Xét học bạ tuyển sinh đại học ngành giáo viên, sức khỏe: phải học giỏi hoặc điểm cao

Quý Hiên
Quý Hiên
08/05/2020 12:18 GMT+7

Quy chế tuyển sinh 2020 quy định yêu cầu đảm bảo chất lượng đầu vào với việc xét tuyển đại học dựa vào học bạ hoặc thi tuyển riêng với 2 ngành giáo viên và sức khỏe .

Theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (Quy chế tuyển sinh 2020) Bộ GD-ĐT vừa ban hành, các trường tuyển sinh không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT phải tuân thủ một số điều kiện nhằm đảm bảo yêu cầu về chất lượng đầu vào.
Trong đó, có quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên; các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

Các ngành bác sĩ, dược sĩ: hoặc học giỏi, hoặc điểm cao

Đối với các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, nếu với trường xét tuyển dựa trên tổ hợp các môn học ở THPT, thí sinh chỉ được đưa vào diện xét tuyển nếu đạt các yêu cầu sau:
Đối với các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược học: tuyển học sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.
Đối với các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng: tuyển học sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.
Nếu trường tổ chức thi tuyển hoặc xét thí sinh dựa vào các kỳ thi tuyển sinh riêng, ngưỡng đảm bảo chất lượng trình độ đại học với các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược học: tuyển học sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại khá hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.
Đối với các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng: tuyển học sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại từ trung bình trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 5,5 trở lên.

Xét đại học bằng học bạ ngành giáo viên

Đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, nếu trường xét tuyển trình độ đại học dựa trên tổ hợp các môn học ở THPT thì chỉ những học sinh đã tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên mới đủ điều kiện để xét tuyển.
Riêng các ngành giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao, người dự tuyển phải có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên. Nếu thí sinh là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đoạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế hoặc có điểm thi năng khiếu do trường tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9,0 trở lên theo thang điểm 10,0) thì có thể không cần đạt ngưỡng này, nhưng phải đạt các điều kiện dự tuyển đại học chung mà Bộ GD-ĐT quy định.
Các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật người dự tuyển phải có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên. Nếu thí sinh có điểm thi năng khiếu do trường tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9,0 trở lên theo thang điểm 10,0) thì không cần phải đạt ngưỡng này.
Xét tuyển trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non dựa trên tổ hợp các môn học ở THPT: người dự tuyển phải có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.

Xét đại học bằng kỳ thi tuyển riêng với ngành giáo viên

Nếu trường tổ chức thi hoặc sử dụng kết quả kỳ thi tuyển riêng để tuyển sinh, khi xét tuyển trình độ đại học, thí sinh được xét là những em đã tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại khá hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.
Riêng các ngành giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật, học sinh thì không cần đạt ngưỡng trên mà chỉ cần thuộc diện được xét tuyển đại học chung mà Bộ GD-ĐT quy định.
Với trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non, người dự tuyển phải có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 5,5 trở lên.

Phải công bố chỉ tiêu đối với từng phương thức xét tuyển

Các trường có quyền lựa chọn các phương thức xét tuyển, nhưng phải quy định rõ trong đề án tuyển sinh của đơn vị mình, gồm:
Xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT hoặc kết quả thi đánh giá năng lực của thí sinh hoặc kết quả thi đánh giá năng lực của trường khác hoặc kết quả đánh giá của tổ chức khảo thí uy tín trên thế giới và các phương thức khác.
Sử dụng đồng thời các phương thức xét tuyển trên (bao gồm cả việc sơ tuyển kết hợp với xét tuyển).
Các trường phải công bố công khai chỉ tiêu đối với từng phương thức xét tuyển.
Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi vào trường, trong thời hạn do trường quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được hiểu là từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác; thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.
Các chế độ ưu tiên của thí sinh được áp dụng chung, không phân biệt phương thức căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT hay là không. Thời gian đăng ký thi tuyển, xét tuyển do hiệu trưởng các trường quy định phù hợp với phương thức tổ chức đào tạo tại trường và khung kế hoạch thời gian năm học của giáo dục phổ thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.