*** Đúng 14 giờ 30 phút, chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến bắt đầu.
Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân thông tin: Hôm nay (1.8) là ngày đầu tiên thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT và đủ điều kiện về điểm chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD-ĐT và của các trường ĐH,CĐ sẽ bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển đợt đầu tiên. Đợt này sẽ kéo dài trong 12 ngày, sau đó sẽ đến các đợt xét tuyển bổ sung.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin của thí sinh về việc xét tuyển, chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên tổ chức buổi tư vấn ngay trong ngày đầu tiên thí sinh xét tuyển với sự tham gia của các trường đại diện cho các nhóm ngành khác nhau. Chương trình đang diễn tại địa chỉ thanhnien.vn. Chúng tôi mong nhận được câu hỏi của các bạn gửi qua địa chỉ trên hoặc qua số ĐT 08-39309242
Chương trình sẽ được chia làm 2 phần. Xin trân trọng giới thiệu đại diện các trường tham gia phần 1:
- Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân
- Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang
- Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.
Đại diện các trường tham gia phần 1 chương trình tư vấn Ảnh: Đ.N.Thạch
|
Nhà báo Thùy Ngân đặt vấn đề: Việc xét tuyển vào ĐH,CĐ năm nay có những điểm thay đổi rất quan trọng mà nếu không lưu ý, thí sinh sẽ đánh mất cơ hội trúng tuyển. Mời tiến sĩ Võ Thanh Hải thông tin những điểm mới về xét tuyển mà thí sinh cần nắm.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Thí sinh (TS) nên tập trung vào những điểm mới trong xét tuyển: Bậc CĐ năm nay không cần điểm sàn. Đối với bậc ĐH: TS không được rút hồ sơ sau khi đăng ký. Thí sinh và phụ huynh phải lưu ý kỹ. Trong 2 ngày gần đây phần lớn các trường đều lấy mức điểm xét tuyển là 15. Đây chỉ là điều kiện cần để TS nộp hồ sơ. Điểm trúng tuyển là điểm lấy từ trên cao xuống tương ứng với chỉ tiêu đã công bố. Có những ngành điểm trúng tuyển sẽ cao hơn điểm xét tuyển nhiều.
Điểm mới nữa là thời gian xét tuyển chỉ còn 12 ngày, từ 1-12.8. Từ ngày 12-14.9 các trường công bố điểm trúng tuyển. Từ 14-19 TS trúng tuyển phải nộp phiếu chứng nhận kết quả thi duy nhất để xác nhận mình trúng tuyển.
Khi TS nộp hồ sơ qua bưu điện hoặc tại trường, TS cần giữ lại giấy xác nhận gửi của bưu điện và của trường để nếu thất lạc sẽ được giải quyết...
Tiến sĩ Võ Thanh HảiẢnh: Đ.N.Thạch
|
TS hỏi: Trong trường hợp TS nộp 2-3 hình thức thì có được không?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh: Năm nay có 3 hình thức nộp hồ sơ, tuy nhiên tùy từng trường có quy định khác nhau gồm: trực tuyến, trực tiếp và qua bưu điện. Nếu TS nộp trực tuyến trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT cần lưu ý, những ngày qua Bộ đã mở cổng để TS làm quen nhưng các thông tin này sẽ bị xóa trước khi bắt đầu đăng ký chính thức vào sáng nay. Đến thời điểm này trường đã nhận được 850 hồ sơ, trong đó TS đăng ký qua cổng của Bộ chiếm 20%. Điều này chứng tỏ TS vẫn có cảm giác an tâm hơn với cách nộp trực tiếp. Tuy nhiên TS ở xa vẫn có thể yên tâm với hệ thống trực tuyến.
TS có thể nộp bằng nhiều hình thức nhưng số lượng nguyện vọng vẫn phải tuân thủ đúng theo quy định, mỗi đợt chỉ 2 trường với tối đa mỗi trường 2 ngành. Năm nay dù trường không công bố thông tin cụ thể mỗi ngày nhưng báo chí vẫn có thể cung cấp thông tin tới TS.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ: Có 3 hình thức nộp hồ sơ, nộp qua bưu điện, trực tiếp tại trường hoặc nộp trực tuyến.
Chúng ta khi nộp hồ sơ chỉ cần nộp 1 tờ phiếu đăng ký xét tuyển và lệ phí 30.000 đồng. Đối với hình thức online thì TS đăng ký chuyển khoản qua tài khoản của trường. Các em cũng có thể gửi lệ phí qua bưu điện hoặc nộp tại trường. Học bạ và phiếu báo điểm thì chỉ nộp sau khi đi nhập học.
Trong phiếu đăng ký xét tuyển, mục đối tượng và khu vực ưu tiên thì các em điền đúng như khi các em điền trong hồ sơ đăng ký dự thi trước đây các em nộp. Nếu như có sự thay đổi thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh.
