Giáo sư Trần Văn Khê ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn

24/06/2015 16:53 GMT+7

(TNO) Chỉ cách đây ít lâu, trong một buổi nói chuyện thường kỳ Vinh danh lịch sử văn hóa Nam bộ: Lịch sử cải lương tại nhà riêng của GS-TS Trần Văn Khê (32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP.HCM), ông nói rằng 'niềm vui buổi nói chuyện hôm nay sẽ giúp tôi sống thêm 5 ngày nữa'.

(TNO) Chỉ cách đây ít lâu, trong một buổi nói chuyện thường kỳ Vinh danh lịch sử văn hóa Nam bộ: Lịch sử cải lương tại nhà riêng của GS-TS Trần Văn Khê (32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP.HCM), ông nói rằng 'niềm vui buổi nói chuyện hôm nay sẽ giúp tôi sống thêm 5 ngày nữa'.
GS Trần Văn Khê mặc áo dài khăn đóng trình diễn nhạc cổ truyền - Ảnh: tư liệu gia đình
Như thế GS Trần Văn Khê đã biết trước ngày giáo sư phải ra đi và chắc ông cũng biết sự ra đi của mình sẽ để lại biết bao niềm tiếc thương cho mọi người, nhất là những người quan tâm đến Hồn Việt, về giá trị của Hồn Việt đối với việc xây dựng đất nước hùng cường.
Tôi còn nhớ vào năm 1993, tôi có cuộc phỏng vấn GS-TS Trần Văn Khê khi mời ông tham gia Trung tâm nghiên cứu Gia Định (Nam bộ). GS Trần Văn Khê đã nói đây là cuộc phỏng vấn “rút ruột mình” và đã đưa cho một số người coi, trong đó có người đã sao hơn 10 cuốn băng nhựa cho những người thân ở Canada được coi.
Thât sự tôi rất xúc động khi GS-TS Trần Văn Khê kể rằng khi tốt nghiệp ngành Chính trị học ở Pháp, bị bệnh nằm bệnh viện đã suy nghĩ về truyền thống 4 đời nhạc sĩ của gia đình mình. Và ông đã đi tới quyết định trở về với cội nguồn truyền thống gia đình cũng như dân tộc mình, phải tiếp bước ông cha và quyết học lấy bằng tiến sĩ về âm nhạc truyền thống.
Chính vì quyết định về cội nguồn trên mà sự nghiệp của GS-TS Trần Văn Khê thật sự tỏa sáng, đóng góp nhiều công lao quảng bá những gì độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới. Trong đó đặc biệt góp phần nghiên cứu, giữ gìn những tinh hoa, bản sắc Việt rất đáng tự hào như ca trù, nhã nhạc cung đình Huế, nhạc cồng chiêng Tây nguyên và biết bao di sản đáng tự hào của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Mặc dù mắc nhiều bệnh từ tiểu đường đến tim mạch, “luôn sống chung với lũ”, nhưng GS Trần Văn Khê luôn hăng hái tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa, luôn khuyến khích động viên các thế hệ trẻ tham gia các chương trình văn hóa dân tộc như chương trình của CLB Tiếng hát quê hương; Chương trình đem âm nhạc truyền thống, đem dân ca, ngâm thơ vào trường học; Chương trình quảng bá bếp Việt ra thế giới…
Cuộc đời có rất nhiều điều kỳ thú đã kể lại qua nhiều tập hồi ký mà chị Lý Thị Lý cùng với Công ty sách Phương Nam đã tích cực lo xuất bản để công chúng thưởng lãm. GS-TS Trần Văn Khê cũng có nhiều bạn tri kỷ tri âm nổi tiếng như nhạc sư Vĩnh Bảo, nhạc sĩ Phạm Duy, đã để lại những ký ức của nhau nhiều xúc cảm, cũng đã khóc bạn tha thiết khi bạn qua đời như đám tang nhạc sĩ Phạm Duy.
