, ông Cần nói.

tin liên quan

Bộ GD-ĐT tự mâu thuẫn!
Việc Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo ngành sư phạm mầm non cho một trường ĐH ngoài công lập cũng như UBND TP.HCM kiến nghị để một số trường trung cấp không thuộc ngành sư phạm được liên kết, liên thông ngành học này khiến dư luận không khỏi lo ngại.
Học phí thỏa thuận
Từ năm 1998, Quyết định 70 của Thủ tướng Chính phủ về thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã quy định miễn học phí cho học sinh và sinh viên ngành sư phạm.
Tiếp đó, Thông tư liên tịch số 66 (hướng dẫn thực hiện miễn thu học phí đối với học sinh, sinh viên ngành sư phạm và hỗ trợ ngân sách cho các trường sư phạm) của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính đã nêu rõ đối tượng miễn thu học phí là học sinh, sinh viên hệ chính quy tập trung tại các trường và khoa sư phạm có cam kết sau khi tốt nghiệp phục vụ trong ngành giáo dục. Văn bản này cũng nêu rõ, đối tượng người học ngành sư phạm nêu trên không phân biệt được nhà nước cấp ngân sách hay không cấp ngân sách.
Trên tinh thần này, từ đó đến nay những sinh viên theo học hệ chính quy tập trung tại các trường sư phạm có cam kết phục vụ ngành sau khi ra trường đều không phải đóng học phí theo quy định nhà nước.
Tuy nhiên, việc cho phép Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng đào tạo ngành giáo dục mầm non hệ chính quy tập trung, Bộ đã tạo ra một mô hình sư phạm với chính sách học phí mới ở bậc ĐH!
Lý giải cơ sở thực hiện mô hình thí điểm này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết theo Nghị định 86/2015 của Chính phủ (quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến 2020 - 2021) thì sinh viên sư phạm tại các cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí. Như vậy, theo ông Ga, sinh viên các trường ngoài công lập không thuộc đối tượng này.
Theo ông Ga, ở mô hình thí điểm trường ngoài công lập, việc đào tạo sư phạm sẽ thực hiện theo mô hình xã hội hóa. Theo đó, học phí sẽ linh hoạt theo thỏa thuận giữa người học với đơn vị đào tạo. Việc đóng học phí này tùy thuộc vào có hay không việc cam kết việc làm sau khi ra trường với đơn vị đặt hàng. Nếu địa phương, doanh nghiệp, trường mầm non đầu tư kinh phí đào tạo, người học không phải trả tiền nếu cam kết sau này làm việc cho họ. Nếu không muốn cam kết để có thể đi dạy chỗ khác hoặc tự mở trường, sinh viên phải tự đầu tư học phí.
“Đây là mô hình đào tạo theo nhu cầu địa phương và có đặt hàng, người học có thể tự nguyện lựa chọn chứ không bắt buộc. Mô hình này chỉ là thí điểm, chỉ triển khai thêm nếu chất lượng người học đáp ứng yêu cầu xã hội và xã hội tiếp tục còn nhu cầu”, ông Ga nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.