Giáo viên dạy học sinh diễn 'cảnh nóng': 'Hiệu trưởng cho biết bị kỷ luật vì nhiều lý do khác

30/03/2019 18:58 GMT+7

Xung quanh việc giáo viên ngữ văn tại TP.HCM cho học sinh lớp 11 thực hiện sân khấu hóa một số cảnh nóng trong tác phẩm văn học gây ra nhiều tranh luận trái chiều trong mấy ngày qua, ngày 30.3, hiệu trưởng nhà trường đã có những trao đổi cụ thể với phóng viên Báo Thanh Niên về quyết định kỷ luật .

Không chỉ xuất phát từ tiết dạy 'cảnh nóng'

[VIDEO] Lời người trong cuộc trong vụ học sinh đóng kịch "cảnh nóng"

Trong một vài ngày qua, trên các phương tiện thông tin có nhiều ý kiến tranh cãi việc thầy giáo Phạm Quốc Đạt, Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12, TP.HCM) cho học sinh lớp 11 đóng một số cảnh trong trích đoạn "Hạnh phúc của một tang gia" (Số Đỏ- Vũ Trọng Phụng) và Bỉ vỏ (Nguyên Hồng) trong đó một số cảnh sân khấu hóa  bị phản ứng vì được cho là tái hiện “cảnh nóng”, vượt quá khuôn khổ của sự sáng tạo như cảnh ân ái giữa Xuân tóc đỏ và cô Tuyết, cảnh nhân vật Tám Bính bị hãm hiếp… cùng với quyết định kỷ luật đối với giáo viên này.

Trao đổi với phóng viên vào chiều ngày 30.3, ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản, cho biết quyết định kỷ luật đối với giáo viên Phạm Quốc Đạt, không chỉ xuất phát từ tiết dạy sân khấu hoá, mà còn liên quan đến nhiều sai phạm chuyên môn khác. Chẳng hạn giáo viên này đi trễ 16 lần, vắng họp 3 lần và còn có những phát ngôn xúc phạm danh dự, uy tín của người khác...

Ông Định cho hay, sự việc được phát hiện từ cuối tháng 10.2018 nhưng đến gần cuối tháng 1.2019 nhà trường mới đưa ra quyết định kỷ luật. Trong suốt thời gian đó, nhà trường đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với thầy Đạt để thầy nhận lỗi và sửa sai nhưng thầy vẫn không có sự chuyển biến.

Một hoạt cảnh của học sinh gây nhiều tranh cãi Ảnh cắt từ clip

Để đi đến quyết định kỷ luật trên, nhà trường đã tổ chức cuộc họp hội đồng sư phạm gồm các thầy cô giáo trong trường để thăm dò về hình thức kỷ luật. Từ đó, trường mới tiến hành cuộc họp hội đồng kỷ luật và đưa ra hình thức kỷ luật với thầy Đạt.

Đồng thời lãnh đạo nhà trường nói thêm, nhiều ý kiến cho rằng trường tiến hành kỷ luật thầy Đạt chỉ dựa trên việc để trò diễn “cảnh nóng” trong tiết học ngữ văn. Nhưng thực tế lại từ rất nhiều nguyên nhân, và những sai phạm đó lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Sự trên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự đặc biệt là niềm tin của học trò đối với thầy cô giáo trong trường. "Tôi khẳng định, nhà trường không nghiêm cấm các hoạt động ngoại khóa, những tiết học sử dụng hình thức tổ chức sáng tạo nhưng tất cả mọi hoạt động cần phải được xây dựng kế hoạch trình tổ chuyên môn và ban giám hiệu kiểm duyệt.", hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh.

Đồng nghiệp thầy Đạt nói gì?

Là người phụ trách tổ ngữ văn của Trường THPT Võ Trường Toản, giáo viên Nguyễn Thị Hồng Châu, cho biết, tiết học sân khấu hóa đã được giáo viên Quốc Đạt tự tổ chức mà không có trong kế hoạch giảng dạy cũng như không thông qua tổ chuyên môn. “Tôi khẳng định đoạn trích “Bỉ vỏ”, “Thị Mầu lên chùa” không có trong chương trình chuẩn sách giáo khóa ngữ văn lớp 11. Đoạn trích giữa Xuân tóc đỏ và Tuyết trong "Số đỏ" cũng không được chọn trong chương trình ngữ văn lớp 11. Tổ luôn khuyến khích sự sáng tạo, nhưng sáng tạo như thế nào và mang lại hiệu quả ra sao mới là quan trọng. Sáng tạo cũng phải có kế hoạch thông qua tổ, phải có giới hạn và mang ý nghĩa giáo dục”, vị tổ trưởng chuyên môn ngữ văn nói.

Tương tự, cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên môn ngữ văn, cho biết trong tác phẩm 'Bỉ vỏ', nhà văn Nguyên Hồng không hề mô tả chi tiết cảnh nhân vật Tám Bính bị cưỡng hiếp như thế nào; tương tự tác phẩm 'Quan Âm Thị Kính' cũng không mô tả kỹ lưỡng sự lả lơi của Thị Mầu… Các giáo viên cho biết việc kỷ luật này còn đến từ nhiều vi phạm khác kéo theo chuyện này diễn ra sau đó như đi dạy trễ, không có thành ý nhận lỗi, phát ngôn không chuẩn mực, ngoan cố, nói xấu đồng nghiệp...

Thầy giáo Phạm Quốc Đạt: Phân cảnh có trong nguyên tác. Không nói xấu đồng nghiệp hay xúc phạm ai
Trong khi đó, khi trao đổi với Báo Thanh Niên, thầy giáo Phạm Quốc Đạt, người liên quan đến chuyện này cho biết, phân cảnh trong tác phẩm cho học sinh tái hiện đều có trong nguyên tác, không hề thêm thắt chi tiết. Tất nhiên khi chuyển qua kịch sẽ có một số khác biệt về lời thoại, hành động. Giáo viên này cũng cho hay, ông chỉ đi trễ 4 lần, nhà trường nói 16 lần là vẽ tội danh cho ông. Mặt khác, 3 lần vắng dạy, ông đều có đơn xin phép đúng quy định, có giấy chứng nhận của bệnh viện. Ông cũng không nói xấu đồng nghiệp mà chỉ góp ý thẳng thắn, không xúc phạm ai.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.