Sau khi chia tách từ tỉnh Cần Thơ (1.1.2004), Hậu Giang chỉ có khoảng 30km quốc lộ 1 đi qua, còn quốc lộ 61 về tỉnh lỵ chỉ là đường cấp 5 đồng bằng, giao thông trắc trở. Cầu Cái Tư nối đôi bờ Hậu Giang - Kiên Giang vẫn chưa hoàn thành nên giao thông bộ liên tỉnh vẫn chưa thể đi nhanh, thông suốt. Trước thực trạng này, công tác nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61, xây dựng cầu Cái Tư được thực hiện quyết liệt. Không lâu sau đó quốc lộ 61, cầu Cái Tư đấu nối quốc lộ 1 với tỉnh Kiên Giang đi qua tỉnh lỵ Hậu Giang hoàn thành đã tạo cú hích lớn cho giao thông trong vùng.
Đường bộ rộng mở
Cùng với việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ của Bộ GT-VT, tỉnh Hậu Giang còn đẩy mạnh xây dựng giao thông nội tỉnh và triển khai quyết liệt chiến dịch giao thông, thủy lợi, trồng cây xanh tại tất cả địa phương trên địa bàn. Chiến dịch này thực hiện trong nhiều năm và đã huy động rất nhiều tỉ đồng để làm đường, xây cầu, nạo vét kênh mương thủy lợi mở mang giao thông.
Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Hậu Giang cho biết dự án đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (quốc lộ 61C) tổng kinh phí khoảng 5.350 tỉ đồng phân kỳ 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 hoàn thành tháng 5.2012, rút ngắn khoảng cách tỉnh lỵ Hậu Giang đến trung tâm TP.Cần Thơ còn 47km, giảm 15km nếu đi theo quốc lộ 61. Không chỉ đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, dự án giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn kết nối Hậu Giang - Cần Thơ - An Giang cũng được triển khai nhanh. Song song đó, các dự án ĐT 931 và cầu Xẻo Vẹt kết nối với Bạc Liêu, cầu Ngã Năm thông tuyến Sóc Trăng đã sớm hoàn thành tạo ra hệ thống giao thông đường bộ liên tỉnh rộng khắp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. "Hậu Giang cũng ưu tiên đầu tư dự án ĐT 927C (kinh phí 850 tỉ đồng) kết nối quốc lộ 1 với quốc lộ Nam Sông Hậu và tập trung cho dự án ĐT 930 mở rộng (219 tỉ đồng) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang rộng 5.200 ha tọa lạc ở H.Long Mỹ. Vậy là sau hơn 20 năm tái lập, Hậu Giang bây giờ đã có nhiều quốc lộ đi qua, hệ thống giao thông nội tỉnh 100% xã đảm bảo xe 2 bánh lưu thông quanh năm, 51/51 xã đường ô tô đã về đến trung tâm…", ông Mai Văn Tân thông tin.
Giao thông kết nối
Hậu Giang có hệ thống đường thủy phong phú trong đó kênh xáng Xà No là tuyến giao thông liên vùng nối các tỉnh thành. TP.Vị Thanh, tỉnh lỵ Hậu Giang, tọa lạc 2 bên bờ kênh xáng Xà No, là điểm gắn kết trung chuyển giữa vùng Tây sông Hậu với bán đảo Cà Mau thông qua hệ thống giao thông thủy bộ liên hoàn.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho hay dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ- Cà Mau đi qua 16 xã, thị trấn thuộc 4 huyện của tỉnh Hậu Giang. Bên cạnh đó, dự án thành phần 3 thuộc dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng đi qua 8 xã, thị trấn của 2 huyện (Châu Thành A, Phụng Hiệp) ở tỉnh Hậu Giang. Những dự án cao tốc này khi hoàn thành sẽ liên thông các tỉnh thành và tạo ra hành lang kinh tế đầy tiềm năng trong tương lai không xa. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, hàng loạt dự án cầu, đường, cảng, bến thủy sẽ được triển khai trên địa bàn Hậu Giang thời gian tới nhằm tạo ra mạng lưới giao thông thủy bộ liên hoàn, kết nối nhiều địa phương trong ngoài tỉnh.
Cũng theo ông Thanh, HĐND tỉnh Hậu Giang đã ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cầu và đường Nguyễn Chí Thanh ở TP.Vị Thanh có tổng mức đầu tư 1.600 tỉ đồng từ ngân sách địa phương, triển khai trong giai đoạn 2024- 2029. Dự án này nhằm kết nối quốc lộ 61C, quốc lộ 1, các tuyến cao tốc đi qua địa bàn và các tỉnh trong khu vực. Dự án cũng kết nối dân cư 2 bên bờ nam - bắc kênh xáng Xà No thuộc các xã (Hỏa Lựu, Vị Tân) và P.III, TP.Vị Thanh. Dự án có điểm đầu tuyến giao quốc lộ 61C (xã Hỏa Lựu) và điểm cuối kết nối đường 19 Tháng 8 thuộc xã Vị Tân. Dự án cầu và đường Nguyễn Chí Thanh khi hoàn thành sẽ kết nối giao thông nội vùng, liên tỉnh; đồng thời tạo nên điểm nhấn kiến trúc đẹp mắt trên dòng Xà No hiền hòa…
Bình luận (0)