Trong bộ phim kinh điển Vua Sư tử (Lion King), khi sư tử Simba nói về quá khứ đau buồn, khỉ Rafiki đã nói một câu đầy tính triết lý: “The past can hurt. But the way I see it, you can either run from it or learn from it” (tạm dịch: Quá khứ có thể gây tổn thương nhưng chúng ta hoặc có thể chạy trốn nó hoặc học hỏi từ nó). Nếu với suy nghĩ như vậy thì bên cạnh những mất mát quá lớn từ tính mạng con người đến sự kiệt quệ của kinh tế, năm 2020 vẫn có mặt tích cực khi nhìn vào những bài học mà nó mang lại cho chúng ta.
Không gì là không thể
Có những thay đổi trong năm 2020 mà chỉ một năm trước đó thôi, cả trong những kịch bản phim táo bạo nhất của Hollywood cũng không thể nghĩ ra.
Những chuyến du lịch xuyên biên giới; những hội nghị, hội thảo quốc tế diễn ra khắp các quốc gia trên thế giới hay đơn giản là mỗi ngày đến công sở làm việc; học sinh đến trường; khán giả đến sân khấu xem hòa nhạc, rạp hát xem phim; bạn bè gặp nhau ở quán cà phê; ôm hôn, bắt tay khi gặp nhau… là những điều rất đỗi bình thường trong cuộc sống hiện đại. Nhưng đùng một cái, những điều này đột nhiên dừng lại và buộc phải đổi thay để thích ứng. Nguyên nhân dẫn đến những biến động này không phải do một lực lượng siêu nhiên nào, cũng không phải do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, mà từ một loại vi rút. SARS-CoV-2 đã gây ra đại dịch Covid-19 toàn cầu, khiến hơn 1,7 triệu người tử vong, hơn 82 triệu người bị nhiễm và con số này vẫn chưa dừng lại.
Những thay đổi vừa kể trên chỉ là một phần của những biến động năm 2020 khiến con người choáng váng vì nó diễn ra quá nhanh theo cách mà không ai có thể ngờ được. Từ đây càng giúp con người nhận ra rằng không gì là không thể, không gì bất biến trong cuộc đời này, mọi thứ đều có thể thay đổi và cuộc sống là vô thường.
Nên biết trân quý cuộc sống
Suy nghĩ trên không khiến chúng ta tiêu cực mà ngược lại, giúp con người sống tích cực hơn khi biết trân quý những điều bình thường, nhỏ bé, gần gũi xung quanh.
Dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội, ấy là khi người ta mới thấy nhớ quay quắt những tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, những cái bắt tay, những gương mặt cười không ẩn sau lớp khẩu trang, những trao đổi ngoài đời thật chứ không phải qua các ứng dụng video.
Khi cuộc sống chỉ quẩn quanh trong những gian phòng, con người mới thèm lắm hàng cây ngoài công viên, bầu trời xanh, nắng vàng, một chút khói bụi, tiếng nói cười lao xao... Khi những dịp lễ tết sum họp trong năm chúng ta cũng không thể trở về quê nhà thăm cha mẹ, người thân, lúc đó ta càng nhận ra giá trị của những khoảnh khắc bên cạnh những người thân yêu, mái ấm gia đình, mối thâm tình quê hương… Những điều này, nếu không có Covid-19, có khi chúng ta quên mất nó quan trọng biết chừng nào.
|
Bài học về sự thích nghi
Ở những tháng đầu của năm 2020, với dịch Covid-19, chúng ta buộc phải thay đổi thói quen, sinh hoạt, công việc… hằng ngày với tâm thế rồi dịch sẽ qua nhanh trong vài tuần. Nhưng rồi vài tháng và thời gian cứ thế trôi qua, chúng ta nhận ra rằng phải bắt đầu cuộc sống “bình thường mới”.