Tuy cuộc sống gia đình vợ chồng không được suôn sẻ, song lúc nào GS-TS Trần Văn Khê cũng lo cho cuộc sống của nhau ngay tới khi người bạn đường qua đời và để lại thế hệ con cháu nhiều tài năng về âm nhạc như GS-TS Trần Quang Hải về đàn môi hay người cháu gái nội đang đam mê quảng bá ẩm thực Việt để tiếp bước ông nội có những kiến thức uyên bác và những phát biểu rất hay về ẩm thực Việt.
GS-TS Trần Văn Khê xuất hiện tại một triển lãm ảnh năm 2013 - Ảnh: Độc Lập
Tôi quen với GS-TS Trần Văn Khê từ thập niên 1960 qua GS Hoàng Xuân Hãn, khi tôi là chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa, thường thư từ qua lại với nhau, song phải nói rất thân từ khi tôi mời GS-TS Trần Văn Khê tham gia hội thảo khoa học Bản sắc Việt Nam trong âm nhạc năm 1998 tại Khách sạn Majestic và hội thảo Tiệc cưới, tiệc đãi quốc khách Việt Nam tại Khách sạn Kỳ Hòa năm 1999 và mời GS-TS Trần Văn Khê về dạy môn âm nhạc truyền thống tại khoa Du lịch ở Trường đại học Hùng Vương mà GS-TS Trần Văn Khê nói sau khi đã dạy biết bao sinh viên nước ngoài từ Á đến Âu thì đây là lần đầu tiên được dạy sinh viên Việt Nam bằng tiếng Việt tại nước Việt Nam…
Chắc ai có duyên may mới quen được GS-TS Trần Văn Khê và sẽ ngưỡng mộ sự nghiệp, cuộc đời của GS Khê, song tôi chưa từng thấy ai lại có nhiều duyên may như GS-TS Trần Văn Khê, người từng được duyên may mời ở khách sạn 4, 5 sao Majestic mà nhất định không phải trả tiền, ở bao lâu cũng được. Hay có duyên may được “thành phố” thời bà Nguyễn Thế Thanh làm Phó giám đốc Sở VHTT giao biệt thự khang trang làm nơi trưng bày nhạc cụ dân tộc để GS-TS Trần Văn Khê ở cùng lấy nơi đây là nơi sinh hoạt văn hóa dân tộc. Nhiều người đang mong biến nơi đây thành Trung tâm nghiên cứu văn hóa Nam bộ và tiếp tục có những sinh hoạt văn hóa thường kỳ mà GS-TS Trần Văn Khê đã dụng công truyền lửa cho các thế hệ trẻ.
Thật là mất mát vô hạn khi GS-TS Trần Văn Khê không còn nữa. Song cũng thật là duyên may hiếm có để cùng nhau tiếp bước GS-TS Trần Văn Khê giữ hồn dân tộc tại một nơi mà GS Trần Văn Khê đã truyền lửa cho biết bao thế hệ trẻ vậy. Hi vọng sau này sẽ có các giải thưởng Trần Văn Khê cho các tài năng trẻ, nhất là về âm nhạc truyền thống. Có ý kiến cho rằng để thiết thực hữu ích cho mai sau thay vì đưa các vòng hoa thì nên đưa vào quỹ văn hóa giáo dục Trần Văn Khê vậy.
Khóc GS-TS Trần Văn Khê
Bác Khê ơi, bác ra đi
Biết bao thương tiếc nói gì giờ đây
Giữ hồn Việt bản sắc này
Công lao của bác, càng ngày khắc ghi
Định hình bản sắc phát huy
Âm nhạc truyền thống những gì Việt Nam
Văn hóa ẩm thực vẻ vang
Văn hóa dân tộc Việt Nam tự hào
Lương sư hưng quốc thuở nào
Bác Khê tiếp bước nêu cao tinh thần
Rồi đây tuổi trẻ rất cần
Noi theo gương bác giữ hồn Việt Nam
Dựng xây nội lực đàng hoàng
Nguy cơ thuộc quốc sẽ càng đẩy xa
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ Sử học
(Trưởng Đề án Bếp Việt - Bếp của thế giới)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.