tin liên quan
Tư vấn truyền hình trực tuyến: Cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển NV1Bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho đại diện các trường qua ô bên cạnh hoặc qua số điện thoại 08-39309242 kể từ 14 giờ 30 ngày 11.8.
Tự động phát
|
|
|
PHẦN 1
* Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân thông tin: Các trường ĐH, CĐ đã chính thức công bố điểm trúng tuyển đợt 1. Chúng tôi xin chúc mừng những thí sinh đã trúng tuyển trong đợt xét tuyển đầu tiên. Tuy nhiên, với những thí sinh chưa trúng tuyển không có nghĩa đã hết hy vọng. Theo quy định, bắt đầu từ 21.8 thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 sẽ tiếp tục tham gia đợt xét tuyển bổ sung đầu tiên.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin của những thí sinh này, chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên tổ chức buổi tư vấn hôm nay tập trung vào nhóm ngành xã hội- kinh tế, dịch vụ .
Chương trình đang diễn tại địa chỉ thanhnien.vn. Chúng tôi mong nhận được câu hỏi của các bạn gửi qua địa chỉ trên hoặc qua số ĐT 08- 39309242.
Chương trình sẽ được chia làm 2 phần. Xin trân trọng giới thiệu đại diện các trường tham gia đợt 1:
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân;
- Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-tài chính TP.HCM;
- Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn;
- Thạc sĩ Nguyễn Chí Thu, Phó Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen
Những thí sinh mà chương trình đang hướng đến là thí sinh chưa may mắn trúng tuyển ngay trong đợt 1. Theo các thầy, những kinh nghiệm gì thí sinh này cần rút ra sau đợt 1 xét tuyển vừa rồi để thành công trong đớt xét tuyển bổ sung sắp tới.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải đưa ra lưu ý cho xét tuyển đợt 2: Đến thời điểm này có nhiều bạn trúng tuyển từ 1-2 trường và 1-2 ngành trở lên. Bên cạnh đó thì có nhiều bạn chưa trúng tuyển mặc dù trong đó nhiều bạn điểm cao. Rút kinh nghiệm đợt 1, đợt 2 thí sinh cần lưu ý. Mỗi thí sinh đợt 2 được phép chọn 3 trường, mỗi trường 2 ngành. Thí sinh cần biết chỉ tiêu xét đợt 2 ở ngành mình muốn nộp. Mỗi trường sẽ có chỉ tiêu khác nhau. Nên chọn các trường rải ra ở nhiều vùng.
Các em nhớ viết đúng mã ngành. Vì ở đợt 1 có không ít em ghi nhầm nên mất cơ hội xét vào ngành mình thích. Trong đợt 2 chỉ có 10 ngày để nộp, từ 20 đến 30.8. Các trường công bố điểm chuẩn trước ngày 4.9.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Khi làm hồ sơ xét tuyển đợt bổ sung, thí sinh cần lưu ý về số lượng chỉ tiêu từng ngành. Vì vậy thí sinh phải lưu ý xem kỹ thông tin từng trường. Bên cạnh đó thí sinh cần chú ý thời gian nộp hồ sơ, tốt nhất là nộp trước một ngày trước khi kết thúc đợt xét tuyển.
Thạc sĩ Nguyễn Chí Thu: Tôi chỉ có lời khuyên cho thí sinh đã trúng tuyển đợt 1, nếu thời điểm này chưa nhận được giấy báo thì đừng lo lắng vì sẽ nhận trong một vài ngày tới.
Một thí sinh hỏi: Điểm chuẩn đợt 2 có cao hơn đợt 1?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Trong những năm qua nhiều ngành điểm chuẩn đợt 2 cao hơn đợt 1. Cụ thể tại Trường ĐH Duy Tân, ngành y đa khoa đợt 2 cao hơn 2 điểm, ngành dược cao hơn 2,5 điểm. Các ngành còn lại điểm xét tuyển như đợt 1. Điểm trúng tuyển cao hay thấp hơn đợt 1 phụ thuộc vào số lượng thí sinh nộp vào, chỉ tiêu nhiều hay ít và mức điểm thí sinh cao hay thấp.
Năm nay Bộ GD-ĐT cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt 2 phải cao hơn đợt 1, có thể bằng hoặc thậm chí thấp hơn.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho biết:Trường đã nhận được 1.100 hồ sơ đợt 1, theo dự kiến sẽ tuyển được 60% sau khi thí sinh nhập học. Vì vậy trung bình mỗi ngày từ 20-60% chỉ tiêu trường dành cho xét tuyển bổ sung tùy theo ngành, với mức điểm xét tuyển như đã công bố.
