Chương trình sẽ được chia làm 2 phần.
Nhiều thí sinh đặt câu hỏi: So với tính hình điểm thi năm nay, thầy/cô có thể đánh giá gì về ngưỡng điểm chất lượng đầu vào mà Bộ GD-ĐT vừa công bố trong sáng nay?
Thầy Thái Hồng Hà: Điểm chuẩn trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch mọi năm khá cao nên điểm sàn là 15 không có ảnh hưởng nhiều lắm. Đối với ngành y đa khoa và răng hàm mặt điểm sàn xét tuyển của trường là 21, các ngành khác, điểm sàn để vào trường là 17.
Thầy Thái Hồng Hà Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ: Ngưỡng xét tuyển đầu vào khối D1 là 15 là có cân nhắc. Trường chúng tôi nghĩ có thể điểm chuẩn năm nay sẽ giảm một chút trong tổ hợp xét tuyển Toán - Văn - Ngoại ngữ. Nhưng vẫn tin là sẽ tuyển được thí sinh có kết quả tốt. Vì trường là trường duy nhất ở phía Nam đào tạo các ngành khối xã hội nhân văn. Các em cũng đã xác định được ngành yêu thích của mình.
Một thí sinh hỏi: Điểm chuẩn vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có giảm, 24 điểm có thể đậu không?
Thầy Thái Hồng Hà: Năm nay chưa thể dự đoán điểm trúng tuyển. Các em theo dõi thông tin thường xuyên trước khi quyết định xét tuyển nhé!
Một thí sinh hỏi: Ngành tài chính ngân hàng, 22 điểm khối A, có khả năng đậu hay không? Có trường nào tuyển ngành này ở tổ hợp toán, văn, vật lý?
Thạc sĩ Trần Duy Can: Năm nay trường tiếp tục tuyển sinh 3 tổ hợp, A, A1 và D1. Tổ hợp toán, văn, vật lý có 2 trường tuyển ngành tài chính ngân hàng, đó là ĐH Sài Gòn và ĐH Công nghiệp TP.HCM.
Trường lấy điểm chuẩn chung có các ngành. Ngành ngôn ngữ Anh, tiếng Anh hệ số 2. Trong mặt bằng điểm năm nay không cao, nên điểm chuẩn năm nay của trường có thể sẽ thấp hơn một chút.
Thí sinh lưu ý về cách tuyển sinh năm nay, chỉ có 12 ngày trong đợt 1 và không được rút hồ sơ. Với mức điểm 22, các em có thể mạnh dạn nộp vào ĐH Kinh tế TP.HCM.
Năm nay Bộ không yêu cầu công bố danh sách thí sinh nộp hồ sơ nhưng trường sẽ vẫn công bố. Các em nên nộp vào một trường trước, sau đó theo dõi điểm của thí sinh nộp vào tại các trường khác, nếu thấy điểm của mình phù hợp thì nộp, không thì chọn một trường khác để nộp tiếp.
* Cho em hỏi kỳ xét tuyển này TS được đăng ký 2 trường, mỗi trường 2 ngành. Vậy 2 ngành xét tuyển theo thứ tự ưu tiên không? 2 trường đăng ký xét tuyển thì có ưu tiên trường nào trước hay xét song song?
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ: Việc xét tuyển thế nào tùy theo cách của từng trường. Các em cần xem trên website các trường để biết trường có ưu tiên xét tuyển ngành nào hay không. Nhiều trường ưu tiên NV1 trước, sau đó mới xét NV2 chứ không phải xét song song.
Ở trường tôi xét tuyển bình thường và công bằng về 2 nguyện vọng. Ví dụ các bạn hay thích các ngành phía trên (Báo chí, Quan hệ quốc tế…), cứ mạnh dạn đăng ký và chọn thêm ngành có khả năng trúng tuyển cao hơn. Nên thận trọng và xem xét cơ hội trúng tuyển bao nhiêu %.
Việc xét tuyển của 2 trường thì giống nhau vì thí sinh được đăng ký 2 trường, trường nào trúng tuyển thì học.
Em thi khối C được 18 điểm thì có cơ hội trúng tuyển ngành nào trong Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM? Một bạn đọc hỏi
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ: Năm ngoái, khối C ngành thấp nhất có điểm chuẩn trên 18. Năm nay có lẽ mặt bằng chung sẽ không cao lắm. Về cá nhân, tôi nghĩ điểm chuẩn dịch chuyển không quá nhiều so với năm ngoái. Nếu em được 18 điểm thì có khả năng trúng tuyển.
