Ai cũng biết giao thông Việt Nam có nhiều chuyện lạ. Chẳng cần đi đâu xa, cứ ở nhà đọc báo, xem đài là thấy. Có dịp ra xứ người, sự lạ càng được nhân lên vì thấy chẳng ai giống mình.
Cảnh kẹt xe trong giờ cao điểm ở các thành phố lớn là chuyện bình thường ở Việt Nam
- Ảnh: An Bang |
Việt Nam là nước có nhiều xe gắn máy nhất?
Vào giờ cao điểm cuối ngày, xe gắn máy kìn kịt, leo cả lên lề, bao vây xe hơi như kiến vỡ tổ. Nón bảo hiểm phản chiếu đèn đường, loang loáng cứ như người ngoài hành tinh đổ bộ. Nằm trong dòng chảy đó, đầu óc mụ mị, lơ lửng, gần như tê liệt cảm xúc, chỉ dịch chuyển theo phản xạ của đám đông.
Thời bao cấp, chiếc Honda Dream Thái giá tới 7 - 8 cây vàng, thiên hạ vẫn dập dìu mua sắm. Người Việt ít chịu đi bộ, chừng trăm mét là phải cưỡi xe gắn máy. Lại thích ngồi trên xe mua đồ, trả giá, tám chuyện đời và nghe điện thoại. Xe gắn máy thiên hạ chỉ chở 2, Việt Nam chở cả nhà, 4 - 5 người là bình thường. Nhiều xe, tuổi đời hơn nửa thế kỷ “vẫn chạy tốt”, hoặc được biến tấu thành xe kéo, xe lôi chở vài chục người.
Lái xe Việt Nam thích bóp còi loạn xạ, từ xe gắn máy đến xe buýt, xe ben… Có loại còi hơi, mỗi lần nghe là giật mình, muốn vãi ra quần. Bóp còi chưa đủ, phụ xế của mấy xe buýt ngoại thành còn la hét và đập rầm rầm vào thùng xe phụ họa. Ở các nước tiên tiến, bóp còi một lần là gọi nhau, còi liên tục như Việt Nam là chửi bới. Mấy ông Tây, bà đầm cứ bảo, “sao lái xe Việt Nam chửi nhau lắm thế?”.
Khách nước ngoài đều bảo: “Lái xe Việt Nam thân thiện nhất thế giới, gặp nhau là đưa tay chào hỏi”. Suýt đưa vào sách kỉ lục thế giới thì té ngửa. Những động tác “chào hỏi” thật ra là mật hiệu báo động. Bàn tay bóp mở liên tục - “có gì không?”. Bàn tay lắc qua lại – “không có gì”. Bàn tay nắm, ngón cái giơ lên – “Đằng xa, có…”. Bàn tay nắm, ngón cái chỉa xuống – “Ngay trước mặt”…
Nhiều trạm thu phí nhất?
Trạm thu phí là chuyện bình thường ở nhiều nước, có tiêu chí và qui trình minh bạch. Cả nước Campuchia chỉ có 2 trạm thu phí. Cả nước Lào chỉ có 3 trạm thu phí cầu mới xây, mỗi lượt 15.000 kip, tương đương 40.000 đồng. Đi xuyên Đông Dương, đoạn qua Campuchia và Lào hơn 1.600 km, không có trạm thu phí nào. Đoạn qua Việt Nam, từ Bình Long (Bình Phước) - Sài Gòn chỉ hơn trăm km, có 4 trạm thu phí. Đường mới - thu để bù vốn; đường cũ - thu để bảo hành; đường hư - thu để sửa chữa. Tóm lại là thu tất, gì cũng thu.
