Mới đây, 26 hội đồng ngành, liên ngành (gọi chung là hội đồng ngành) đã thông qua danh sách ứng viên được để nghị Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2020.
Theo đó, tổng số ứng viên được các hội đồng cơ sở đề xuất lên các hội đồng ngành là 416 (trong đó 352 ứng viên PGS, 64 ứng viên GS). Hội đồng ngành có số lượng ứng viên từ cơ sở đề xuất lên nhiều nhất là kinh tế, 68 ứng viên, trong đó 54 ứng viên PGS, 14 ứng viên GS. Ngành nhiều tiếp theo là y học, 45 ứng viên (35 GS, 10 PGS); hóa học - công nghệ thực phẩm, 41 (33 PGS, 8 GS); vật lý, 36 (35 PGS, 1 GS)…
Ngành ít ứng viên nhất (không tính 2 ngành khoa học an ninh, khoa học quân sự) là sử học -khảo cổ học - dân tộc học, chỉ có 1 ứng viên PGS. 2 ngành văn học, ngôn ngữ, mỗi ngành chỉ có 2 ứng viên PGS. Các ngành luyện kim, luật học, tâm lý học, mỗi ngành cũng chỉ 2 - 4 ứng viên.
Kết quả xét của các hội đồng giáo sư ngành cho thấy, tổng số có 321 ứng viên được các hội đồng ngành thông qua, để đề nghị Hội đồng GS Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đợt xét năm 2020, đạt 77,2% so với tổng số mà các hội đồng cơ sở đề xuất. Trong đó, ứng viên PGS được thông qua là 281, đạt 79,8% trong tổng số ứng viên PGS được các hội đồng cơ sở đề xuất. Ứng viên GS được thông qua là 40, đạt 62,5% trong tổng số ứng viên GS được các cơ sở đề xuất.
Một số hội đồng ngành có số ứng viên bị loại nhiều nhất gồm: hội đồng ngành kinh tế, 6/54 ứng viên PGS bị loại, 11/14 ứng viên GS bị loại; hội đồng ngành điện - điện tử - tự động hóa, 6/20 ứng viên PGS bị loại, 4/4 ứng viên GS bị loại; hội đồng ngành vật lý, 9/35 ứng viên PGS bị loại. Riêng ngành ngôn ngữ, cả ngành chỉ có 2 ứng viên PGS do hội đồng cơ sở đề xuất lên, nhưng hội đồng ngành đều không thông qua cả 2 ứng viên.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, thành viên các hội đồng ngành cho biết, trước khi bước vào đợt xét ở các hội đồng ngành năm nay, Hội đồng GS Nhà nước đã quán triệt đến từng hội đồng ngành, yêu cầu việc xét phải thực hiện đúng quy định trong quyết định 37, (là quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS).
Số ứng viên GS, PGS từng ngành được các hội đồng cơ sở đưa lên, và kết quả xét ở các hội đồng ngành như sau:
|
Nhiều ứng viên bị loại do không lý giải được vì sao đăng bài địa chỉ khác cơ quan mình
Đặc biệt, năm nay các hội đồng ngành đều phải thực hiện các yêu cầu của Hội đồng GS Nhà nước là phải xem xét rõ một số vấn đề trong hồ sơ ứng viên như ứng viên công bố nhiều bài báo khoa học tên cùng một tạp chí trong thời gian ngắn… ứng viên công bố bài báo trên các tạp chí được khuyến cáo về chất lượng. Đặc biệt, Hội đồng GS Nhà nước đã yêu cầu các hội đồng ngành phải làm rõ khi ứng viên có bài báo quốc tế mà địa chỉ khác nơi ứng viên làm việc.
Kết quả, trong quá trình xét, nhiều ứng viên đã không được được hội đồng ngành đưa vào bỏ phiếu do giải trình không thỏa đáng việc mình có quá nhiều bài được công bố với địa chỉ khác cơ quan mình làm việc; hoặc vì sao số lượng công bố của mình tăng với mức độ “thần tốc” trong vài năm gần đây...
Một thành viên Hội đồng GS ngành vật lý cho biết: “Trong số các trường hợp mà hội đồng không thông qua, có 4 ứng viên có số bài báo quốc tế tăng đột biến trong 2 năm qua, mà trong đó có nhiều bài ghi địa chỉ duy nhất là Trường đại học Tôn Đức Thắng (không phải là nơi làm việc của các ứng viên - PV). Có nhiều ứng viên có bài báo mà trên đó ghi địa chỉ duy nhất không phải nơi mình làm việc, nhưng hội đồng xem xét không thông qua 4 trường hợp được xem là nghiêm trọng nhất”, vị thành viên hội đồng này chia sẻ. Được biết, Hội đồng GS ngành vật lý xét 36 ứng viên, trong đó 35 ứng viên PGS; nhưng chỉ có 26 ứng viên PGS được hội đồng ngành thông qua, 9 ứng viên “trượt”.
Đặc biệt, ở Hội đồng GS ngành Cơ học, có một ứng viên GS không được hội đồng ngành thông qua khiến dư luận quan tâm vì ứng viên này được truyền thông biết đến do đạt thành tích xuất sắc về công bố quốc tế trong những năm gần đây. GS Trần Văn Liên, Thư ký Hội đồng GS ngành Cơ học cho biết: “Về trường hợp ứng viên N.T.T (tên của ứng viên “đặc biệt” này) ở Trường đại học Tôn Đức Thắng , trong văn bản Hội đồng GS ngành gửi lên Hội đồng GS Nhà nước, hội đồng loại, không xét hồ sơ của anh N.T.T vì 3 lý do như sau: (1) số lượng công bố quá nhiều, tăng đột biến, bất thường trong 2 năm gần đây; (2) công bố quá nhiều bài không thuộc lĩnh vực ngành cơ học; (3) báo cáo tổng quan không đạt”.
GS Liên cũng cho biết, sau quyết định trên, đại diện lãnh đạo hội đồng đã gọi điện cho ứng viên, trao đổi nội dung và kết luận của cuộc họp hội đồng, đồng thời thông báo để ứng viên không phải ra Hà Nội (ứng viên này ở TP.HCM) dự phỏng vấn.
Hội đồng Giáo sư ngành Cơ học có 7 ứng viên do các hội đồng cơ sở đề xuất lên, nhưng chỉ có 3 ứng viên được thông qua. 4 ứng viên còn lại, ngoài ứng viên N.T.T bị loại ngay từ khâu xét hồ sơ, 3 ứng viên còn lại không được thông qua do khi bỏ phiếu các ứng viên này không đạt đủ số phiếu cần có.
Theo GS Liên, trong quá trình xét hồ sơ của các ứng viên, Hội đồng GS ngành Cơ học làm việc rất thận trọng, xem xét kỹ các hồ sơ và các minh chứng. “Trường hợp ứng viên N.T.T, chúng tôi rất tiếc, vì chúng tôi biết anh ấy rất có năng lực. Nhưng vì anh ấy có sự nhầm lẫn nên hồ sơ không đạt yêu cầu, chúng tôi buộc phải loại”, GS Liên nói.
Bình luận (0)