Một bạn đọc hỏi chỉ tiêu cụ thể của các ngành Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch như thế nào?
Ông Thái Hồng Hà: Năm nay, chỉ tiêu ngành y đa khoa của trường là 750. Răng hàm mặt 30, các ngành khác từ 30-35 chỉ tiêu. Điểm sàn xét tuyển vào trường ở ngành y đa khoa và răng hàm mặt là 21 điểm, các ngành còn lại 17 điểm. Năm ngoái tỷ lệ chọi ngành răng hàm mặt còn cao hơn cả y đa khoa, do chỉ tiêu ngành này ít hơn. Các ngành như điều dưỡng, xét nghiệm, kỹ thuật y học, khúc xạ nhãn khoa, y tế công cộng thì điểm chuẩn thấp hơn.
Các em nên suy nghĩ kỹ, không nên chọn cả 2 ngành có tỷ lệ chọi cao. Ngày 12.8 trường sẽ công bố danh sách trúng tuyển dự kiến.
Trong quá trình xét tuyển chúng tôi còn ưu tiên cho môn ngoại ngữ. Nếu thí sinh có điểm bằng nhau thì ưu tiên điểm ngoại ngữ. Nhưng không có nghĩa không thi ngoại ngữ thì không được nộp hồ sơ vào trường. Ngoại ngữ chỉ là tiêu chí phụ khi thí sinh có điểm ngang nhau.
Bạn đọc Đức Linh, Bình Thuận thi D1 21,8 điểm. Bạn hỏi với điểm này thì khả năng vào ngành ngôn ngữ Anh, Quan hệ quốc tế, Báo chí, Đông phương học.… như thế nào?
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ: Không biết em tính điểm này theo cách nhân của trường chưa. Và em đã cộng điểm khu vực hay chưa? Tỉnh Bình Thuận là KV1 và KV2 khá nhiều. Theo tôi, điểm thi đó cũng… lưng chừng. Năm ngoái các ngành Nhật Bản học, Ngôn ngữ Anh… là 22, 23 trở lên. Nếu năm nay điểm chuẩn dịch chuyển xuống chút xíu thì khả năng trúng tuyển em cũng có. Nhưng em nên theo dõi thông tin để biết có cơ hội không? Vì trường sẽ cố gắng có thông tin đến các bạn để theo dõi. Cơ hội chỉ đến với người dám quyết định kỹ năng của mình. Tôi vẫn cho là em có cơ hội.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Một bạn đọc hỏi: Điểm chuẩn xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là bao nhiêu?
Thạc sĩ Trần Duy Can: Trường thống nhất điểm sàn xét tuyển vào trường khoảng 17 điểm. Chỉ tiêu vào trường là 5.000.
Kinh tế nông nghiệp, kinh tế chính trị… ít người học. Kinh doanh quốc tế, kế toán, kinh doanh thương mại, tài chính ngân hàng nhiều em nộp nên điểm chuẩn sẽ cao hơn.
Nếu chọn nguyện vọng 1 là ngành có điểm chuẩn cao thì nguyện vọng 2 nên chọn một ngành thấp hơn. Tại trường, cả 2 nguyện vọng đều xét như nhau.
Khi trúng tuyển ngành 1, nếu em có năng lực và có điều kiện, có thể học thêm ngành thứ 2. Tốt nghiệp, các em sẽ được nhận 2 bằng.
Bác Hoàng Thế Toại (80 tuổi) hỏi trực tiếp ở chương trình: cháu tôi thi môn Anh được 8 điểm, Toán 7, Văn 5.25. Số điểm này có vào được ngành Ngôn ngữ Anh của trường không?
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ: Em có điểm môn tiếng Anh tương đối cao. Khi quyết định cho nhân đôi môn tiếng Anh, những thí sinh có điểm cao môn tiếng Anh sẽ có lợi. Vì chúng tôi nghĩ học ngôn ngữ phải có năng khiếu thật sự về ngôn ngữ. Với điểm bác vừa nêu thì cũng… lưng chừng. Bác có thể liên hệ trực tiếp với tôi để tư vấn kỹ hơn.
