11 giờ trưa ngày thứ hai hằng tuần, sau khi xếp đủ một dãy bàn ghế trước sân trường, cô giáo liền đánh một hồi trống dài báo hiệu hết giờ học buổi sáng. Sau hồi trống, học sinh (HS) 5 lớp của điểm trường ùa ra như ong vỡ tổ. Em nào cũng xách theo một hộp cơm đã được bố mẹ chuẩn bị sẵn, hướng về phía dãy bàn ngoài sân. Mỗi em ngồi vào một chiếc ghế rồi mở hộp cơm mang đi từ sáng.
Bữa cơm với đường của học sinh điểm trường Kon Du (xã Măng Cành, H.Kon Plông, Kon Tum) |
ĐỨC NHẬT |
Cá khô, thịt chuột…là món ăn xa xỉ
Xót lòng bữa ăn chỉ có cơm trắng với đường của học sinh nghèo miền núi |
Cũng như các bạn, Y Thùy Dung (học lớp 1) rụt rè mở nắp hộp cơm. Bên trên là một khay đựng đường, bên dưới là lớp cơm lấm tấm hạt đen, hạt trắng. Cô bé cho biết nhà mình ở thôn Măng Bành nằm ở bên kia quả đồi, cách trường hơn 2 km. Ngày nào cũng vậy, vì bận lên rẫy nên bố mẹ dậy thật sớm, nấu cơm bỏ vào hộp rồi đưa cho Thùy Dung mang đi học.
“Mấy hôm trước mẹ nấu cơm với rau cho con mang đi học. Hôm nay nhà hết đồ ăn nên mẹ bỏ đường vào hộp cho con ăn với cơm vào buổi trưa”, cô bé kể.
Tương tự Thùy Dung, 2 bạn khác ở điểm trường cũng đem theo đường ăn chung với cơm. Khi được phóng viên hỏi thăm, các em xấu hổ nên quay mặt đi nơi khác. Trên bàn ăn, những món ăn như cá khô, thịt chuột, thịt dơi nướng được xem là những thứ xa xỉ.
Các em nhà ở cách xa trường, thậm chí xa đến 17 km, nên nguy cơ bỏ học rất cao. Nhà trường đã vận động các nhà tài trợ, rồi các thầy cô cũng đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình. Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn, khó có thể đủ để níu chân các em ở lại trường
Mở nắp hộp cơm với 3 miếng thịt chuột nướng, A Thường (học lớp 1) vui vẻ cho biết đây là con chuột mà mẹ em săn được khi lên rẫy. Bố mất sớm, một mình mẹ nuôi 2 anh em A Thường. Hằng ngày, bữa cơm của A Thường chỉ có rau dại với cơm trắng. Đối với cậu, có thịt chuột để ăn là một niềm vui.
Lo không đủ sức kéo học sinh đến trường
Cô Trần Thị Dung (chủ nhiệm lớp 3B, điểm trường thôn Kon Du) cho biết điểm trường có 5 lớp với 72 HS 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn nên vẫn chưa quan tâm đến việc học tập của con em. Có gia đình, bố mẹ lên rẫy cả tuần, còn con thì gửi cho hàng xóm, ông bà chăm sóc. Nhà các em cách trường từ 4 - 6 km, có những em buổi sáng đi học, nhưng đến trưa phải đi bộ về nhà ăn cơm. Leo đồi mệt quá, các em quên luôn việc đến lớp. Vậy nên để các em có thể đi học đầy đủ, thầy cô vận động cha mẹ nấu cơm sớm cho con em mang đi và ăn uống tại trường.
Từ ngày các em ăn uống tại trường, cô Dung đã không ít lần quay đi lau nước mắt. Thức ăn của các em là tất cả những sản vật mà cha mẹ có thể kiếm được từ trên rừng. “Hôm nào sang lắm thì các em được ăn thịt chuột, thịt dơi. Có những hôm các em phải ăn châu chấu, ốc đồng, ve sầu, nhộng đất. Hôm nào bố mẹ không kiếm được thức ăn, các em phải ăn cơm với rau dại, măng rừng hoặc là ăn với đường, muối cho dễ nuốt”, cô Dung buồn bã kể.
Vì dạy học ở trường xa nên các thầy cô khi đến trường đều đem theo cơm ăn trưa để tiện dạy học. Thấy HS thiếu thức ăn, các giáo viên chẳng ai bảo ai, mỗi người chuẩn bị thêm một ít thức ăn. Đến giờ cơm, thầy cô múc từng thìa thức ăn chia đều cho học trò. Em nào ốm yếu, biếng ăn, cô giáo ưu tiên chia cho phần nhiều hơn các bạn.
Ông Trần Thông, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Măng Cành, cho biết sau khi UBND tỉnh Kon Tum công nhận xã Măng Cành đạt chuẩn nông thôn mới (từ đầu năm 2021) thì các chế độ liên quan đến việc hỗ trợ HS trên địa bàn theo Nghị định 116 của Chính phủ không còn hiệu lực. Điều này gây ra nhiều khó khăn và ảnh hưởng lớn đến việc vận động HS ra lớp.
“Bởi vì 100% HS của nhà trường là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mẹ các em chủ yếu làm nương rẫy mang tính tự cung tự cấp, kinh tế vô cùng khó khăn. Hơn thế nữa, các em nhà ở cách xa trường, thậm chí xa đến 17 km, nên nguy cơ bỏ học rất cao. Nhà trường đã vận động các nhà tài trợ, rồi các thầy cô cũng đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình. Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn, khó có thể đủ để níu chân các em ở lại trường”, thầy Thông chia sẻ.
Bình luận (0)