Cuộc đời của GS-TS Trần Văn Khê mẫu mực, trong sáng nhưng đã là nghệ sĩ thì ít ra cũng có những giây phút “phiêu bồng”…
GS-TS Trần Văn Khê
|
Nụ hôn đầu đời trong mưa
Dạo đó (khoảng đầu năm 1938), cô Ba Viện (người nuôi dưỡng anh em Trần Văn Khê) thường tổ chức những buổi tối hòa đàn tại nhà, thắp đèn măng xông sáng trưng. Nhạc công toàn là bà con trong dòng họ, ngồi trên bộ ngựa, còn bà con chòm xóm trong làng thì ngồi trên những băng ghế dài bằng gỗ, trong số đó có Sáu. Sáu là cô gái quê, thuộc hạng đẹp trong làng Vĩnh Kim (Mỹ Tho). Da cô trắng, môi son, thân hình mảnh mai, mặt trái xoan với đôi mắt mơ màng. Mẹ mất sớm, cha tục huyền, Sáu sống không nổi với mẹ kế nên về ở với bà nội. Sáu học hết lớp ba trường làng thì bà nội không cho học nữa. “Con gái học chi nhiều, chỉ cần biết mặt chữ, ở nhà học may vá, nấu nướng để lấy chồng!”, bà thường nói vậy.
Trần Văn Khê để ý tới cô gái làng hay ngồi ở một góc tối. Anh lân la đến hỏi thăm: “Em thích bản nhạc nào?”.“Em chỉ thích những bản buồn!”. “Tại sao?”. “Anh dư biết mà, người ta được sống với cha mẹ còn em sống với bà nội, cũng như anh sống với cô Ba… Nhiều khi thèm vòng tay ôm của mẹ, cái nhìn trìu mến của cha”… Từ lúc đó, Trần Văn Khê thường nghĩ về người con gái đồng cảnh ngộ, nhưng chỉ dám thương trộm nhớ thầm vì cô Ba Viện rất nghiêm, đi đâu cũng phải xin phép, nói rõ lý do và phải về đúng giờ. Sáu dễ qua chơi nhà cô Ba Viện hơn vì là bạn thân của Ngọc Sương, em gái út của Khê.
Nói về cách nghiêm huấn của cô mình, Trần Văn Khê kể: “Một hôm, em Sáu và bà chị đến chơi lúc cô tôi đi chợ. Khi về, cô hỏi thăm ba của em có khỏe không và vui cười như không có chuyện gì. Nhưng khi 2 người khách về rồi, cô gọi tôi lại, nói: “Bạn gái của em con đến chơi mà con không đàng hoàng. Khi bạn gái ngồi chơi trên võng với em, con phải nhắc ghế ngồi xa chớ không được đứng dựa vào đầu võng. Con đừng để con gái người ta mang tiếng vì con…”. Những ngày chuẩn bị lên Sài Gòn học bậc tú tài, Khê chạy xẹt qua nhà Sáu, gửi mấy câu thơ: “Em Sáu ơi!/Chẳng biết bao giờ em đến nhà?/Dẫu rằng đây đó có bao xa/Chiều trông, sáng đợi em nào thấu/Một mảnh tình riêng ta với ta” (câu cuối Khê “thuổng” của Bà Huyện Thanh Quan). Ngày Khê sắp đi, Sáu đến chơi với Ngọc Sương. Khi ra về, cô giúi vào tay một gói giấy nhỏ, bên trong là chiếc khăn tay thêu chữ K, Khê không bao giờ xài chiếc khăn này, chỉ để ngắm.
Một hôm Trần Văn Trạch (em kế Khê) có chuyện buồn giận cô Ba nên bứt hết những dây của các cây đờn tranh, đờn tỳ bà trong nhà, rồi bỏ trốn lên Mỹ Tho. Khê đạp xe đi tìm em nhưng cũng kịp ghé vào nhà Sáu cho nàng biết sự tình.
Tìm được Trần Văn Trạch, 2 anh em chở nhau về, còn cách làng khoảng 3 km thì trời đổ mưa, ướt như chuột lột. Lúc đó khoảng 9 giờ tối, Khê đang đạp xe thì nghe tiếng người gọi tên mình. Ngừng xe lại, trong bóng tối, dưới gốc cây bên đường, Sáu đang dầm mưa đứng đợi. Cô bảo: “Em đợi anh từ 7 giờ tối. Đoán chừng giờ anh về để hỏi có gặp được em Trạch không. Giờ em an lòng rồi…”. Khê xúc động ôm nàng vào lòng. Nước mưa ướt sũng cả hai người nhưng họ thấy vô cùng ấm áp. Hai đứa trẻ lần đầu tiên hôn nhau trong đêm mưa…
Năm 1939, máy bay Pháp dội bom liên tục ở miền quê Vĩnh Kim, gia đình Sáu phải sơ tán lên Mỹ Tho, họ được một thanh niên làm ở Tòa Bố (Tòa hành chánh tỉnh) giúp đỡ tận tình. Sau khi họ hồi cư, anh thanh niên này nhờ người đến xin cưới Sáu. Sáu khóc với Khê một lần sau cuối rồi lấy chồng để trả ơn.