Phụ huynh tên Dung, TP.HCM hỏi: Thay vì nộp 4 nguyện vọng vào 2 trường khác nhau thì con tôi có thể nộp 4 nguyện vọng này vào 1 trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hay không?
Ông Thái Hồng Hà: Một trường chỉ được nộp vào 2 ngành chứ không thể được chọn 4 ngành. Thí sinh nên đến gặp bộ phận tư vấn của trường trước khi nộp hồ sơ để được tư vấn kỹ về ngành nghề, điểm xét tuyển, chỉ tiêu… Sau đó mới quyết định chọn ngành.
Thí sinh hỏi: Em thi được 19,83, em rất mệt mỏi vì cha mẹ bắt em phải lên mạng cập nhật thông tin. Có cách nào để đậu một trường ĐH công lập ngành kinh doanh quốc tế để cha mẹ em bớt lo?
Thạc sĩ Trần Duy Can: Kinh doanh quốc tế là ngành có khá nhiều em quan tâm. Điểm 19,83 sẽ khó để vào ngành này.
Thạc sĩ Trần Duy Can Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Các em có thể chọn ĐH Mở TP.HCM, Tài chính - Marketing, Ngân hàng TP.HCM, Tôn Đức Thắng… Em cũng có thể chọn học ngành này tại một trường CĐ, sau đó liên thông lên ĐH. Em nên trao đổi lại với bố mẹ những thông tin trên trước khi lựa chọn.
Năm nay em nghe thông tin xét tuyển theo nhóm. Xét theo nhóm là gì và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có xét tuyển theo nhóm không? Em thích ngành Tâm lý học có dạy ở nhiều trường, vậy ngành này của các trường có xét theo nhóm không? Một bạn đọc hỏi.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ: Hầu như các trường ở TP.HCM không xét tuyển theo nhóm. Vì vậy, nếu em thích học ngành nào của trường nào, nếu không đủ điểm vào trường thì vào học các trường khác. Chẳng hạn, với ngành Tâm lý học, nếu không đủ điểm nộp hồ sơ vào trường, các em có thể nộp vào các trường: ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Văn Hiến.
Vấn đề quan trọng là em mong muốn được theo học ngành tâm lý học thì em cứ mạnh dạn, chọn trường phù hợp với điểm của mình.
* Một số lời khuyên của các thầy dành cho thí sinh:
Ông Thái Hồng Hà: Khi chọn ngành y các em cần có lòng yêu nghề, tính được thời gian học vì học rất dài, trong tương lai không phải chỉ học 6 năm, nếu muốn đi sâu làm bác sĩ chuyên khoa thì phải học thêm 3 năm là 9 năm. Các em phải học cả 3 buổi rất cực, vì vậy cần chuẩn bị cả về sức khỏe. Xem điểm của mình có phù hợp với khối ngành này không vì thường điểm chuẩn rất cao.
Thí sinh không nhất thiết phải sử dụng hết 2 nguyện vọng tại 1 trường, chỉ nên chọn ngành mình thực sự thích. Theo tình hình điểm năm nay, các em có điểm gần với mức điểm chuẩn năm ngoái thì cứ mạnh dạn nộp vào trường.
Thạc sĩ Trần Duy Can: Đối với khối ngành kinh tế, tôi có lời khuyên cho các em là nên sử dụng quyền đăng ký trên cơ sở: chọn ngành mình thích, ngành đó có các tổ hợp xét tuyển nào, trường nào đào tạo. Thí sinh nên chọn tổ hợp có điểm cao nhất để nộp ngay trong đợt 1.
Trước khi chọn ngành 2 thì nên xem khả năng của mình có đáp ứng được ngành học hay không, có yêu thích không chứ không nên chọn chỉ vì thấy ngành đó cơ cơ hội trúng tuyển cao. Sau khi nộp vào 1 trường, thí sinh xem thông tin các trường, sau 1 tuần hãy nộp vào trường thứ 2.
