Những ngày đầu bỡ ngỡ
Năm 2021 bắt đầu, dạy và học trực tuyến đã không còn xa lạ với giáo viên (GV) do họ đã được “tập dượt” trong năm 2020 - một năm đặc biệt bởi họ đứng trước thách thức chưa bao giờ nghĩ đến.
Là một GV năng động, thường xuyên tương tác với học trò trong thực tế cũng như trên thế giới mạng nhưng thầy Đỗ Đức Anh (Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM) đã có những lo lắng trong thời gian đầu chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. “Đây thực sự là một thay đổi cũng như thách thức lớn đối với toàn ngành giáo dục, đặc biệt là GV. Rời bỏ bảng đen, phấn trắng để làm quen và giảng bài trước bàn phím và màn hình vi tính là điều không dễ dàng”, thầy Đức Anh nhớ lại.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du (Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM) cho biết 2020 là năm biến động với những thách thức và trải nghiệm đầy thú vị. Đó là năm mở đầu bằng một kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài đột ngột với “giãn cách xã hội” khiến mọi kế hoạch giáo dục đổ vỡ. “Trong một thời gian ngắn, với chỉ đạo của cấp trên “không để học sinh (HS) ở lại phía sau kiến thức”, và phải “đương đầu với một trận tuyến mới là mang lại kiến thức cho HS bằng hình thức trực tuyến”, các thầy cô giáo đều phải nỗ lực hết sức. Những ngày ấy, từ những GV hiểu biết rất lơ mơ về mạng, về học trực tuyến, chúng tôi tự lên mạng tìm kiếm thông tin, tài liệu. Thậm chí hỏi bạn bè đồng nghiệp để sử dụng các lớp học trực tuyến như livestream trên Facebook, M Team... Những giờ học livestream đầu tiên đầy tiếng cười của thầy và trò khi thầy lỡ nhấn nhầm nút ngừng phát mà vẫn thao thao giảng hay cả nhà trò lần lượt xuất hiện trong khung hình để chào thầy...”, thầy Du kể.
Theo thầy Du, khó khăn nhất vẫn là sắp xếp lại nội dung dạy trực tuyến cho thật cô đọng, súc tích, bổ sung tư liệu, bài tập để học trò tìm hiểu thêm. Ngoài ra, phải có những hình thức kiểm tra, đánh giá mới cho phù hợp với tình hình “xa mặt, cách bài”.
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên về thời gian cùng học trò thực hiện những tiết học trực tuyến, cô Vũ Thị Nga (tổ ngữ văn Trường THCS-THPT Đức Trí, TP.HCM) nói: “Covid-19 đem đến nhiều bài học quý giá”. Theo cô Nga, cô cũng như nhiều đồng nghiệp phải vượt qua chính mình để tổ chức những tiết học áp dụng công nghệ thông tin, đặc biệt đối với những GV không còn trẻ.
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, GV hóa học của Trường THPT Ngô Quyền (Q.7, TP.HCM), chia sẻ: “Có thể nói vui rằng đợt dịch Covid-19 đã giúp GV biến “nguy” thành “cơ”. Đặc biệt là cơ hội học tập, cọ xát để chính mình xây dựng những bài giảng trực tuyến đúng nghĩa và chỉn chu”. Trong các buổi học trực tuyến, thầy trò gặp nhau qua màn ảnh nhỏ máy tính, điện thoại, ti vi nên thầy Lê Thanh ví von mỗi thầy cô dạy học thời Covid-19 đều sẽ trở thành những diễn viên chuyên nghiệp, sân khấu bục giảng chính là nơi thầy cô thỏa sức sáng tạo với bài giảng của mình và khán giả mong chờ đón xem qua màn ảnh nhỏ chính là những học trò thân yêu...
Chúng tôi không còn quá sợ hãi mà đã bước đầu tự tin nghĩ rằng, như tất cả các ngành nghề khác, chúng tôi sẵn sàng cùng học sinh vượt qua tất cảThạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM |
“Những kỷ niệm đáng nhớ qua những ngày học tập rất đặc biệt này sẽ đọng mãi trong các em hôm nay và mai sau”, thầy Lê Thanh nhận định.
Thay đổi phương pháp giảng dạy
Khi xã hội bước vào trạng thái bình thường mới, thầy trò vui mừng trở lại trường lớp. Những ngày học tập trực tuyến đã giúp cho cả GV và HS những kỹ năng cần thiết. Thầy Đăng Du nhận định: “Chúng tôi nhận ra rằng thách thức đã mang lại cho chúng tôi cơ hội. Cơ hội để tiếp cận với các hình thức dạy học mới mẻ, cơ hội để thay đổi chính mình, để nâng cao kỹ năng giảng dạy tiếp cận với sự hiện đại của khoa học công nghệ”.
Để đối phó với Covid-19 trong tình hình mới, theo thầy Phạm Lê Thanh, mỗi GV vẫn luôn sẵn sàng chủ động trang bị cho mình những phương thức xây dựng bài giảng trực tuyến mới hơn, sinh động hơn. “Chúng tôi còn tham khảo những phương cách xây dựng bài giảng trực tuyến của nước ngoài, học hỏi và tiếp thu nhằm cải thiện tối ưu phương thức học tập từ xa này. Sau đợt nghỉ dịch, chúng tôi đã trang bị cho tổ bộ môn của mình kho học liệu với hệ thống bài giảng, câu hỏi và bài tập, đề kiểm tra trực tuyến phong phú và đa dạng phục vụ cho phương án dạy học trực tuyến”, thầy Thanh chia sẻ.
Từ đây, nhiều GV mạnh dạn đưa mô hình lớp học đảo ngược (Flipped classroom: HS nghe giảng ở nhà, lên lớp giải đáp thắc mắc và làm bài tập) để nhằm trang bị cho HS những kỹ năng, phương pháp học, cách học tập trực tuyến chủ động, sáng tạo và hiệu quả.
Thầy Đỗ Đức Anh sau những trải nghiệm từ thách thức ban đầu nay đã biến những lớp học trực tuyến môn ngữ văn thành không gian đầy ắp câu chuyện, thơ và nhạc. Theo GV này, để tiết học trực tuyến thật sự lôi cuốn, luôn cần tái cấu trúc bài giảng và tiết học sao cho phù hợp. Sự thay đổi này sẽ khiến HS không cảm thấy nhàm chán, mất tập trung khi phải ngồi trước màn hình máy tính quá lâu. Bên cạnh đó, sau khi kết thúc bài giảng, GV có thể đưa ra gợi ý về những hoạt động khác hấp dẫn hơn cho HS, thay vì chỉ để HS ngồi và lắng nghe.
Chính sự chuẩn bị này trong năm 2020 mà khi bước vào năm 2021, dù dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng các GV đã rất tự tin. Khi năm 2021 bắt đầu, thầy Du khẳng định: “Những người thầy, người cô như chúng tôi không còn quá sợ hãi mà đã bước đầu tự tin nghĩ rằng, như tất cả các ngành nghề khác, chúng tôi sẵn sàng cùng HS vượt qua tất cả”.
Bình luận (0)