Ngày 15.11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi gặp mặt các giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022. Đây là chương trình do do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN phối hợp với Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Tham gia buổi gặp mặt có anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Maketing Tập đoàn Thiên Long.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và anh Nguyễn Ngọc Lương tặng quà các giáo viên |
bảo anh |
Áp lực học tập quá lớn
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, nhiều thầy cô đã bày tỏ sự vui mừng khi được ban tổ chức quan tâm và được gặp mặt chia sẻ tâm tư với Phó thủ tướng.
Các thầy cồ đều bày tỏ tâm huyết với nghề nghiệp nhưng cũng nêu những khó khăn của nhà giáo hiện nay. Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy do ở những vùng sâu, vùng xa thì có những khó khăn về áp lực thành tích khiến giáo viên, học sinh và lãnh đạo nhà trường đều không cảm thấy hạnh phúc.
Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh, giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) bày tỏ khó khăn của nhà giáo |
bảo anh |
Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh, giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết: “Trường học hạnh phúc khi học sinh, giáo viên, phụ huynh và nhà trường đều cảm thấy hạnh phúc. Học sinh cho rằng hạnh phúc là được làm những điều mình thích, nhưng khi hỏi học sinh có thích đến lớp không, thì 90% trả lời không thích do áp lực học tập quá lớn”, thầy Khánh chia sẻ.
Theo thầy Khánh, hiện học sinh bị áp lực học cả tuần không có thời gian dành cho gia đình. “Các em chỉ mong được nghỉ 2 ngày thứ 7, chủ nhật để có thời gian ở bên ông bà, bố mẹ. Các em chỉ mong học ít đi, thi ít đi”, thầy Khánh nói. Thầy Khánh cũng cho rằng hiện học sinh đang được đào tạo như gà nòi, gà công nghiệp với những kiến thức truyền đạt 1 chiều.
“Các em cần được đào tạo kỹ năng nhiều hơn, chứ 18 tuổi vẫn chỉ biết học, không có kỹ năng nấu ăn, thêu thùa và làm các việc khác... ”, thầy Khánh nói.
Phó thủ tướng lắng nghe chia sẻ của thầy cô tại buổi gặp |
bảo anh |
Đặc biệt, thầy Khánh cho biết giáo viên thì bị áp lực nặng về hành chính như sổ sách, thao giảng… khiến không có thời gian để phát triển chuyên môn và quan tâm đến học sinh.
“Tháng 11 là tháng tri ân, nhưng cũng là tháng khổ nhất của thầy cô bởi phải thi đua tất cả các trường, các lớp. Giáo viên phải chuẩn bị các buổi thao giảng mất đến hàng tháng với những áp lực nặng nề, vì không được phép lỗi và diễn nhiều hơn thực tế”, thầy Khánh tâm sự.
Đồng thời, thầy Khánh cho rằng hiện giáo viên không cảm thấy hạnh phúc vì gánh nặng của những hồ sơ, sổ sách và lãnh đạo nhà trường cũng khó có hạnh phúc khi bị áp lực thành tích quá nặng.
“Chúng tôi chỉ mong làm sao được nở nụ cười nhiều hơn, được phụ huynh và xã hội chia sẻ và bảo vệ để có động lực với nghề”, thầy Khánh bày tỏ.
Anh Nguyễn Ngọc Lương tặng quà các đại biểu |
bảo anh |
Làm sao để giáo viên bớt khổ?
Sau khi lắng nghe ý kiến của một số đại biểu tại buổi gặp mặt, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt, coi công tác giáo dục và đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng thuộc diện chính sách.
Theo Phó thủ tướng, giáo dục những năm gần đây có tiến bộ, đổi mới nhưng “cái chưa được” còn rất nhiều. Trong đó có những loại tiêu chí phấn đấu, phong trào thi đua không cần thiết, làm khó, làm khổ giáo viên và các trường, gián tiếp làm khổ học sinh. “Cần phát động phong trào để thầy cô bớt khổ”, Phó thủ tướng gợi ý.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi gặp |
bảo anh |
Phó thủ tướng đề nghị Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, cần phát động phong trào có thể chọn tên là: “Để thầy cô vui”, để tạo các diễn đàn góp ý và rà lại tiêu chí trực tiếp, gián tiếp gây áp lực cho nhà trường, giáo viên.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng cho rằng hiện giáo dục còn gặp nhiều khó khăn như: điều kiện vật chất để nuôi dạy học sinh vùng sâu vùng xa; lương giáo viên còn thấp, nhất là giáo viên mới ra trường ở vùng đô thị...
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Phó thủ tướng |
bảo anh |
Vì vậy, Phó thủ tướng mong muốn toàn xã hội, cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm hơn đến giáo dục, có chính sách thiết thực để thầy cô bớt phần vất vả. Đồng thời các thầy cô cần kiên trì vượt qua khó khăn để làm tốt hơn nữa sự nghiệp trồng người.
“Các thầy cô nắm trong tay số phận, tương lai của học sinh. Có nhiều trường hợp thầy cô không nỗ lực mà buông tay thì các em sẽ đi chệch hướng”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi gặp, anh Nguyễn Ngọc Lương đại diện cho các giáo viên được gặp mặt bày tỏ sự vui mừng, xúc động và tự hào khi được Phó thủ tướng dành thời gian quan tâm, gặp gỡ, trao đổi và gợi ý để T.Ư Đoàn, T.Ư Hội có những hoạt động thiết thực đóng góp cho giáo dục.
Anh Lương cũng nhắc lại từ cuộc gặp mặt các thầy cô của chương trình năm trước, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội đã thực hiện chương trình “Điều ước cho em” nhằm xây trường học ở những vùng khó khăn và đã đạt được kết quả khả quan.
Anh Lương cho biết những trao đổi thẳng thắn, ý nghĩa của Phó thủ tướng và các ý kiến của giáo viên tại cuộc gặp lần này, sẽ được tiếp thu và có giải pháp thực hiện, để chương trình của tổ chức Đoàn, Hội ngày càng có ý nghĩa thiết thực.
Bình luận (0)