Phần đăng ký nguyện vọng, TS được ghi 2 nguyện vọng, ngành 1 và ngành 2 kèm mã ngành. Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM xét tuyển theo khối ngành nên ghi trên phiếu thì ghi tên khối ngành là được. Sau khi trúng tuyển vào khối ngành, sau 3 học kỳ mới đăng ký ngành cụ thể. Trong phiếu, nếu các em có đăng ký 2 trường thì cũng nên ghi tên trường thứ 2 để các trường có thể biết được TS của mình còn nộp vào trường nào khác, từ đó tính toán tỷ lệ ảo dễ hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Anh VũẢnh: Đ.N.Thạch
|
Nhà báo Thùy Ngân đặt câu hỏi: Về việc đăng ký các nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển, TS cần lưu ý những điều gì để có nhiều cơ hội trúng tuyển từ nguyện vọng 1?
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn: Năm nay, nộp hồ sơ đợt 1, các em chỉ được đăng ký 2 ngành của 1 trường và chỉ được đăng ký 2 trường. Vì vậy, các em phải tìm hiểu thật kỹ, chỉ nộp hồ sơ cho 2 trường thôi, chứ có em nộp đăng ký xét tuyển nhiều hơn 2 trường thì trường nào đã nhận và nhập dữ liệu của em trước thì trường còn lại sẽ không nhập được dữ liệu của em. Do đó, khi đăng ký xét tuyển nhiều trường hơn quy định có thể trường mà em thích nhất sẽ không nhận được hồ sơ của em.
Các em phải tìm hiểu kỹ các ngành, trường, chỉ tiêu tuyển sinh và đặc biệt là so điểm của mình với mức điểm chuẩn trúng tuyển của ngành đó của trường năm 2015. Nếu điểm thi của các em bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển năm ngoái thì khả năng trúng tuyển của các em cao vì phổ điểm năm nay thấp hơn năm ngoái. Đặc biệt với khối D, ngành ngôn ngữ Anh, nếu điểm thi của các em bằng năm ngoái thì tôi tin chắc rằng các em sẽ đậu.
TS đặt câu hỏi: Em thi được 16,5 đ + 1 đ vùng nữa được 17,5 điểm. Em muốn đăng ký vào Trường đại học Công nghệ TP.HCM thì em có thể đỗ vào những ngành nào của trường? Theo hình thức xét học bạ THPT thì nếu học bạ đủ điểm theo yêu cầu của trường thì sẽ biết mình đậu ngay vào trường đó hay vẫn phải đợi điểm sàn ạ? Nếu em đăng ký xét tuyển bằng học bạ thì có bị ảnh hưởng đến việc xét tuyển bằng điểm thi THPT QG không? Tức là khi em đăng ký xét tuyển bằng học bạ thì em có thể đăng ký xét tuyển vào 2 trường ĐH bằng điểm thi như bình thường cùng lúc không?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh: Theo mức điểm chuẩn năm ngoái, với 17,5 điểm TS có thể trúng tuyển vào trường ở nhiều ngành. Tuy nhiên, TS lưu ý có một số ngành trường lấy trên 18 điểm như ngôn ngữ Nhật. Về phương thức xét tuyển học bạ kết thúc đợt 1 vào 5.8, khoảng 6 hoặc 7.8 trường công bố điểm chuẩn. Thí sinh có thể sử dụng đồng thời cả 2 phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc AnhẢnh: Đ.N.Thạch
|
TS hỏi: Với số điểm 21,35 nếu nộp NV1 vào ngành nào của ĐH Ngân hàng thì cơ hội đậu cao nhất?
Giữa 2 ngành kinh doanh quốc tế và kinh doanh đối ngoại, ngành nào tốt hơn, 24,33 điểm thì nên nộp ngành nào?
Em được 20,73 thích học quản trị kinh doanh, em có khả năng đậu hay không?
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ: Hiện trường đang xét theo 3 nhóm: kinh tế - kinh doanh - quản lý gồm tài chính ngân hàng, kế toán, kinh tế quốc tế, hệ thống thông tin quản lý, quản trị kinh doanh. Khi đậu, học 3 học kỳ đầu sẽ phân ngành. 3 tổ hợp toán - lý - hóa, toán - lý - Anh và toán - văn - Anh, môn toán hệ số 2. Điểm trúng tuyển thấp nhất năm ngoái của khối ngành này là 21,75. Nếu TS có điểm năm nay bằng điểm này trở lên thì có khả năng trúng tuyển cao.
Các em nên vừa nộp vào trường ĐH Ngân hàng, vừa nộp vào một trường thứ 2 có mức điểm thấp hơn thì sẽ an toàn hơn.