Khi thấy mình có tên trong danh sách trúng tuyển thì cần phải xác định mình có học hay không, nếu quyến định thì khẩn trương nộp giấy chứng nhận điểm để khẳng định quyền trúng tuyển. Nếu quá hạn mà không nộp, coi như các em chưa trúng tuyển.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ: Thật sự các bạn hay để ý các ngành được cho là hot, dễ xin việc. Nhưng thật sự tất cả 27 ngành đào tạo của trường, nếu hỏi các anh chị thì họ sẽ nói học thế nào, ra trường làm gì... Các bạn phải tìm hiểu thật kỹ học gì, ra trường làm gì…
Tôi thấy một số bạn thích nhóm ngành ngôn ngữ nhưng khả năng ngôn ngữ không tốt lắm. Ngôn ngữ là công cụ, phương tiện giao tiếp, là cầu nối mở ra thế giới bên ngoài. Nhưng phải thận trọng đăng ký. Nếu các bạn có khả năng về ngôn ngữ thì sẽ phát triển tốt hơn khi được đào tạo tại trường ĐH và khẳng định rất dễ khi đi làm. Nếu các bạn giỏi ngoại ngữ cũng có thể học các ngành xã hội. Hiện nay công dân ASEAN được làm việc mọi nơi trong khu vực, ranh giới làm việc quốc tế cũng rộng, vì vậy nếu bạn giỏi tiếng Anh thì có thể có rất nhiều cơ hội học tiếp, làm việc ở nước ngoài. Đây là một hướng mà các bạn nên suy nghĩ rõ ràng hơn.
Các bạn cũng nên thận trọng thích cái gì và thể hiện quan điểm rõ ràng. Không phải bằng mọi giá phải vào ĐH. Vì đã vào học thì phải học cho xứng đáng. Đừng để khi ra trường, người chủ nói là mình “tốt nghiệp ĐH mà kém quá”.
*** Thưa các bạn. Những lời khuyên của các chuyên gia tạm kết lại phần 1 của chương trình tư vấn hôm nay. Cảm ơn các thầy đã tham gia chương trình, cảm ơn quý khán giả đã theo dõi chương trình trực tiếp tại website Báo Thanh Niên và Facebook. Chúng tôi hy vọng thí sinh có những thông tin cần thiết ban đầu về xét tuyển để chuẩn bị giai đoạn xét tuyển bắt đầu từ ngày 1.8.
Chương trình sẽ được tiếp tục vào lúc 15h30 đến 16h15 cũng tại địa chỉ thanhnien.vn với các khách mời đại diện cho nhóm trường kỹ thuật và sư phạm, bao gồm đại diện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Mời các bạn tiếp tục đặt câu hỏi và hẹn gặp lại các bạn trong ít phút nữa.
*** Chào mừng các bạn trở lại với chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH,CĐ 2016 do Báo Thanh Niên tổ chức đồng thời tại địa chỉ thanhnien.vn với chủ đề Lựa chọn trường xét tuyển phù hợp.
Ở phần 1, chúng ta đã có những thông tin xét tuyển ban đầu của các trường khối ngành kinh tế, y dược, xã hội-nhân văn. Trong phần 2, chúng ta sẽ trao đổi với các trường nhóm ngành kỹ thuật và sư phạm. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn. Chúng tôi mong nhận được câu hỏi của các bạn gửi qua website, hoặc qua số ĐT 08- 39309242.
Phần 2 của chương trình với sự tham gia của đại diện các trường:
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Đại diện các trường tham gia đợt 2 Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng cho biết: Chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay có tăng so với năm ngoái, với 3.750 chỉ tiêu. Năm nay trường tuyển sinh 2 ngành mới là cử nhân tiếng Hàn và Tâm lý học giáo dục.
Điểm sàn xét tuyển của trường sẽ được công bố vào ngày mai (29.7) trên trang web của trường. Khả năng xét điểm tối thiểu là 16,5 điểm.
Đến sáng 15.8, trường sẽ công bố điểm chuẩn đầu vào.
TS Lê Chí Thông: Trường không có điều kiện nào về điểm xét tuyển khi nộp vào trường. Thí sinh chỉ cần có 15 điểm là có thể nộp hồ sơ vào trường. Tuy nhiên, theo mức điểm chuẩn năm ngoái, tôi khuyên thí sinh nên nộp hồ sơ khi được 18 điểm trở lên. Đây không phải là điều kiện ràng buộc của trường nhưng thí sinh nên lưu ý.
Một bạn đọc hỏi: Con tôi tổng điểm 3 môn khối D, đã nhân hệ số 2 môn tiếng Anh và cộng điểm ưu tiên, được 28,5 điểm. Vậy có khả năng trúng tuyển vào ngành Sư phạm Anh không?
