Ngày 21.4, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Phạm Thị Thu Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) xác nhận thông tin ban giám hiệu nhà trường nhận được đơn tố cáo của một số giáo viên gửi qua đường bưu điện.
Điểm chênh lệch từ 0,8 đến 1,6 tùy từng môn
Theo hiệu trưởng trường này, gửi kèm với đơn tố cáo là những bản chụp từ bài kiểm tra của học sinh khi làm bài và bài kiểm tra sau khi hoàn tất công tác chấm. Bà Thu Hồng cho hay, trong đơn tố cáo có đề cập đến việc nhóm giáo viên này nhận thấy những bất thường về kết quả các bài kiểm tra với lực học thực tế của một học sinh từ năm học trước nên đã âm thầm tìm hiểu.
Cụ thể, bà Thu Hồng thông tin, trong đơn có chỉ ra rằng, điểm bài kiểm tra 5 môn trắc nghiệm toán, vật lý, hóa học, tiếng Anh, sinh học giữa học kỳ 2 của một học sinh (được cho là con của một giáo viên trong trường) có kết quả bài thi chênh lệch với bài làm thực tế của em này từ, 0,8 đến 1,6 điểm tùy từng môn.
Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, điểm kiểm tra giữa kỳ thay đổi sẽ tác động đến điểm trung bình lớp 12 và tất nhiên sẽ tác động đến kết quả điểm xét tốt nghiệp THPT. Điểm kiểm tra giữa kỳ là một trong 2 cột điểm có hệ số 2 khi tính điểm trung bình của học kỳ 2. Còn điểm trung bình học kỳ 2 sẽ tham gia vào điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh. Điểm này của năm lớp 12 sẽ chiếm 30% xét tốt nghiệp THPT. Khi một cột điểm của một môn thay đổi cũng sẽ thay đổi toàn bộ kết quả trung bình học tập của học sinh.
Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc sửa điểm?
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM, cho biết việc phân cấp quyền của ban giám hiệu liên quan đến điểm số tùy từng trường. Nếu phân cho hiệu phó phụ trách chuyên môn toàn quyền thì hiệu trưởng không thể biết sự việc chỉ trừ khi có khiếu nại thì mới rà soát các khâu. Có những trường giao quyền cho hiệu phó chuyên môn phụ trách nhưng quy định nếu sửa điểm phải báo cáo hoặc sau khi có bài chấm phúc khảo thì mới được sửa. Ngoài ra, trên hệ thống phần mềm điểm của học sinh có lưu lại các dấu hiệu chỉnh sửa điểm, truy vết thì sẽ tìm ra.
Nhiều phản ảnh về hoạt động của nhà trường Trong thời gian gần đây, nhiều phụ huynh có con em đang học tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ liên tục phản ánh về chuyện trường này thu tiền nhiều khoản nhưng không trả lại khi trường không tổ chức lớp học. Ngoài ra, phụ huynh cũng cho biết thường các trường sẽ xếp các môn tự chọn vào buổi 2. Tuy nhiên Trường Nguyễn Công Trứ xếp vào buổi 1, gây khó khăn cho học sinh. Trước những thắc mắc này, đại điện Sở GD-ĐT cho biết, các cơ sở GD công lập được chủ động tính toán các khoản thu đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi và sử dụng các khoản thu đúng mục đích thu, thực hiện công khai kế hoạch thu- chi của từng khoản đến phụ huynh trước khi thực hiện. Cụ thể, các mức thu như tiền tổ chức học buổi 2, tiền tổ chức học tiếng Anh đã được công khai cho phụ huynh về mức thu và thời gian thực học. Trong trường hợp học sinh không thể tham gia học hoặc vì lý do khác thì phụ huynh có thể liên hệ với nhà trường để giải quyết theo từng nội dung cụ thể. Một lãnh đạo Phòng GD Trung học cho biết, đối với trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày, Bộ GD-ĐT cho phép các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học. Trong đó, buổi chính thực hiện theo chương trình chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ, buổi thứ 2 là các hoạt động giáo dục bám sát chương trình, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao… theo quy định của kế hoạch giáo dục, kế hoạch thời gian năm học. Bộ không quy định cụ thể trong ngày học buổi nào là buổi chính hay buổi nào là buổi thứ 2 mà giao toàn quyền chủ động để các trường tổ chức hoạt động căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên… Minh Luân- Bích Thanh |
Bình luận (0)