Ai thiết kế bộ nhận diện thương hiệu của Metro TP.HCM?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
22/12/2024 07:14 GMT+7

Những ngày này, người dân TP.HCM háo hức trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Ít ai biết logo và các hạng mục nhận diện thương hiệu của HCMC Metro lại do một nhóm sinh viên tái thiết kế và thiết kế mới, mang đến ấn tượng gần gũi, hiện đại, dễ nhớ.

Nguyễn Phạm Trường An và Nguyễn Thái Học là cựu sinh viên ngành thiết kế đồ họa của Trường ĐH Hoa Sen. Cả hai đều vô cùng hãnh diện và tràn ngập cảm xúc khi bộ nhận diện thương hiệu HCMC Metro do nhóm mình thiết kế đang được sử dụng cho toàn bộ hệ thống.

Ai thiết kế bộ nhận diện thương hiệu của Metro TP.HCM?- Ảnh 1.

Thạc sĩ Trần Thị Nhật Trâm và 2 học trò xuất sắc của Khoa Thiết kế và nghệ thuật Trường ĐH Hoa Sen

ẢNH: NVCC

Trường An kể lại, cách đây 3 năm (năm 2021), An và Học là sinh viên năm cuối, cùng bắt tay thực hiện dự án tái thiết kế logo và thiết kế mới nhận diện thương hiệu dự án đường sắt đô thị TP.HCM - HCMC Metro. Dự án vốn là một phần trong đồ án tốt nghiệp của cả hai, dưới sự hướng dẫn của thạc sĩ Trần Thị Nhật Trâm, giảng viên bộ môn thiết kế đồ họa.

Sau khi nghe học trò trình bày ý tưởng, nhận thấy tính ứng dụng tốt, độ khả thi cao của dự án, cũng như muốn tạo ra giá trị cho công trình trọng điểm hàng đầu của thành phố, thạc sĩ Nhật Trâm đã gợi ý đề tài cho nhóm nghiên cứu và cùng nhau bàn bạc các giải pháp thực hiện.

Ai thiết kế bộ nhận diện thương hiệu của Metro TP.HCM?- Ảnh 2.

Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị MAUR và Công ty Đường sắt đô thị số 1 HURC đã trực tiếp nghe Trường An và Thái Học báo cáo đồ án

ẢNH: NVCC

Trong vòng 3 tháng, trải qua nhiều buổi nghiên cứu, thực hiện, trao đổi với Ban Quản lý đường sắt đô thị MAUR và Công ty Đường sắt đô thị số 1 HURC để có được phiên bản phù hợp nhất, từ tháng 1.2021, logo và nhận diện thương hiệu của nhóm nghiên cứu đã chính thức được đưa vào sử dụng.

Cụ thể, logo HCMC Metro được tái thiết kế dựa trên ý tưởng của logo có từ năm 2015, nhằm mục đích giữ nguyên tầm nhìn thương hiệu cũng như độ nhận diện của logo đã gắn bó với HCMC Metro suốt chặng đường thi công.

Nhóm nghiên cứu cho biết: "Những sự thay đổi trong logo được tạo ra để tăng sự tinh giản, tính đa dụng và quan trọng hơn cả là giúp logo phù hợp hơn với các tính chất thương hiệu HCMC Metro: an toàn, hiện đại, là niềm tự hào của toàn thể người dân TP.HCM và nhân dân cả nước".

Ngoài ra, các hạng mục nhận diện thương hiệu khác như bộ văn phòng phẩm, đồng phục, bộ nhận diện các tuyến tàu, đồ họa thông tin... đã được 3 cô trò thiết kế mới hoàn toàn.

Nguyễn Thái Học chia sẻ: "Với việc chú trọng vào trải nghiệm của hành khách, các thiết kế được thực hiện sao cho vừa thân thiện, dễ sử dụng, vừa phù hợp với những định vị thương hiệu của HCMC Metro".

Ai thiết kế bộ nhận diện thương hiệu của Metro TP.HCM?- Ảnh 3.

Ai thiết kế bộ nhận diện thương hiệu của Metro TP.HCM?- Ảnh 4.

Logo của HCMC Metro được nhóm sinh viên tái thiết kế nhìn ấn tượng, hiện đại hơn

ẢNH: NVCC

Đề tài trên đã được Hội đồng bảo vệ tốt nghiệp năm học 2020-2021 ngành thiết kế đồ họa, Khoa Thiết kế và nghệ thuật Trường ĐH Hoa Sen nhận xét là ứng dụng khéo léo mỹ thuật, ý tưởng sáng tạo vào thực tiễn, đem lại màu sắc tươi mới, hiện đại, năng động cho thương hiệu. Kết quả, đồ án được đánh giá với số điểm cao nhất và An và Học trở thành thủ khoa đợt tốt nghiệp này.

Thạc sĩ Trần Thị Nhật Trâm bày tỏ: "Thật xúc động, đây là niềm tự hào lớn lao không chỉ đối với cá nhân tôi và 2 em sinh viên mà của cả nhà trường, hòa chung không khí phấn khởi của người dân thành phố nhân dịp khởi động tuyến metro số 1. Chúng tôi rất vui vì đã được đóng góp một phần nhỏ trong việc xây dựng biểu tượng giao thông của thành phố. Việc một sản phẩm do sinh viên thiết kế được ứng dụng vào một công trình quan trọng như tuyến metro số 1 là minh chứng cho tài năng và khả năng hội nhập của các em sinh viên".

Theo thạc sĩ Trâm, điều này cũng mang đến một thông điệp mạnh mẽ rằng sinh viên không phải chỉ "biết học" mà còn có thể tạo ra những giá trị thực tế và đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.