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng: Điểm chuẩn năm ngoái (2015) của ngành sư phạm tiếng Anh là 33.92. Năm nay phổ điểm giảm, chỉ tiêu ngành này tăng nên có thể điểm chuẩn trúng tuyển sẽ thấp hơn.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Tuy nhiên, không chắc với điểm này, thí sinh có khả năng trúng tuyển ngành sư phạm Anh. Em có thể nộp thêm vào ngành ngôn ngữ Anh, có mức điểm chuẩn thấp hơn (năm ngoái là 31,33 điểm).
Một bạn đọc hỏi: giữa 2 khối A và A1, điểm thi 2 khối bằng nhau, nên chọn khối nào?
TS Lê Chí Thông: Trường không phân biệt điểm chuẩn giữa các khối. Vì vậy khối nào cộng lại điểm cao nhất thì bạn nên đăng ký.
“Em có điểm thi là 22 điểm (chưa nhân hệ số), khối C. Vậy có khả năng đậu vào ngành sư phạm Văn không?”, một bạn đọc đặt câu hỏi.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng: Ngành sư phạm Văn năm ngoái có điểm chuẩn là 32,5 điểm. Không biết điểm môn Văn (môn nhân hệ số) của em bao nhiêu, nhưng với điểm chưa nhân hệ số của em chỉ 22 điểm thì nhân hệ số lên so ra vẫn thấp hơn năm ngoái. Vì vậy, nếu so với mức điểm chuẩn năm ngoái thì không có khả năng đậu. Em nên nộp vào ngành Văn học, có điểm chuẩn thấp hơn thì sẽ có cơ hội hơn.
Bạn đọc hỏi thi khối B được 22 điểm, đăng ký ngành công nghệ kỹ thuật hóa học thì có an toàn không?
TS Lê Chí Thông: Khối B vào ngành kỹ thuật hóa học, năm ngoái điểm chuẩn là 24.5, năm nay có thể giảm. Tuy nhiên, em nên cân nhắc, chọn NV1 ngành yêu thích và chọn ngành gần cho NV2. Trường có 2 ngành gần ngành này là môi trường (điểm chuẩn năm ngoái 22.5) và vật liệu (năm ngoái điểm chuẩn 21.75). Em nộp cả hai nguyện vọng như vậy thì xác suất đậu khi đó sẽ rất lớn.
Em thi khối A được 17 điểm, có thể đăng ký trường nào có khả năng trúng tuyển về kỹ thuật?
TS Lê Chí Thông: Có rất nhiều trường đào tạo khối ngành kỹ thuật đáp ứng được với ngành của bạn. Năm ngoái, điểm chuẩn chung các ngành của trường ĐH Bách khoa TP.HCM là 19.5 trở lên nên cơ hội của em không cao. Nhưng trường có bậc CĐ ngành bảo dưỡng công nghiệp (ngành ở bậc CĐ duy nhất), tốt nghiệp có thể liên thông lên bậc ĐH ngành kỹ thuật cơ khí.
Em được 27 điểm thì có thể nộp vào ngành nào của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM? Chương trình chất lượng cao Việt-Pháp tuyển như thế nào?
TS Lê Chí Thông: Với 27 điểm, chắc chắn 99% bạn có thể vào tất cả các ngành của trường. Vì theo thống kê, chỉ có khoảng 1.000 thí sinh trên cả nước được 27 điểm trở lên.
TS Lê Chí Thông Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Cách tính điểm tuyển vào chương trình CLC Việt Pháp PFIEV là Toán x3 + Lý x 2 + tiếng Hoa hoặc tiếng Anh x1. Chương trình có 170 chỉ tiêu, xét từ cao xuống thấp. Thí sinh trúng tuyển bất kỳ ngành nào cũng có thể vào ngành này.
Bạn đọc đặt câu hỏi: Em thấy trên web ĐH Công nghệ TP.HCM có đào tạo các ngành bằng tiếng Anh, vậy các thầy cho em hỏi là em thi toán, lý, hóa thì xét vào được ngành nào, bằng cách nào? Và tiếng Anh của em ở cấp 3 không giỏi lắm thì liệu vào có học được không? Em cảm ơn.
TS Nguyễn Quốc Anh: Ngoại trừ ngành ngôn ngữ Anh không xét tuyển khối A, thì còn lại, các ngành đào tạo hoàn toàn tiếng Anh đều có tuyển khối A. Vì vậy, em có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào các ngành đó.
