Giáo sư Hàn Quốc cảnh báo tình trạng ồ ạt vào đại học

09/11/2016 13:25 GMT+7

Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ thanh niên vào đại học cao nhất thế giới. Nhiều người tin rằng đây là cách để tương lai có được tiền bạc, địa vị. Nhưng điều này có thể không còn phù hợp trong thế kỷ 21.

Nhiều người Hàn Quốc tin rằng kiếm được nhiều tiền là thước đo thành công - Ảnh: Shutterstock
Khoảng 69% người từ 25 đến 34 tuổi ở Hàn Quốc có bằng đại học. Họ đang đối mặt với những thay đổi khó lường từ thị trường lao động do những tiến bộ về công nghệ tạo ra, theo Times Higher Education.
Do đó, phụ huynh và sinh viên cần tính toán lại những kỳ vọng của họ khi đầu tư vào bằng đại học. Giáo sư Yeon-Cheon Oh, Chủ tịch Đại học Ulsan (Hàn Quốc), cho biết nhiều gia đình nước này định nghĩa thành công là có được bằng đại học, rồi làm việc, đầu tư để có được nhiều tiền. Thế nhưng, chỉ một số rất ít sinh viên làm được điều này.

Nếu quan niệm thành công là phải đạt được những điều trên thì thành công trong thế kỷ 21 là gần như “không thể”, ông nói thêm. Vì hiện tại, nhiều công việc của cử nhân đang được thay thế bằng máy móc. Nếu tiếp tục kỳ vọng như kiểu cũ thì dễ dẫn đến thất vọng cho cả phụ huynh và sinh viên.
Một vấn đề không nhỏ mà nhiều gia đình Hàn Quốc đang đối mặt là lợi ích có được khi đầu tư vào bằng đại học không còn đảm bảo như trước. Học phí thì quá cao trong khi lương cử nhân lại thấp.

Giáo sư Oh cho rằng xã hội Hàn Quốc sẽ không thể “khỏe mạnh” nếu “hệ thống các giá trị cơ bản” gặp vấn đề. Mọi người cần nhìn nhận việc sống đúng chuẩn mực xã hội, tuân thủ pháp luật, tinh thần độc lập, tự chủ có giá trị cũng như thành công về tài chính.
Do đó, ông cho rằng nếu một sinh viên sau khi tốt nghiệp có ước mong về dạy ở trường làng, bác sĩ mong muốn được về vùng quê để giúp người dân nghèo thì đó cũng là một thành công. Trong khi đó, nhiều người Hàn Quốc xem việc về làm ở những nơi xa xôi là một thất bại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.