“Đóng góp của tôi là rất ít ỏi”
|
Năm 27 tuổi, thượng úy Cấn Ngọc Sơn (30 tuổi, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông B, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) bắt đầu được ra công tác ở Trường Sa. Năm 2013, thượng úy Sơn tham gia cứu tàu cá tỉnh Phú Yên bị nạn trên biển gần đảo Đá Đông, đưa 10 ngư dân lên đảo an toàn vào đất liền. Anh được bình chọn là một trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2013 và nhiều danh hiệu khác. Tuy nhiên, khi nói đến chuyện thành tích của mình, thượng úy Sơn khiêm tốn: “Tôi còn trẻ, những đóng góp của tôi còn rất ít, rất nhỏ”.
Anh tâm tình: “Đã theo nghiệp lính, dù nhận nhiệm vụ ở đâu, ở vị trí nào thì mình cũng đem hết tinh thần trách nhiệm cống hiến, sẵn sàng hy sinh bảo vệ biển đảo, bảo vệ biên cương Tổ quốc”.
Hôm nay phải tốt hơn hôm qua
Đó là phương châm hành động của Trương Anh Văn (31 tuổi, tổ trưởng tổ điện Công ty TNHH MTV cao su Thống Nhất - Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn). Quan niệm này đã luôn thôi thúc anh nỗ lực phấn đấu từng ngày. Từ năm 2008 - 2013, anh Văn đã tham gia thực hiện 16 sáng kiến và đề tài, tổng giá trị làm lợi cho công ty ước tính hơn 1,6 tỉ đồng. Đầu năm nay, anh bắt đầu tham gia công trình tập thể “Tiết kiệm năng lượng”.
Năm 2013, chàng thợ điện quê Quảng Ngãi đã vinh dự đón nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2013. Trò chuyện với chúng tôi, anh Văn nhắc nhiều đến cụm từ đam mê nghề nghiệp. Anh nói: “Có đam mê thì sẽ có sự gắn bó, tìm tòi những cái mới. Đam mê sẽ giúp sự nghiệp phát triển và vượt qua nhiều khó khăn thử thách”.
Người thầy “tháo gỡ chuyện khó đỡ”
Đó là tên gọi mà giới học trò dành gọi thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
|
Sở dĩ được gọi như vậy bởi sáng kiến tuyên truyền giáo dục kỹ năng thực hành xã hội, giúp đỡ đời sống tâm lý cho giới trẻ, qua chương trình Tháo gỡ chuyện khó đỡ… bằng những đoạn phim trên YouTube do chính thạc sĩ Hiếu thực hiện, đã quá quen thuộc với giới trẻ cả nước trong hơn hai năm qua.
Thạc sĩ Hiếu đã “bung” ra khỏi phạm vi lớp học, giảng đường, sử dụng chuyên môn để phục vụ cho học trò, cộng đồng bằng nhiều hoạt động có sức lan tỏa mạnh. Đồng thời thạc sĩ Hiếu cũng biết thích ứng và đóng được nhiều vai, có thể là người anh, người thầy, người bạn… của học trò, có mặt trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, những nơi học trò cần mình nhất.
Đam mê sáng tạo
Mới lớp 7 nhưng Nguyễn Dương Kim Hảo, học sinh lớp 7/8 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, TP.HCM đã giành nhiều giải thưởng sáng tạo trẻ có uy tín trong ngoài nước.
Đến năm học lớp 3, vì thương ba làm thầy giáo phải vất vả cho việc cộng điểm, Hảo đã nghiên cứu và viết ra phần mềm cộng điểm giúp cho ba làm việc hiệu quả và đỡ mất thời gian”.
Kể từ đó đến nay, Hảo đã có hàng chục sáng tạo ứng dụng thành công trong thực tế. Sản phẩm mang lại thành công vang dội của Hảo là mô hình “Bảng điều khiển thông minh”. Thiết bị giúp người dùng có thể tắt điện từ xa thông qua một chiếc
remote hoặc điện thoại di động được lập trình sẵn phần mềm này. Sáng kiến này đã mang về cho Hảo 7 giải thưởng danh giá trong và ngoài nước.
Xả thân cứu người
Ngay sau khi tốt nghiệp ngành điện công nghiệp của Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, tháng 10.2010, Nguyễn Chí Thanh đã viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ với lý do đơn giản là muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình để bảo vệ sự bình yên cho mọi người.
Ngay sau đó anh được chuyển về học tập tại Trung tâm huấn luyện đào tạo phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Q.9.
Từ 2011 đến nay, Thanh được phân công làm nhiệm vụ tại Phòng Cứu nạn, cứu hộ của Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM. Ba năm qua, anh đã cùng đồng đội xả thân tham gia cứu được rất nhiều người bị kẹt trong các công trình sụp đổ, các vụ cháy, chết đuối... Đáng chú ý là vụ chìm tàu nhà hàng Dìn Ký ở Bình Dương năm 2011, vụ sạt lở ở huyện Nhà Bè năm 2011, vụ nổ ở nhà Phương “khói lửa” trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3 năm 2013...
Thanh tâm sự: “Mỗi lần nhìn thấy cảnh người nhà nạn nhân đau khổ là mình phải cố gắng và dốc hết toàn lực. Khi thi hành nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn mình luôn đặt bản thân là người nhà của người bị nạn và xem nạn nhân như chính người thân của mình”.
Xét chọn từ 121 hồ sơ Giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu do Trung ương Đoàn, Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam phát động, nhằm tuyên dương những người trẻ xuất sắc trong các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất kinh doanh, quốc phòng, an ninh trật tự, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao. Năm nay, Hội đồng xét tặng giải thưởng đã chọn ra 20 đề cử xuất sắc nhất từ 121 hồ sơ gửi từ 54 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc, các cơ quan báo chí và tổ chức xã hội. |
Như Lịch - Lê Thanh - Nhật Hạ
>> Gương mặt Thanh niên tiêu biểu 2013: Hoa tím giữa Trường Sa
>> Tuyên dương thanh niên tiêu biểu
>> Gặp gỡ thanh niên tiêu biểu đại diện 54 dân tộc
>> Công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc
>> Thủ tướng gặp gỡ 10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2012
>> Gương mặt trẻ tiêu biểu của Hà Tĩnh: Ông cử 'gàn' và 'người cá' không chân
>> Tuyên dương 10 gương mặt trẻ tiêu biểu trong quân đội
Bình luận (0)