Trong mã ngành chính thức chỉ có kinh tế quốc tế, lý thuyết về kinh tế, tạo ra các nhà nghiên cứu về chính sách, còn ngành kinh doanh quốc tế đi sâu vào nghiệp vụ xuất nhập khẩu, thương mại…
TS hỏi: Em dự thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM nhưng không đậu. Trong các trường tư vấn, có rất nhiều trường có xét tuyển năng khiếu. Cho em hỏi cách thức xét tuyển các ngành này như thế nào? Có trường ĐH công lập nào xét tuyển các ngành năng khiếu không?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh: Trường tuyển sinh 4 ngành năng khiếu, trường xét tuyển 2 môn văn hóa và môn vẽ. Môn vẽ trường lấy điểm TS dự thi từ các trường ĐH khác hoặc dự thi tại trường. TS sau khi nhân đôi môn năng khiếu, cộng điểm 2 môn văn hóa đạt từ 18 điểm trở lên sẽ đủ điều kiện nộp hồ sơ. Trường sẽ tổ chức thi môn năng khiếu tại trường vào các buổi sáng thứ 7 hằng tuần, từ nay cho đến cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9. Với xét tuyển học bạ, TS cũng có thể sử dụng kết quả học bạ 2 môn văn hóa cộng với điểm thi môn vẽ.
Một bạn đọc đặt câu hỏi: Cháu được 18,65 điểm, tổ hợp môn Toán - Lý - Văn. Đăng ký ngành Kinh doanh quốc tế của Trường ĐH Văn Lang, khả năng đậu có cao không?
Cũng thắc mắc về khả năng trúng tuyển, một TS khác hỏi: Em thi khối C được gần 18 điểm. Thích học báo chí thì có thể nộp hồ sơ vào ngành nào?
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn: Năm 2015, điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành Kinh doanh quốc tế của trường là 16,5 điểm. Với điểm thi em đạt được năm nay như trên, tôi khẳng định em đủ điểm trúng tuyển vào ngành này của trường.
Thạc sĩ Võ Văn TuấnẢnh: Đ.N.Thạch
|
Trường hợp điểm thi khối C của TS được 18 điểm, thầy Tuấn cho biết, Trường ĐH Văn Lang có ngành Quan hệ công chúng, có thể phù hợp với nguyện vọng học về báo chí của TS. Năm ngoái, ngành này lấy 17 điểm (khối C). Như vậy, với điểm thi của em đạt được thì em có khả năng trúng tuyển vào ngành Quan hệ công chúng của Trường ĐH Văn Lang năm nay.
TS hỏi: Các ngành năng khiếu xét tuyển như thế nào?
Một phụ huynh hỏi: Tôi nghe nói một khối thi được chọn 1 trường 2 ngành. Con tôi thi 2 khối có được chọn nhiều trường hơn có đúng không?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Trường xét tuyển các ngành kiến trúc nội thất và kiến trúc công trình. Xét tuyển môn toán, lý, vẽ mỹ thuật và toán, văn, vẽ mỹ thuật. TS có thể dùng kết quả thi năng khiếu ở bất cứ trường nào.
Nếu TS thi môn vẽ kỹ thuật tại trường ĐH Duy Tân thì trường đã công bố kết quả.
Mỗi TS trong đợt 1 chỉ được phép chọn tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành. Nếu em thi 2 khối, thì tại các trường, mỗi ngành có tối đa 4 tổ hợp môn. TS nên chọn tổ hợp môn nào có điểm cao nhất, dùng điểm đó nộp vào ngành mình muốn xét tuyển. Dù TS nộp 2 tổ hợp cho một ngành thì trường vẫn xét tổ hợp môn có điểm cao hơn. TS cũng nên mạnh dạn nộp thêm hồ sơ học bạ nếu điểm học bạ cao.
Về các ngành năng khiếu, thạc sĩ Võ Văn Tuấn cho biết: Trường ĐH Văn Lang xét tuyển 5 ngành năng khiếu là Kiến trúc, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang, Thiết kế công nghiệp.
Nếu em nào có mức điểm bằng hoặc cao hơn năm ngoái thì các em hoàn toàn yên tâm để nộp hồ sơ và có thể trúng tuyển vào trường.
Các môn năng khiếu như Vẽ Mỹ thuật, Vẽ Trang trí và Vẽ Hình họa, TS sử dụng kết quả thi tại Trường ĐH Văn Lang hoặc kết quả ở 7 trường ĐH sau để xét tuyển: ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp và Trường ĐH Nghệ thuật - ĐH Huế.
*** Những lời khuyên của các chuyên gia tạm kết lại phần 1 của chương trình tư vấn hôm nay. Cảm ơn các thầy đã tham gia chương trình, cảm ơn quý khán giả đã theo dõi chương trình trực tiếp tại website Báo Thanh Niên. Chúng tôi hy vọng thí sinh có những thông tin cần thiết ban đầu về xét tuyển quyết định nộp hồ sơ kể từ hôm nay.
Chương trình sẽ được tiếp tục phần 2 cũng tại địa chỉ thanhnien.vn với các khách mời đại diện các trường: Sư phạm kỹ thuật, Hoa Sen, Lạc Hồng, Kinh tế tài chính, Hồng Bàng. Mời các bạn tiếp tục đặt câu hỏi và hẹn gặp lại các bạn trong ít phút nữa.
|
Bình luận (0)