Giao thừa trên biển Hoàng Sa

Hiển Cừ
Hiển Cừ
15/02/2018 15:00 GMT+7

Khi tết cổ truyền bắt đầu chạm ngõ, ngư dân làng chài Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) lại nổ máy đưa tàu hướng về vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc.

Ở đó, những ngày cuối tháng chạp, từng đàn cá chuồn bay trên mặt biển như vẫy gọi ngư dân làng chài giong thuyền, đạp sóng vươn khơi.
Chuyến đi đặc biệt
Theo thuyền trưởng Nguyễn Văn Leo, ra khơi trong những ngày cuối năm thường gặp gió mùa đông bắc. Có nhiều hôm những con sóng cao hơn 2 m như muốn nuốt chửng tàu cá bé nhỏ giữa trùng dương. “Tháng chạp biển chỉ động chớ không có bão, nếu có gió lớn, sóng to thì mình cho tàu hạ ga, chạy chậm là yên tâm. Hơn nữa, đây là thời điểm chính vụ mùa cá chuồn nên 10 năm qua, cứ áp tết là tàu của tui tiên phong ra Hoàng Sa đầu tiên”, thuyền trưởng Leo nói.
Khác với chuyến biển bình thường, chuyến ra khơi áp tết, những người vợ, người mẹ ở làng chài Định Tân còn chuẩn bị gà, trái cây, bánh chưng, hoa và cả mấy thùng bia lon để chồng, con cúng gia tiên trong đêm giao thừa.
Ngư dân Trần Hùng kể, chiều cuối năm trên biển xa, khi mọi việc đã chu tất, thời khắc giao thừa đến, anh em bạn chài thắp hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa biển bội thu, sau đó quây quần bên nhau đón tết giữa biển trời Tổ quốc.
Giao thừa trên biển Hoàng Sa 1
Niềm vui của thuyền trưởng Phạm Minh Sách Ảnh: Hiền Cừ
Lộc biển
Chuyến ra khơi xuyên tết thường kéo dài từ 20 - 25 ngày, ngư dân làng chài Định Tân lần lượt trở về đất liền tàu nào cá cũng đầy khoang. Khi những chiếc tàu cá còn thấp thoáng ở phía xa ngoài cửa biển, trên bờ đã vang lên tiếng hò reo: “Tàu về. Cá về rồi bà con ơi!” làm không khí tại cảng cá Sa Kỳ (xã Bình Châu) luôn sôi động, tiếng nói cười ríu rít. Trên bến dưới thuyền đông nghẹt người mua, kẻ bán.
Theo ngư dân Nguyễn Văn Bé, nhờ kinh nghiệm “cha truyền, con nối” nên ngư dân làng chài Định Tân rất giỏi trong việc đánh bắt cá chuồn. Đặc biệt, những chuyến ra khơi xuyên tết, anh em bạn chài ai cũng “ấm túi”, thu nhập cao hơn gấp 3 lần so với những chuyến biển bình thường.
Từ Hoàng Sa trở về ăn tết muộn với gia đình, những ngư dân Định Tân lại hối hả đưa tàu rẽ sóng ra khơi xa bám biển, giữ ngư trường truyền thống mà các bậc tiền nhân đã để lại.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Ngãi, ngay từ đầu thời chúa Nguyễn (cách đây gần 400 năm), tại vùng cửa biển Sa Kỳ thuộc các xã An Vĩnh, An Kỳ (huyện Sơn Tịnh) và An Hải, nay là xã Bình Châu và đảo Lý Sơn, hằng năm có 70 binh phu được tuyển chọn đi Hoàng Sa tìm kiếm hải vật, sản vật để về dâng nộp cho triều đình và tuần phòng trên Biển Đông. Qua bao thế hệ, ý thức chủ quyền, tài nguyên biển đảo được hun đúc trong tim của ngư dân nơi đây. Họ coi Hoàng Sa, Trường Sa là nhà, là máu thịt của Tổ quốc thiêng liêng không thể tách rời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.