Đó là tâm trạng chung của các thầy cô giáo. Còn nhớ khi mới ra trường, tôi được phân công lên giảng dạy ở Trường THCS Diên Tân (Diên Khánh, Khánh Hòa) thuộc xã miền núi kinh tế mới của H.Diên Khánh lúc bấy giờ, nhiều người nói vui là “vùng khỉ ho cò gáy” vô cùng vất vả. Tết đến được thêm ít lạng thịt, gram đường, bột ngọt của thời bao cấp với chế độ tem phiếu là vui không sao tả hết, bởi gia đình có được hương vị ngày tết, đúng như câu "Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà"!
Trong dịch bệnh, giáo viên vất vả khi dạy học trực tiếp, trực tuyến |
PHẠM HỮU |
Thời gian trôi qua, đời sống giáo viên được cải thiện phần nào, nhu cầu cũng ngày càng tăng lên và để đáp ứng thì cần có tiền, nhất là dịp tết. Vì vậy, tâm lý thầy cô giáo nói chung đều mong chờ khoản tăng thêm ngoài lương để con có chiếc áo mới, cha mẹ thêm tiền mừng tuổi ông bà..., cho cái tết thêm vui.
Từ khi thực hiện chế độ khoán tài chính cho các trường, việc chi tiêu được hiệu trưởng (chủ tài khoản) lên kế hoạch theo quy chế chi tiêu nội bộ. Quy chế này được thông qua ở hội nghị cán bộ, viên chức, với tinh thần thật tiết kiệm để cuối năm có dư thưởng tết cho thầy cô giáo. Việc thưởng tết mỗi trường mỗi vùng miền khác nhau, tùy vào tiền "tiết kiệm chi" còn nhiều hay ít.
Đồng nghiệp của tôi công tác tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Khánh Vĩnh, thuộc huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa. Đa số học sinh nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, đời sống còn nhiều khó khăn. Thầy cô ở trường nói riêng, H.Khánh Vĩnh nói chung không có khái niệm thưởng tết như ở dưới xuôi. Tết đến, phụ huynh, học sinh tặng thầy cô củ khoai mới, con gà đang tập gáy, cân thịt heo đen nuôi dưới sàn nhà..., rất ấm áp tình người.
Vậy tại sao thầy cô trường này có thưởng tết, trường khác lại không? Theo lãnh đạo một số trường học, việc thưởng tết cho giáo viên không phải là yêu cầu bắt buộc mà tùy vào mỗi trường. Sau khi chi cho các hoạt động giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, trả lương cho thầy cô giáo..., cuối năm nếu còn dư ít nhiều thì chia cho giáo viên, nếu không thì thôi.
Thầy cô công tác ở miền núi, do điều kiện cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu thốn nên ngân sách chủ yếu là để trả lương cho thầy cô, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học còn không đủ thì còn tiền đâu thưởng tết. Thật lòng thầy cô nào cũng chạnh lòng khi không có tiền thưởng trong khi một số ít doanh nghiệp đã công bố thưởng tết cuối năm.
Năm nay dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống người lao động, tất nhiên thầy cô không đứng ngoài khó khăn chung này. Các trường dành một phần kinh phí chi cho công tác phòng chống dịch bệnh nên khả năng tiền thưởng nếu có cũng là “hương vị” tết. Như thế cũng là vui lắm rồi, bởi còn biết bao công nhân, người lao động mất việc làm trong năm qua phải sống bằng tiền trợ cấp thất nghiệp, tiền hỗ trợ của Nhà nước.
Chính vì vậy, nhiều thầy cô mong ngành giáo dục sớm tham mưu với Chính phủ quy định tiền thưởng tết cho giáo viên được luật định như các doanh nghiệp để khuyến khích, động viên tinh thần thầy cô qua một năm giảng dạy bằng tháng lương thứ mười ba.
Bình luận (0)