Đại lộ nghìn tỉ Mai Chí Thọ mới sử dụng đã sụt lún nghiêm trọng gây tai nạn liên tục cho người đi đường - Ảnh: Đình Tuyên
|
Việt Nam cũng là nước có giá đầu tư xây dựng cầu đường cao nhất nhưng lại mau hỏng nhất. Cầu Vĩnh Bình, Long An chưa nghiệm thu đã sập. Nhiều đường chưa hoàn thành đã lún. Đại lộ nghìn tỷ Mai Chí Thọ ở quận 2, TP.HCM mới đưa vào sử dụng chưa bao lâu nhưng lún sụt nghiêm trọng, gây tai nạn liên tục cho người đi đường. Chẳng cần lũ lụt, chỉ cần vài cơn mưa hơi lớn là có khi trôi cả cầu và đường.
Cảnh sát giao thông hùng hậu nhất?
Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), nay có thêm thanh tra giao thông của Việt Nam có lẽ hùng hậu nhất thế giới. Chưa kể thêm đội ngũ áo xanh phất cờ của Thanh niên xung phong, thanh niên xung kích, dân phòng… Nhưng tai nạn giao thông Việt Nam vẫn vô địch thiên hạ. Lượng người chết mỗi năm phải tính hàng mấy sư đoàn, hơn cả chiến tranh và dịch bệnh.
CSGT thiên hạ làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự giao thông, nhắc nhở người đi đường, giúp đỡ người tham gia giao thông và chỉ xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm. CSGT Việt Nam ngược lại, cứ rình rập sơ hở, thậm chí gài bẫy người tham gia giao thông để phạt nóng, thu “tiền tươi” chia chác. Những lúc kẹt xe cục bộ thường do không có CSGT điều tiết, nhưng họ luôn có mặt ở những chỗ bất ngờ, vào những thời điểm không ai nghĩ tới để ra tay. Vì thế, dân gian mới đặt danh hiệu “anh hùng núp” cho CSGT.
Và không thiếu cái khác lạ với thời đại
Bảng tên đường, bảng chỉ đường, qui định tốc độ… của Việt Nam cũng thuộc loại khiêm tốn và siêu tiết kiệm. Bảng tên đường Việt Nam có từ thời Pháp thuộc. Hơn trăm năm trước, chỉ có xe đạp nhẩn nha thì bảng như vậy là hợp lý. Thời đại mới, đường cao tốc tính vận tốc cả trăm cây số mỗi giờ thì các bảng hiệu xưa còn hơn đánh đố. Bảng nhỏ, chữ nhỏ, lại gắn chỗ khuất thì chỉ có mắt thần mới đọc nổi. Thế là thắng gấp, quẹo ngoặt, là chạy quá qui định… và đủ thứ hệ lụy.
Hệ thống nhà vệ sinh dọc đường gần như không có, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc. Điều này thua xa cả Lào và Campuchia. Việt Nam cũng là nước mà rác rưởi hai bên đường cứ nở rộ nhức nhối, như hoa độc của đời, năm sau lại nhiều hơn năm trước.
Chỉ Việt Nam mới có khái niệm nhà “mặt tiền”. Đường mở tới đâu, dân tràn ra hai bên đường tới đó. Các nước, nhà càng tránh xa đường càng tốt. Khi mở đường chẳng tốn tiền đền bù. Lộ giới có sẵn, ai vi phạm, khi giải tỏa phải truy thu thuế và nộp phí tháo dỡ. Chẳng bù cho Việt Nam, vì đền bù cho việc lấn chiếm nên khuyến khích vi phạm. Tiền giải tỏa có khi gấp mười tiền làm đường là vậy.
Du lịch Việt Nam đang chào bán tour mới: “Khám phá những cái lạ của giao thông Việt Nam”. Trước chỉ dành cho khách nước ngoài, nay khách nội địa cũng muốn thưởng thức những cảm giác “chỉ Việt Nam mới có”. Nếu mời được các quan chức ngành Giao thông Vận tải làm hướng dẫn viên thì tour cực hot, lại không đụng hàng, tha hồ hốt bạc…
Bình luận (0)