Trong cuộc trò chuyện hơn 2 giờ với thầy trò Trường đại học Kinh tế Huế với chủ đề “Đường đến giải Nobel”, giáo sư Finn E. Kydland đã kể lại quãng đời đẹp nhất của mình khi ông khi vươn lên trong một điều kiện học tập tương đối khó khăn.
Giáo sư Finn E. Kydland cho biết ông là con đầu trong một gia đình nông dân có 6 anh chị em. Thuở thiếu thời, ông đi học trong điều kiện đất nước gặp nhiều khó khăn. Năm 14 tuổi, ông đã xa gia đình để đi học. Ông từng buôn bán cá giống, làm kế toán và chỉ ở tuổi trưởng thành ông mới quan tâm tới toán học và kinh tế. Finn E. Kydland học đại học tại Trường quản trị kinh doanh và kinh tế Na Uy, sau đó nghiên cứu sinh rồi lấy bằng tiến sĩ tại Trường kinh tế Tepper Đại học Carnegie Melllon, Mỹ. Đây là quãng thời gian quan trọng khi ông được gặp nhiều vị giáo sư, nhà khoa học, trong đó có Giáo sư Edward C. Prescott, người đồng nhận giải Nobel kinh tế với ông sau này.
|
Giao lưu và nhận nhiều câu hỏi từ các cán bộ giảng dạy, sinh viên Trường đại học Kinh tế Huế, như vai trò của toán học trong sự kết hợp để phát triển kinh tế, trong giáo dục và nghiên cứu khoa học hiện nay; điều gì mang lại sự thành công của ông..., giáo sư Finn E. Kydland chia sẻ rằng cuộc đời ông có nhiều điều may mắn, trong đó có những việc ông định làm thế này, sau lại làm thế khác nhưng điều đó lại đúng đắn và mang lại thành công. Ông nói vui rằng khi học đại học kinh tế ông nghĩ sau này sẽ là một doanh nhân hoặc một giám đốc kiếm ra nhiều tiền, ông không nghĩ rằng mình sẽ đoạt giải Nobel.
Vị giáo sư khả kính cũng gửi gắm cho các bạn sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Huế nói riêng, rằng điều quan trọng trong nghiên cứu khoa học cũng như lĩnh vực kinh tế đó là "sự sáng tạo không ngừng. Sáng tạo sẽ mang lại sự thành công", ông nhấn mạnh.
Giáo sư Finn Erling Kydland năm nay 75 tuổi là người Na Uy. Cùng với giáo sư Edward C. Prescott, năm 2004 ông đoạt giải Nobel Kinh tế. Giáo dục Finn E. Kydland giảng dạy tại Đại học California, Santa Barbara (Mỹ) từ năm 2004 đến nay. Năm 2016, ông đã đến Việt Nam thuyết trình các vấn đề liên quan tới chính sách kinh tế và tăng trưởng bền vững. Chuyến viếng thăm Huế lần này là hoạt động nối tiếp nhân dịp ông đến Quy Nhơn, Bình Định dự hội thảo khoa học vì sự phát triển vừa diễn ra trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ Việt Nam do giáo sư Ngô Thanh Vân khởi xướng.
|
Bình luận (0)