Giáo viên có nên sử dụng roi vọt?

13/01/2015 16:16 GMT+7

Những ngày qua, sự ra đi đột ngột của một nữ sinh lớp 6 (TP.HCM) có tiền sử bị bệnh động kinh sau khi bị cô giáo dùng thước đánh vào mông vì nói chuyện trong lớp gây sự quan tâm của nhiều người.

Những ngày qua, sự ra đi đột ngột của một nữ sinh lớp 6 (TP.HCM) có tiền sử bị bệnh động kinh sau khi bị cô giáo dùng thước đánh vào mông vì nói chuyện trong lớp gây sự quan tâm của nhiều người.

Ảnh minh họa
Từ sự việc đáng tiếc trên, một lần nữa, vấn đề giáo viên có nên sử dụng hình thức roi vọt để giáo dục học sinh lại được đặt ra.
Quan điểm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” đã trở thành nếp nghĩ của nhiều người. Với không ít giáo viên, việc giáo dục học sinh theo kiểu này cũng không có gì phải ầm ĩ bởi họ cho rằng, roi vọt cũng là một hình thức phạt. Một số người còn cho rằng, trước đây, cha mẹ, ông bà và thầy cô cũng đã xử sự như thế với bản thân nên họ mới được nên người. Giờ đây, họ áp dụng các hình thức này với học sinh của minh để chúng tiến bộ thì không có gì sai.
Quả là ngày trước một số thầy cô cũng hay đánh (tất nhiên chỉ ở mức độ chấp nhận được) những học sinh phạm lỗi nhưng kèm ngay sau đó là sự quan tâm, chỉ bảo chân thành học sinh của mình về những điều đúng, sai. Vì thế, nhiều người nay dù đã hai thứ tóc vẫn không quên và luôn tỏ lòng kính trọng những người thầy nghiêm khắc nhưng hết sức thương yêu học trò thuở nào.
Cùng với thời gian, ngày nay việc giáo dục học sinh đã có nhiều thay đổi. Học sinh ngày nay nhanh nhạy, năng động nhưng cũng ngỗ nghịch và bướng bỉnh hơn. Người thầy không còn nắm giữ vị trí độc tôn, mối quan hệ thầy – trò cũng dần thay đổi theo hướng dân chủ hơn. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng hình thức roi vọt để giáo dục học sinh xem ra không còn phù hợp, thậm chí trong một số trường hợp còn phản tác dụng, gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Không thể phủ nhận, nghề giáo hiện nay đang phải đối mặt với không ít áp lực. Từ những áp lực về chuyện cơm áo, mưu sinh đến những áp lực về thành tích, hồ sơ, sổ sách… Tuy nhiên, không phải vì thế mà giáo viên tìm cách giải tỏa áp lực lên học sinh qua những hình phạt bằng roi vọt. Thay vì lạm dụng hình phạt, người thầy nên tăng cường các biện pháp giáo dục mang tính thuyết phục, cảm hóa học sinh.
Để làm được điều này, trước hết người giáo viên phải thường xuyên trau dồi bản thân, đảm bảo tính chuẩn mực, mô phạm cần có. Một giáo viên thường xuyên đến lớp muộn thì không thể trách phạt học sinh lỗi vi phạm này. Cũng vậy, một giáo viên có tác phong không chuẩn mực thì học sinh sẽ không tôn trọng, đến khi những giáo viên này sử dụng các hình phạt thì các em rất dễ phản ứng lại. Không phải ngẫu nhiên, những vụ bạo hành đối với học sinh thường rơi vào những giáo viên trẻ.
Trong các trường sư phạm hiện nay, việc hình thành kỹ năng ứng xử sư phạm cho sinh viên vẫn có phần bị hạn chế. Chưa có nhiều kinh nghiệm ứng xử sư phạm lại phải chịu áp lực không nhỏ từ nhiều phía, người giáo viên rất dễ có những hành động nóng giận, bột phát, nhất thời. Do đó, khả năng tiết chế, kiểm soát cảm xúc là hết sức cần thiết đối với mỗi giáo viên.
Việc giáo dục một lớp học sinh mới, có xu hướng bộc lộ cái “tôi” ngày càng mạnh hơn không phải là điều dễ dàng nhưng nếu giáo viên thường xuyên quan tâm, gần gũi, hiểu được tâm sinh lý của từng học sinh, biết phối hợp với phụ huynh để cùng uốn nắn thì những khó khăn có thể sẽ được tháo gỡ. Thời nào cũng vậy, chính tình yêu thương, sự sẻ chia sẻ chân thành và sự công bằng của thầy cô sẽ cảm hóa và điều chỉnh được nhận thức của học sinh, nhất là với những học sinh cá biệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.