[VIDEO] Lời người trong cuộc trong vụ học sinh đóng kịch "cảnh nóng"
|
Mấy hôm nay rộ lên thông tin thầy giáo Phạm Quốc Đạt, Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12, TP.HCM) cho học sinh lớp 11 đóng một số cảnh trong trích đoạn "Hạnh phúc của một tang gia" ( Số Đỏ- Vũ Trọng Phụng) và Bỉ vỏ (Nguyên Hồng) trong đó một số cảnh sân khấu hóa bị phản ứng vì được cho là tái hiện “cảnh nóng”, vượt quá khuôn khổ của sự sáng tạo như cảnh ân ái giữa Xuân tóc đỏ và cô Tuyết, cảnh nhân vật Tám Bính bị hãm hiếp…
Sau khi bị kỷ luật, ngày 25.3, ông Phạm Quốc Đạt đã nộp đơn khởi kiện hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản ra Tòa án Nhân dân Q.12.
Vào chiều tối hôm nay (29.3), một cán bộ quản lý của Sở GD- ĐT TP.HCM đã nêu quan điểm về vấn đề này.
Theo vị lãnh đạo này, Sở GD-ĐT luôn khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, hình thức tổ chức tiết học bởi học sinh có sự tiếp cận mới giúp quá trình tiếp nhận kiến thức tốt hơn. Đặc biệt với môn ngữ văn thì việc cảm thụ văn học là điều cần thiết.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức những tiết học như hình thức sân khấu hoá trong chương trình chính khoá cần nằm trong kế hoạch giảng dạy của nhà trường. Đồng thời, trước khi thực hiện cần có những sinh hoạt chuyên môn để kiểm duyệt chung cũng như góp ý về nội dung, hình thức sao cho đạt được mục tiêu giáo dục. Sau đó giáo viên phải có hướng dẫn và kiểm tra quá trình thực hiện của học sinh để đạt mục tiêu mà môn học cần hướng đến.
Đồng thời, cán bộ trên cũng nói rằng, vấn đề tranh cãi tuỳ thuộc vào nhãn quan, trình độ của mỗi cá nhân cũng như bối cảnh, hoàn cảnh của sự việc. Tuy nhiên, trong một tiết học, các hình ảnh hay hoạt cảnh đưa vào chỉ là hoạt động phụ và mục tiêu giáo dục của môn học mới là hoạt động chính thì giáo viên nên cân nhắc. Đặc biệt, nếu chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mà hoạt động phụ lại gây tranh cãi thì hơn hết giáo viên nên lựa cho hình thức khác để tổ chức tiết học cho học sinh. Vì trong môi trường giáo dục không thể đưa một hoạt động gây tranh cãi vào giáo dục cho học sinh.
Bình luận (0)