Nếu các em học tiếng Anh chưa tốt ở bậc phổ thông thì trường sẽ kiểm tra tiếng Anh đầu vào, các em chưa đạt sẽ được học tiếng Anh tăng cường (miễn phí) để khi vô chương trình chính thức các em sẽ theo được chương trình và các bạn, với điều kiện tất nhiên các em vẫn phải cố gắng hơn nhiều.
Một thí sinh thắc mắc: Em muốn vào ngành du lịch nhưng em không biết chọn trường nào vì em thi chỉ được 16 điểm?
TS Nguyễn Quốc Anh: Điểm trúng tuyển của trường NV1 năm ngoái là 15 điểm, NV2 là 16 điểm. Năm nay, dự kiến điểm trúng tuyển sẽ thấp hơn nên nếu em nộp NV1 thì khả năng em có thể đậu rất cao.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có nhiều chương trình như kỹ sư tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, các chương trình khác nhau thế nào? Xét tuyển đầu vào và điều kiện học khác nhau ra sao?
TS Lê Chí Thông: Tất cả chương trình này đều là chính quy, giảng dạy bằng tiếng Việt (kỹ sư tài năng) và 2 chương trình dạy tiếng Anh: tiên tiến và chất lượng cao. Chương trình thứ 3 là CLC Việt-Pháp. Bằng cấp chương trình tài năng, tiên tiến và chất lượng cao là như nhau, đều là bằng cấp chính quy. Chương trình CLC Việt-Pháp là chương trình đặc biệt, được Pháp cộng nhận master và Bộ GD-ĐT công nhận là thạc sĩ. Chương trình Việt-Pháp học 5 năm, các chương trình khác học 4 năm.
Các chương trình khác nhau về giảng dạy ngôn ngữ. Chương trình tiếng Anh được ưu đãi về lớp học, giáo viên… nhưng học phí cao hơn. Chương trình Việt-Pháp thì học phí cũng như chương trình bình thường, khoảng 4 triệu/học kỳ.
Một bạn đọc hỏi: Em có thể dùng điểm thi năng khiếu trường Kiến trúc để vào ngành TK nội thất của trường Công nghệ TP.HCM hay không? Và yêu cầu điểm năng khiếu phải đạt bao nhiêu trở lên? Tổng 3 môn Toán, Lý, Hóa em chỉ được 12 điểm, có thể học trường nào hay không? Vừa rồi em chỉ được 13 điểm nhưng em vẫn mong muốn vào ĐH. Em phải làm sao?
TS Nguyễn Quốc Anh: Với mức điểm của các em, theo quy định thì từ 15 điểm trở lên (tổng điểm, bao gồm điểm ưu tiên và khu vực) thì các em mới vào được các trường ĐH. Tuy nhiên, nếu tổng điểm của các em không đạt 15 điểm thì vẫn còn cơ hội vì trên toàn quốc có rất nhiều trường xét tuyển theo học bạ THPT.
Ví dụ Trường HUTECH xét tuyển ngành Quản trị kinh doanh, nếu học bạ của các em trong năm lớp 12 với kết quả 3 môn Toán, Lý, Hóa cho khối A đủ điều kiện thì vẫn được. Đó cũng là một phương thức để các em tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học.
TS Nguyễn Quốc Anh Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Với câu hỏi liên quan đến ngành Thiết kế nội thất, cũng như các ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang… thì trường có thể xét điểm thi năng khiếu vẽ từ các trường khác. Theo quy định thì tổng 3 môn vẫn phải trên 15 điểm. Lưu ý khi xét tuyển thì sẽ trên tổng 3 môn nhưng khi công bố điểm chuẩn trúng tuyển thì môn vẽ sẽ nhân hệ số 2.
Các trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất như thế nào để thí sinh an tâm khi nộp hồ sơ trực tuyến vào trường?
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng: Nhìn chung về việc đảm bảo vật chất để tiếp nhận hồ sơ nộp trực tuyến thì theo tôi nghĩ là các trường ĐH ở Việt Nam đều đủ điều kiện. Trường sử dụng cùng hệ thống đăng ký trực tuyến của Bộ GD-ĐT và đã được Bộ đảm bảo kỹ thuật của hệ thống này.