Trần Văn Khê và những phụ nữ Pháp - Ảnh: tư liệu
|
Người tình một đêm
Tháng 5.1949, Trần Văn Khê sang Pháp. Đất khách quê người và phải “tự thân vận động” mọi khoản chi tiêu ăn ở, học phí… Trần Văn Khê lấy tên là Sơn Ca, đi hát ở tiệm Bồng Lai của một người Việt. Trong tiệm còn có Madona - một cô gái Pháp rất đẹp làm nghề vũ thoát y.
Một hôm, sau khi biểu diễn xong, Madona vẫn để ngực trần chạy vào cánh gà, bất ngờ vấp phải người hầu bàn đang bưng hai tô phở đi ra. Phở đổ hết lên người khiến cô ấy rất đau đớn… Từng là sinh viên Trường Thuốc nên Trần Văn Khê đã chữa trị cho cô đúng cách không để lại vết thẹo. Từ đó hai người trở nên thân thiết hơn.
Nhân Trường Chính trị Paris - nơi Trần Văn Khê đang theo học - có tổ chức dạ hội khiêu vũ, các sinh viên được mời bạn nhảy nên Trần Văn Khê dắt cô Tây này theo. Anh thuê một bộ áo đuôi tôm, thắt nơ trắng còn Michèle (tên thật của cô gái) thì lộng lẫy trong lớp áo dạ hội hở ngực (cô có bộ ngực rất đẹp, nhờ vậy mới được các nơi mời vũ thoát y). Tóc cô như suối chảy hai bên vai, chân đi giày cao gót nhung đen, mặt luôn tươi cười. Ai cũng phải ngẩn ngơ trước sắc đẹp và xuýt xoa trước những bước nhảy bay bướm của cô ấy (thực ra, đó là “nghề của nàng” mà!).
Họ nhảy đến 2 giờ sáng rồi Michèle mời chàng về nhà mình uống rượu. Họ nghe Sonate Ánh trăng của Beethoven bên rượu sâm banh… Uống say, cô gái nói: “Tôi muốn mời anh ở lại đêm nay để chia sẻ cùng tôi suốt một đêm dài. Tôi có cảm tình với anh từ lúc anh chữa phỏng cho tôi. Khi đó anh nhìn tôi với ánh mắt của người thầy thuốc chứ không là ánh mắt thèm muốn như bao gã đàn ông khác mà tôi từng gặp. Điều đó làm tôi xúc động. Trong đêm khiêu vũ này, anh cũng luôn tôn trọng tôi và làm cho người khác cũng tôn trọng tôi. Tôi muốn anh ở lại với tôi đêm nay. Anh đã biết tôi là gái điếm nên tôi xin đưa sổ khám bệnh của tôi”.
Cuốn sổ (khám cách đó hai hôm) ghi rõ cô ấy không mắc bệnh nhưng để anh yên tâm hơn, cô tiếp: “Nếu anh còn lo lắng, tôi còn những thứ để anh dùng bảo vệ bản thân, miễn là đêm nay chúng ta có nhau thật trọn vẹn”. “Nhưng tôi không mang theo đồ ngủ?”. “Không sao anh à!”. Cô gái cởi đồ cho Trần Văn Khê, lấy chiếc áo ngủ thật đẹp khoác cho chàng, dìu chàng vào phòng tắm: “Anh tắm đi rồi chúng mình tiếp tục nói chuyện”.
Đêm đó, Sơn Ca và cô gái trải qua một đêm tình thật tuyệt vời…
“Anh, mình có gặp nhau nữa không?”. Im lặng trong vài phút tôi xúc động và trả lời: “Theo tôi nghĩ chúng ta không nên gặp nhau nữa. Không thể nào tìm lại được tâm trạng của chúng ta và không khí như đêm vừa qua. Mộng đẹp không bao giờ trở lại hai lần trong đời. Tốt hơn chúng ta xem những gì xảy ra đêm qua như một câu chuyện thần tiên và kỷ niệm đẹp ấy sẽ còn mãi mãi trong lòng chúng ta. Thôi, vĩnh biệt em!”. Michèle thẫn thờ gật đầu chấp nhận mà hai mắt đẫm lệ…
Tôi và Michèle xiết chặt tay nhau, lặng nhìn nhau trong giây lát rồi chia tay. Từ đó chúng tôi không bao giờ còn gặp lại nhau nữa…” (trích Hồi ký Trần Văn Khê).
Bình luận (0)