Thạc sĩ Nguyễn Chí Thu: Còn 970 chỉ tiêu cho 21 ngành ĐH, CĐ không xét bổ sung. Những ngành kinh doanh quốc tế, quản trị công nghệ truyền thông, ngôn ngữ Anh thì tuyển thêm mỗi ngành 30 chỉ tiêu. Điểm xét tuyển bổ sung bằng điểm trúng tuyển đợt 1.
Một thí sinh hỏi: Ngành y Trường ĐH Duy Tân có xét tuyển bằng học bạ không?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: 2 ngành y đa khoa và dược của trường chỉ xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia, điểm xét y đa khoa 22 điểm, dược là 19.
Thí sinh hỏi: Em thi khối A được 17,75 điểm, khả năng đậu các ngành khối xã hội có cao không?
Thạc sĩ Cao Quảng Tư: ĐH Quốc tế Sài gòn có ngành ngôn ngữ Anh chỉ lấy 15 điểm, cơ hội đậu cũng tương đối cao.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Trường đang đào tạo ngành quan hệ công chúng thuộc nhóm ngành xã hội, với mức điểm 16,5 thí sinh có thể trúng tuyển vào trường. Nếu có khả năng viết lách, khả năng thuyết trình nói trước đám đông có thể phù hợp với ngành học này.
Thạc sĩ Nguyễn Chí Thu: Với 16,5 điểm, thí sinh có thể trúng tuyển vào nhóm ngành quản trị dịch vụ của Trường ĐH Hoa Sen.
Em được 16 điểm muốn nộp hồ sơ vào ngành luật kinh tế có được không?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Trường đã công bố mức điểm xét tuyển từ 15-16 điểm. Trong đó ngành luật kinh tế thí sinh có thể nộp hồ sơ với mức 16 điểm. Tuy nhiên, thí sinh có mức điểm cao hơn điểm nhận hồ sơ thì cơ hội trúng tuyển cao hơn.
Thí sinh hỏi: Ngành quản trị kinh doanh có xét bổ sung không, em được 16 điểm nộp được không?
Thạc sĩ Nguyễn Chí Thu: Ngành quản trị kinh doanh có điểm xét tuyển là 16. Thời điểm này chưa biết được số lượng hồ sơ cụ thể, tuy nhiên để tránh rủi ro thí sinh nên chọn thêm một ngành gần với ngành yêu thích nhất để an toàn. Ví dụ trong trường hợp này có thể nộp vào ngành hệ thống thông tin quản lý xét tuyển 15 điểm.
Thí sinh hỏi: Em muốn học khoa quản trị luật, em nên xét trường nào?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Thí sinh cần xác định lại, ngành học là gì? Khoa không phải là vấn đề cần quan tâm, mà là ngành. ĐH Duy Tân có tuyển sinh ngành luật kinh tế, với điểm xét tuyển là 15 cho kết quả kỳ thi THPT quốc gia, 18 điểm cho kết quả học bạ. Số lượng thí sinh chọn ngành luật kinh tế hạn chế hơn các ngành khác. Nếu em có mức điểm từ 15 trở lên thì cơ hội đậu rất lớn.
Thí sinh hỏi: Để được học ngành kinh tế đối ngoại của ĐH Quốc tế Sài Gòn thì điểm chuẩn là bao nhiêu? Học phí như thế nào?
Em muốn học ngành ngôn ngữ Anh, em muốn làm giáo viên tiếng Anh thì có thể dạy tại Trường quốc tế Á châu thuộc hệ thống của trường ĐH Quốc tế Sài Gòn được không?
Thạc sĩ Cao Quảng Tư: Nguyện vọng bổ sung ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn lấy 15 điểm. Học phí thuộc khối ngành kinh tế là 22 triệu/học kỳ. Trường xét bằng cả kết quả kỳ thi THPT quốc gia và học bạ.
Nhiều sinh viên học ngành này có nguyện vọng thực tập tại Trường trung học Quốc tế Á châu, nếu em đủ điều kiện thì hoàn toàn có thể làm việc tại hệ thống Trường trung học Quốc tế Á châu vì hàng năm trường vẫn tuyển trợ giảng.
Thí sinh hỏi: Giữa ngành quản trị kinh doanh và ngành kế toán thì ngành nào phù hợp với nữ hơn? Em được 16 điểm liệu có trúng vào ĐH Duy Tân? Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp của ngành này?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Đặc trưng ngành quản trị kinh doanh đòi hỏi giao tiếp tốt, nhanh nhạy, thích sáng tạo, khám phá. Ngành kế toán đòi hỏi sự chính xác, tuân thủ nghiêm ngặt quy định. Tùy thuộc tính cách và sở thích của em như thế nào để lựa chọn phù hợp. Điểm trúng tuyển những ngành này dự kiến khoảng 15 điểm.