Khi nơi chốn của máy bay không còn là bầu trời mà ở mặt đất thì các hãng hàng không nghĩ ra ý tưởng kinh doanh “bay không cần điểm đến” để thỏa mãn mong muốn được bay của những ai thích xê dịch. Khi nhà bếp hay phòng khách trở thành văn phòng làm việc, phòng ngủ trở thành phòng học thì Zoom từ một phần mềm rất ít người biết đến trở thành ứng dụng phổ biến nhất để kết nối mọi người qua trực tuyến. Chỉ qua vài tháng cách ly vì dịch Covid-19, mọi người từ bỡ ngỡ trở nên quen thuộc với việc hội họp, làm việc, học tập trực tuyến.
Khi thói quen con người thay đổi như giảm các hoạt động bên ngoài, mua sắm trực tiếp ít đi…, các doanh nghiệp liền có những sản phẩm mới thích ứng. Dịch Covid-19 ập đến đã làm “tan hoang” mọi thứ, nhiều người bị mất việc làm, không có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Trong nguy nan, tự bản thân hoặc với sự hỗ trợ của cộng đồng, họ cũng tìm ra cách để sinh tồn.
Gần 1,5 tỉ học sinh không được đến trường
Tính đến tháng 4.2020, đại dịch Covid-19 khiến gần 1,5 tỉ học sinh (84% học sinh trên toàn cầu) ở 169 quốc gia và vùng lãnh thổ không được đến trường do trường học đóng cửa. Theo số liệu đến giữa tháng 12.2020, vẫn còn khoảng 300 triệu học sinh (17,5% học sinh toàn cầu) trên 27 quốc gia và vùng lãnh thổ không được đi học.
|
Hiểu rõ mình hơn
Trong những ngày nhiều quốc gia trên toàn cầu buộc phải giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài, một trong số các clip chia sẻ trên mạng xã hội hướng con người vào chuỗi ngày “bình thường mới” dẫn một câu thấm đẫm tinh thần thiền: “At the time we can't go out, we can go inside” (tạm dịch: Khi chúng ta không thể bước ra ngoài tìm hiểu thế giới, ta bước vào bên trong tìm hiểu chính mình).
Với những biến cố liên quan đến dịch Covid-19, năm 2020 khiến con người sống chậm hơn, có cơ hội để sắp xếp lại những việc lâu nay vì bận rộn mà chúng ta bỏ bê, có điều kiện để nhìn vào chính mình để hiểu rõ mình muốn gì, cần gì.
Không chạy theo guồng máy của công việc, của những bon chen thường nhật, chúng ta có dịp chăm sóc sức khỏe bằng việc đều đặn tập thể dục. Không bận bịu với những mối quan hệ bên ngoài, chúng ta dành thời gian để đọc thêm một cuốn sách, chăm sóc cây, thú cưng, trò chuyện cùng người thân hoặc đơn giản ngồi lặng nhìn cảnh sắc xung quanh để thấy trân trọng những điều hiện hữu.
Năm 2020 là cột mốc đánh dấu mọi thứ đã thay đổi. Từ đây thế giới đã khác. Đại dịch Covid-19 giúp chúng ta không còn tự mãn, ảo tưởng về sức mạnh con người nhưng với sự hiểu biết, trái tim nhân ái, sự thích nghi mạnh mẽ, “biết mình biết ta”, con người tự tin hơn với những hành trang chuẩn bị từ năm 2020 để bước vào năm 2021 với niềm hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
Lan tỏa lòng nhân ái và tinh thần vì cộng đồng
Lòng nhân ái, sự tương thân tương ái như được đâm chồi nở hoa qua đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, ATM gạo của anh Hoàng Tuấn Anh đã trở thành một biểu tượng của tình người bao la. Từ đây nó đã được nhân bản, lan tỏa ra khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, những bữa ăn miễn phí, siêu thị 0 đồng và vô số mô hình khác nhằm giúp đỡ người khó khăn hiện diện khắp mọi nơi trong năm 2020 khi bùng phát dịch Covid-19.
Qua những ngày cả nước cùng quyết tâm phòng chống dịch để hạn chế những thiệt hại đến mức thấp nhất, mọi người càng nâng cao ý thức đoàn kết, tinh thần vì cộng đồng. Hơn lúc nào hết, chúng ta biết rằng chỉ cần một người thiếu ý thức thì cả xã hội sẽ gánh hậu quả.
|
Bình luận (0)