Quá tải bài vở
Lịch học dày đặc, khó khăn cân bằng bài vở trên lớp với những đồ án hỗ trợ cho việc tốt nghiệp, tâm lý chênh vênh, lo sợ cạnh tranh trong thị trường lao động là nỗi lo của một số sinh viên năm cuối sắp tốt nghiệp.
Nhiều đêm phải thức trắng chạy bài, Thanh Thảo, sinh viên năm cuối Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, TP.HCM, cho biết bản thân kiệt sức và gặp nhiều áp lực.
"Tôi theo ngành thiết kế, nhiều môn học đều có yêu cầu nộp đồ án với lịch thi cuối kỳ gần sát nhau nên sản phẩm bị dồn lại, phải hoàn thành bản phác thảo để duyệt trước khi thực hiện. Tôi cũng đang thực hiện nghiên cứu khoa học hỗ trợ cho việc tốt nghiệp, băn khoăn chọn nơi thực tập phù hợp, đôi khi lo sợ ra trường trễ hạn, khó bám trụ với nghề", Thảo cho hay.
Còn Ngọc Dương, sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ bản thân khá chênh vênh, mất niềm tin vì bị từ chối khi ứng tuyển.
"Năm cuối nên tôi ứng tuyển để học việc lấy nền tảng nhưng một số nơi yêu cầu kinh nghiệm, lịch học năm 2, năm 3 của tôi lại khá nặng, khó sắp xếp nên chưa thể đáp ứng điều kiện này. Tôi cũng hoang mang về định hướng sau khi tốt nghiệp", nữ sinh viên lo lắng.
Cũng rơi vào tình trạng quá tải, Mai Hồng, sinh viên năm cuối, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết, giai đoạn giữa kỳ học khá áp lực với lượng bài vở liên tục, tâm lý bất an khi thời gian ra trường đến gần nhưng cảm thấy bản thân chưa tự tin.
Ưu tiên việc học
Vừa tốt nghiệp ngành tài chính Ngân hàng, Thùy Vũ, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết, sinh viên năm cuối thường sẽ chịu áp lực về khóa luận nên cần đầu tư thời gian tự học, hạn chế đi làm thêm nếu không thể cân bằng vì dễ ảnh hưởng đến điểm số.
Tốt nghiệp loại giỏi và hiện là trợ lý kiểm toán, Minh Thư, cựu sinh viên chuyên ngành kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, chia sẻ, sinh viên nên tập trung hoàn thành các môn cuối, thi những chứng chỉ phục vụ cho việc tốt nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm trên các website hoặc theo dõi kênh truyền thông của những công ty trong lĩnh vực mình theo đuổi.
"Sinh viên đừng nên có suy nghĩ mình chưa đủ điều kiện, chưa tốt nghiệp, chưa hoàn thành xong chứng chỉ… khiến bản thân hạn chế cơ hội việc làm. Các bạn nên xác định sớm lĩnh vực muốn gắn bó, trau dồi kỹ năng, kiến thức chuyên môn cần thiết", Minh Thư nói.
Rèn luyện bản lĩnh cá nhân
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng bộ môn tâm lý giáo dục Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thông tin, để tạo điều kiện cho sinh viên, nhà trường thiết kế, bố trí chương trình tập trung vào việc thực tập giúp sinh viên năm cuối không còn quá nhiều gánh nặng bài vở.
Trước tình trạng một số sinh viên năm cuối chưa đủ tự tin, lo lắng chuẩn bị bước vào thị trường lao động, thầy Phan cho rằng đây là điều không thể tránh khỏi.
"Sinh viên phải chấp nhận sự thay đổi từ môi trường học tập sang làm việc và chủ động nâng cao kỹ năng cần thiết cho công việc. Các khoa, trường cũng tổ chức nhiều kỳ kiến tập, thực tập để sinh viên làm quen, nâng cao kỹ năng", thầy Phan chia sẻ.
Tiến sĩ Phan nói thêm, một số sinh viên năm cuối chưa xác định được ngành nghề, mong muốn của bản thân thì đừng vội sợ hãi vì đây có thể chỉ là một giai đoạn mất phương hướng.
"Có nhiều nguyên do khiến sinh viên hoang mang như bản thân chưa nhận thức trong quá trình định hướng nghề nghiệp từ THPT đến ĐH, nhà trường chưa định hướng đào tạo rõ ràng, chưa có sự hướng dẫn cụ thể khiến một số sinh viên bối rối khi lựa chọn nghề nghiệp trong chuyên ngành. Sinh viên phải nỗ lực, tìm hiểu lại bản thân, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại và cần lập kế hoạch từ những giai đoạn trước đó", tiến sĩ nhận định.
Theo thầy Phan, chương trình đào tạo hiện nay định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, vấn đề thực thi nằm ở bản lĩnh rèn luyện của chính sinh viên. "Các em cần định hướng rõ ràng trong quá trình học tập, tập làm quen, cọ xát thực tiễn từ năm 2, năm 3, chuẩn bị kỹ năng mềm, kiến thức cụ thể ứng với lĩnh vực ngành nghề theo đuổi để đáp ứng năng lực làm việc, tránh tâm thế bỡ ngỡ khi bước vào thực tế".
Năm cuối chưa rõ định hướng, có nên học lên cao?
Chưa có định hướng cụ thể, P.V (sinh viên năm cuối, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chia sẻ dự tính học lên thạc sĩ để dành thời gian tìm hiểu về mong muốn của bản thân. "Tôi đang phân vân giữa việc tốt nghiệp cử nhân, tìm kiếm công việc phù hợp với chuyên ngành hay học tiếp lên cao. Tôi nghĩ việc học lên thạc sĩ sẽ góp phần củng cố chuyên môn, cơ hội nghề nghiệp rộng mở hơn".
Theo tiến sĩ Hồng Phan, việc học lên cao khi chưa có định hướng ngoài nhu cầu có thể xuất phát từ những nguyên nhân như áp lực đồng trang lứa, áp lực thành công, tâm lý muốn vượt trội…
Việc "gap-year" (năm tạm dừng để học sinh, sinh viên gác lại việc học, thực hiện những kế hoạch khác nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức) sau bậc phổ thông hay dành thời gian nghỉ ngơi sau ĐH để trải nghiệm các công việc, dấn thân để hiểu rõ hơn đam mê của bản thân là việc khá phổ biến ở phương Tây. "Tuy nhiên, do định kiến xã hội, tâm lý của phụ huynh ở các nước phương Đông khiến việc này còn hạn chế. Sinh viên nên dành thời gian trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm sẽ hình dung rõ hơn về nghề nghiệp tương lai thay vì chỉ nắm lý thuyết", tiến sĩ Hồng Phan lưu ý.
Bình luận (0)