Khối ngành kinh tế có cơ hội việc làm lớn vì có tính phổ biến. Nhiều doanh nghiệp đến trường đặt hàng. Trường có trung tâm hỗ trợ việc làm cho sinh viên, sẽ giúp các em kiếm việc làm ngay cả khi còn là sinh viên lẫn khi ra trường. Tuy nhiên việc làm còn phụ thuộc vào cá nhân của sinh viên. Nhà tuyển dụng dựa vào kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ của sinh viên.
Em đạt được 15,5 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia thì em có cơ hội đậu vào ngành quản trị khách sạn của nhà trường không ạ? Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ lữ hành, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống khác nhau chỗ nào?
Thạc sĩ Nguyễn Chí Thu: Ba ngành này có khối kiến thức chung 60-70% về khối kiến thức về quản lý, quản trị sẽ giống nhau. Sự khác biệt về tên ngành và lĩnh vực. Trong đó du lịch lữ hành thì hướng dẫn tour, trong lĩnh vực nhà hàng hoặc khách sạn. Hiện với quy chế tín chỉ, sinh viên có thể học song song 2 ngành. Có thể điểm chuẩn sẽ cao hơn từ 0,5-1 điểm so với điểm công bố xét tuyển ở đợt bổ sung này.
Đợt 1 ngành quản trị kinh doanh lấy nhiều chỉ tiêu nhất, vậy đợt 2 còn chỉ tiêu không và ra trường làm công việc gì?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Quản trị kinh doanh trong đợt bổ sung có khoảng 80 chỉ tiêu ở đợt xét tuyển. Còn về lựa chọn ngành này thì cần phải dựa vào các yếu tố: tố chất phù hợp, niềm đam mê và nhu cầu thị trường lao động. Riêng ngành này khi tốt nghiệp có thể làm nhân viên kinh doanh, quản lý, tổ chức thị trường… chứ không phải một công việc cụ thể.
Thí sinh hỏi: Khi đăng ký ngành quản trị kinh doanh của ĐH Quốc tế Sài Gòn thì em có được chọn chuyên ngành thương mại quốc tế ngay từ đầu không? Học chuyên ngành này có thể làm việc ở đâu và mức lương như thế nào?
Em có chứng chỉ tiếng Anh TOEIC 550 có đủ điều kiện học ở trường không?
Thạc sĩ Cao Quảng Tư: Khi xét tuyển thí sinh chọn chuyên ngành ngay từ đầu và nếu em trúng tuyển sẽ học đúng chuyên ngành luôn.
Nếu các em học chương trình tiếng Việt thì không yêu cầu tiếng Anh đầu vào, tuy nhiên khi tốt nghiệp phải đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh.
Em muốn hỏi Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM: Em được biết trường nhận hồ sơ bằng cách xét tuyển học bạ, nhưng đợt xét tuyển bổ sung có nhận hồ sơ theo hình thức này không ạ?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Ở đợt xét tuyển bổ sung trường vẫn xét tuyển đồng thời theo 2 hình thức: kết quả học bạ lớp 12 và kết quả thi THPT quốc gia. Ở mỗi hình thức có quy định về điểm nhận hồ sơ và thời gian xét tuyển khác nhau. Tuy nhiên thí sinh có thể sử dụng đồng thời cả 2 phương thức này để nộp hồ sơ. Trường cũng dành nhiều suất học bổng cho thí sinh trúng tuyển vào trường theo mức điểm khác nhau.
** Những lời khuyên của các chuyên gia tạm kết lại phần 1 của chương trình tư vấn hôm nay. Cảm ơn các thầy đã tham gia chương trình, cảm ơn quý khán giả đã theo dõi chương trình trực tiếp tại website Báo Thanh Niên. Chúng tôi hy vọng thí sinh có những thông tin cần thiết để quyết định chọn một cơ hội khác ở nguyện vọng bổ sung và thành công trong lần xét tuyển này.
Chương trình sẽ được tiếp tục phần 2 cũng tại địa chỉ thanhnien.vn với các khách mời đại diện các trường ĐH: Văn Lang, Quốc tế Hồng Bàng, Công nghệ TP.HCM. Mời các bạn tiếp tục đặt câu hỏi và hẹn gặp lại các bạn trong ít phút nữa.
|
Bình luận (0)