Giao tranh dữ dội ở miền đông, NATO gặp khó

15/05/2022 05:45 GMT+7

Ukraine được cho là đã thắng lợi ở Kharkiv - thành phố lớn thứ hai đất nước, giữa lúc chiến trường miền đông vẫn ác liệt trong khi nỗ lực mở rộng của NATO đang vấp phải nhiều khó khăn.

Theo đánh giá do Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) - tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ - công bố ngày 14.5, Nga dường như đang rút hoàn toàn lực lượng khỏi Kharkiv trước các cuộc phản công của Ukraine. Điều này nghĩa là Ukraine đã chiến thắng trong trận Kharkiv và thành công ngăn Nga bao vây hay kiểm soát TP này, ISW đánh giá.

Ukraine thắng thế ?

CNN cũng dẫn lại tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết lực lượng nước này đã giành lại 6 khu dân cư từ tay Nga vào ngày 13.5 và tổng cộng 1.015 khu dân cư kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu.

Một phương tiện chiến đấu bị hư hại trên con đường gần Kharkiv ngày 13.5

Reuters

Tại vùng Donbass thuộc miền đông Ukraine, mục tiêu chính của Nga tiếp tục là bao vây các TP Severodonetsk và Lysychansk thuộc tỉnh Luhansk từ phía bắc và phía nam, theo ISW. Lực lượng Nga tấn công từ TP.Popasna lên phía bắc không đạt được bước tiến nào đáng kể trong 24 giờ qua. Nga cũng bị lực lượng Ukraine ngăn cản vượt sông Siversky Donets cách Severodonetsk 20 km về phía tây và phải chịu những tổn thất nghiêm trọng. Theo CNN, các hình ảnh mới nhất cho thấy Nga có thể đã mất tới 70 xe bọc thép và các khí tài khác khi cố gắng vượt sông.

Xem nhanh: Ngày 80 chiến dịch quân sự, Ukraine nói vẫn 'như địa ngục' nhưng có hy vọng

SW cũng cho biết Nga có khả năng đã kiểm soát được đường cao tốc gần lối vào phía tây của nhà máy thép Azovstal ở TP.Mariupol, nhưng lực lượng Ukraine bên trong Azovstal vẫn đang chống trả quyết liệt.

Tổng thống Zelensky tối 13.5 nói các cuộc đàm phán với Nga về việc sơ tán người bị thương từ nhà máy thép Azovstal rất phức tạp. Theo Reuters, Ukraine đã đề xuất sơ tán 38 người trong số những binh sĩ bị thương nặng nhất và nếu Moscow cho phép họ ra ngoài, Kyiv sẽ thả một số tù binh Nga.

Nga chưa bình luận về các thông tin trên. Tuy nhiên, Hãng tin RIA dẫn lại tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga ngày 14.5 cho biết lực lượng nước này đã tấn công 43 khu vực tập trung quân đội và thiết bị của Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ làm khó NATO

Trong lúc lực lượng Nga và Ukraine tiếp tục giao tranh căng thẳng ở miền đông, NATO gặp nhiều thách thức trong việc kết nạp thêm thành viên. Quốc hội Thụy Điển ngày 13.5 công bố đánh giá chính sách an ninh cho thấy việc nước này gia nhập NATO sẽ nâng cao ngưỡng xung đột quân sự và do đó có tác dụng ngăn chặn xung đột ở Bắc Âu. Trước đó, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin ngày 12.5 tuyên bố nước này phải nộp đơn gia nhập NATO ngay lập tức.

Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO, Mỹ muốn làm rõ

Ngay sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 13.5 tuyên bố không ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Giữa căng thẳng, RAO Nordic, công ty con của tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Inter RAO, cùng ngày 13.5 thông báo sẽ ngừng cung cấp điện cho Phần Lan vì chưa nhận được khoản thanh toán cho lượng điện xuất khẩu trong tháng 5.

Nga cũng liên tục dọa sẽ có phản ứng nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Grushko ngày 14.5 nói Moscow sẽ có các biện pháp phòng ngừa thích đáng nếu NATO triển khai lực lượng và cơ sở hạ tầng hạt nhân tới gần biên giới Nga. Trước đó, Phó đại sứ Nga Dmitry Polyansky tại LHQ cảnh báo việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ biến 2 nước này trở thành mục tiêu tiềm năng của Nga.

Bộ trưởng quốc phòng Nga-Mỹ nói gì trong cuộc điện đàm đầu tiên từ khi có xung đột Ukraine?

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Mỹ điện đàm

Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu ngày 13.5 đã có cuộc điện đàm kéo dài một giờ theo đề nghị của Washington. Đây là cuộc nói chuyện đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.

Trong cuộc điện đàm, Bộ trưởng Austin kêu gọi ngay lập tức ngừng bắn ở Ukraine và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc. Một quan chức Mỹ cho biết cuộc gọi không giải quyết được bất kỳ vấn đề cụ thể nào hay dẫn đến thay đổi trực tiếp trong các hoạt động của Nga ở Ukraine. Hãng thông tấn TASS dẫn lại tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết hai bên đã thảo luận về các vấn đề an ninh quốc tế, bao gồm cả tình hình ở Ukraine.

Trong diễn biến khác, chính phủ Anh ngày 13.5 thông báo đưa thêm 12 thành viên gia đình và thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào danh sách cấm vận với cáo buộc họ đã thay nhà lãnh đạo Nga che giấu hàng chục tỉ USD. Reuters ngày 13.5 cũng dẫn lời 4 nhà ngoại giao cho biết Liên minh Châu Âu có thể sẽ đưa ra lệnh cấm dầu Nga theo từng giai đoạn vào tuần tới, bất chấp những lo ngại về nguồn cung ở Đông Âu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.