“Nội quy ngầm”
Trên thực tế, dù không ghi thành văn bản, giáo viên, giảng viên các trường vẫn luôn có những “nội quy ngầm” không bao giờ được vi phạm. Nó ăn sâu vào ý thức của người giáo viên ngay từ khi họ còn ngồi trên ghế giảng đường sư phạm để học làm thầy, cô.
Cô Nguyễn thị Hồng Châu, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM kể lại: “Ngày tôi mới vào nghề, cách đây vài chục năm, chúng tôi còn được dạy khi mặc áo dài đứng viết bảng, thì cách đứng phải như thế nào cho chuẩn? Đó là, chỉ đứng chếch ¾ người chứ không được xoay toàn bộ lưng và mông xuống học trò. Nói vậy để biết, người giáo viên đứng lớp luôn có những quy tắc cần thiết để giữ gìn hình ảnh đẹp. Chuyện mặc cũng vậy. Trang phục người giáo viên phải kín đáo, lịch sự, không thể tùy tiện được. Và có những loại trang phục tuy không ai cấm, nhưng người thầy không bao giờ nên mặc khi bước vào trường học”.
Theo cô Châu, những trang phục mà giáo viên nam không nên mặc là quần jeans, áo thun. Đối với giáo viên nữ không nên mặc đầm rộng, mỏng, áo trễ cổ, hở hang. Lý do vì những trang phục trên không trang trọng, thậm chí rất phản cảm. Đó là lý do mà học sinh và giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn từng phản ứng khi có một số giáo viên người nước ngoài dạy tiếng Anh tại trường, đã mặc váy vải mềm như váy ngủ. Một số giáo viên nam nước ngoài thì khoác ba lô đi dạy chứ không mang cặp táp...
|
“Có thể vì họ là người nước ngoài nên khá thoải mái. Nhưng trong môi trường sư phạm của người Việt, thì rất khác. Người giáo viên trước hết phải làm gương. Thầy cô khi ra ngoài trường học có thể ăn mặc cá tính, thoải mái như thế nào cũng được, nhưng khi đứng trên bục giảng thì phải luôn tự ý thức về sự ảnh hưởng của mình tới học trò”, cô Châu chia sẻ.
Giáo viên mặc gì để vừa lịch sự vừa thoải mái?
Tại Trường THPT Nguyễn Du, (Q.10, , TP.HCM), quy định giáo viên nữ khi đi dạy mặc áo dài và giáo viên nam mặc sơ mi tay dài, quần tây. Thầy Huỳnh Thành Phú, hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Vì tất cả các phòng của trường đều có máy lạnh, nên rất thuận lợi cho các giáo viên nữ mặc áo dài. Tuy nhiên, với những trường không có máy lạnh thì áo dài trở nên không thoải mái và gây nóng bức”.
|
Theo thầy Phú, giáo viên vẫn có thể mặc váy đi dạy nhưng phải qua gối, không được rộng quá và không dùng vải mềm. Hiện nay, bàn của giáo viên thường có khăn trải, vì thế, dù giáo viên ngồi trên cũng vẫn kín đáo.
Một giáo viên Trường THCS Nguyễn Khuyến, (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho rằng giáo viên nam muốn thoải mái một chút thì cũng có thể mặc quần kaki, tuy nhiên, tốt nhất vẫn là mặc quần tây áo sơ mi. Đối với giáo viên nữ, nên mặc váy dạng công sở hoặc quần tây áo sơ mi. “Chúng tôi luôn ý thức được việc ăn mặc phản cảm sẽ ảnh hướng không tốt tới học trò, nên hầu như không ai bận quần jeans áo thun hay váy hoa, váy mỏng vào trường cả”, giáo viên này cho biết.
Tại môi trường ĐH được coi là thoải mái hơn, cũng vẫn có những quy định bất thành văn khá chặt chẽ. Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, chia sẻ: “Trường yêu cầu giảng viên mặc quần tây, không mặc quần jeans khi lên giảng đường. Có những thầy cô cá tính, có thể mặc trang phục thiết kế hơi độc đáo so với thông thường, nhưng vẫn phải nghiêm túc, không ngắn, hở, không lòe loẹt”.
Theo giảng viên Nguyễn Trần Cẩm Linh, Trường ĐH Mở TP.HCM, giảng viên nữ nên mặc váy bút chì là tốt nhất, dài quá gối và không nên bó sát. Nếu váy may xòe thì nên chất liệu dày và vải màu sẫm. Giảng viên nam dù thoải mái cũng không nên mặc quần jeans áo thun.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng cho hay giáo viên nữ trẻ của trường thường mặc đầm còn nam thì quần tây, áo sơ mi. “Hầu như không có giảng viên mặc quần jeans, vì các thầy cô cũng tự ý thức được hình ảnh của mình khi bước lên giảng đường”, ông Quốc Anh nhận định.
tin liên quan
Giáo sư mặc quần... ngắn, áo vest giảng bài trước sinh viênVào hai ngày 22 và 23.4, trong chương trình Innovation Roadmap (Lộ trình sáng tạo), GS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, đã mặc quần ngắn, áo vest (hoặc áo thun), để giảng bài.
Bình luận (0)