TS Nguyễn Quốc Anh: Trường đảm bảo hệ thống nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến của trường. Khi đã nộp thành công, sẽ có dòng thông báo cho các em biết các em đã nộp thành công và trong vòng 48 giờ sẽ có cán bộ tuyển sinh của trường gọi điện thoại để xác nhận lại việc nộp hồ sơ của các em.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có ngành tên khá lạ là cơ kỹ thuật. Ngành này đào tạo nội dung gì, sau tốt nghiệp làm gì? Ngành công nghệ sinh học ra trường làm việc gì?
TS Lê Chí Thông: Cơ kỹ thuật học về cơ khí nhưng chuyên về kỹ thuật. Một phần khá lớn giống kỹ thuật cơ khí nhưng không đi về chế tạo máy móc. Ngành này hoàn toàn là bài toán cơ kỹ thuật. Ví dụ tính toán xem kết cấu nào đó đảm bảo lực bao nhiêu?
Công nghệ sinh học gần với hóa và thực phẩm. Sinh viên học các môn về hóa và các phần về thực phẩm. Ra trường sẽ làm việc về chế biến thực phẩm, nghiên cứu sinh học nhưng chuyên sâu hơn về công nghệ, thiên về ứng dụng, khác với ngành kỹ thuật hóa học.
* Lời khuyên của các thầy dành cho thí sinh trong việc nộp hồ sơ xét tuyển
TS Lê Chí Thông: Điểm khác biệt lớn nhất là năm nay các thí sinh không được rút hồ sơ. Nên căn cứ vào ngành, trường yêu thích, đừng mọi giá chọn bất kỳ trường nào để học. Năm nay 4 nguyện vọng thì khả năng trúng tuyển rất cao.
Thí sinh không nên dồn vào những ngày cuối mới nộp hồ sơ. Vì nộp ngày nào cũng như nhau. Tránh việc dồn ứ xảy ra như năm ngoái.
Không như năm 2015, năm nay muốn học trường nào thí sinh phải nộp phiếu chứng nhận điểm gốc. Nếu các em quên nộp mà cứ đinh ninh mình đã trúng tuyển, trường sẽ hiểu là thí sinh không học, sẽ gạt tên thí sinh ra. Đây là điều cực kỳ quan trọng mà thí sinh phải nhớ.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng: Thay đổi quan trọng của năm nay so với năm ngoái là các em chỉ được nộp hồ sơ vào mà không được rút ra. Vì thế, để quyết định nộp hồ sơ vào đâu, các em hãy cân nhắc thật kỹ. Hãy vào trang web của trường xem thật kỹ các ngành mà các em lựa chọn, tìm hiểu phổ điểm, so sánh với điểm mình đạt được, để có quyết định chính xác. Bên cạnh đó, các em có thể vào trang web, liên hệ trực tiếp các trường để xin tư vấn của cán bộ tuyển sinh. Khi nào các em thấy chắc chắn mình nộp vào ngành đó có khả năng đậu cao thì hãy nộp.
TS Nguyễn Quốc Anh khuyên thí sinh: Qua các chương trình tư vấn, tôi thấy hiện nay các em có tâm trạng là điểm thi của mình năm nay thấp nên khi so với điểm chuẩn năm ngoái các em hơi e dè và lo lắng cho năm nay. Nhưng phổ điểm chung của năm nay thấp hơn năm ngoái. Do có 4 NV nên NV1 các em nên mạnh dạn đăng ký vào ngành các em yêu thích, mặc dù điểm có thấp hơn. NV2 thì các em chọn ngành có điểm thấp hơn để an toàn.
Tôi vẫn khuyên các em nên nộp hồ sơ trực tiếp tại trường vì các em có được sự tương tác với các thầy cô làm tuyển sinh ở trường và được tư vấn thêm.
*** Thời gian trao đổi vừa qua, chúng tôi hy vọng quý vị đã có được những thông tin về ngành nghề cũng như kế hoạch xét tuyển của các trường ĐH,CĐ. Chúng tôi chúc các thí sinh lựa chọn được tổ hợp thi phù hợp, xét tuyển vào đúng ngành nghề mình yêu thích và có nhiều cơ hội trong tương lai.
Chương trình sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 1.8, ngày đầu tiên thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển với chủ đề Nộp hồ sơ xét tuyển để trúng tuyển từ NV1 địa chỉ thanhnien.vn.
Bình luận (0)