Sáng 25.2, tại phiên giải trình "Thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông", một nội dung quan trọng chất vấn Bộ trưởng GD- ĐT Nguyễn Kim sơn là giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên hiện nay như thế nào, khi vừa thiếu 94.714 lại vừa thừa 10.178 giáo viên các cấp?
Giáo viên hiện nay phải thích nghi với những thay đổi không chỉ về chương trình mà cả công nghệ |
đào ngọc thạch |
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện đang tồn tại tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học, địa phương nên ngành giáo dục đang thừa 10.178 giáo viên (GV), nhưng lại thiếu đến 94.714 GV, từ mầm non đến THPT. Để giải quyết tình trạng thừa thiếu GV cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ và cần phải có kế hoạch lộ trình khoa học hợp lý. Tuy nhiên nhiều năm qua chúng ta chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề “thừa – thiếu” nên tình trạng này vẫn kéo dài. Đó là đào tạo GV không căn cứ vào nhu cầu sử dụng “cung vượt cầu”; chính sách triển khai thực hiện chậm trong cuộc sống.
Cụ thể Nghị định 143/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10.12.2020, đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, được sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 143/2020 nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động.
Nếu căn cứ Nghị định 143/2020/NĐ-CP, có rất nhiều thầy cô muốn xin được về hưu trước tuổi, nhưng thực tế có bao nhiêu giáo viên được giải quyết nghỉ hưu trước tuổi theo chế độ? Nói cách khác Nghị định 143, cần được điều chỉnh mở rộng hơn để giải quyết cho GV xin nghỉ hưu trước tuổi mà không bị ràng buộc nhiều điều kiện quá khó. Như vậy sẽ giải quyết phần nào số GV thừa.
Đến năm 2022, thầy Phạm Khoa và một số thầy cô khác của Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh (Khánh Hòa) đã bước vào tuổi 59 với thời gian tham gia công tác giảng dạy tại trường THCS là 36 năm. Với những GV này, sức khỏe, tuổi tác đã làm giảm đi sự đam mê nhiệt huyết với nghề, không theo kịp sự tiến bộ của của khoa học kỹ thuật (năng lực vi tính), sự đòi hỏi đổi mới của ngành giáo dục (chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nhất là những GV đào tạo đơn môn, nay phải dạy môn tích hợp nên khó để dạy tốt, có chất lượng…). Vì vậy nguyện vọng của những GV lớn tuổi là xin được nghỉ hưu trước tuổi theo chế độ hiện hành.
Song để được xét nghỉ hưu theo Nghị định 143, cần thỏa mãn điều kiện sau: Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 1 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý (khoản 2 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP).
Như vậy nguyện vọng được về nghỉ hưu trước tuổi theo quy định là rất khó vì một GV không ai muốn “phấn đấu”không hoàn thành nhiệm vụ.
Rất mong Bộ GD-ĐT, Bộ Nội Vụ phối hợp với các địa phương hàng năm nên tổ chức xét đơn cho GV xin nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng chính đáng. Đó cũng là điều hợp lý, nhân văn, giúp giải quyết tình trạng thừa GV và cũng nhằm tạo điều kiện để tuyển dụng sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường, giải quyết tình trạng thiếu GV hiện nay. Đây cũng là một giải pháp phần nâng cao chất lượng đội ngũ GV, nhân tố quyết định đổi thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bình luận (0)