Đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề cấp thiết của đất nước

13/11/2022 09:33 GMT+7

Sau 2 ngày diễn ra Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2022, các trí thức trẻ đã cùng nhau bàn, đề xuất và đưa giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề thời sự , cấp thiết của đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Tất cả đều xuất phát từ khát khao được đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển đất nước.

Nhiều đề xuất thiết thực

Sau phiên làm việc ngày 11.11, 4 tổ thảo luận của diễn đàn đã có những đề xuất rất chi tiết và cụ thể về những vấn đề mang tính thời sự, cấp thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội hiện nay, góp phần tham gia thực hiện hiệu quả việc ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để phục hồi phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch.

Anh Nguyễn Ngọc Lương phát biểu bế mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2022 sau 2 ngày diễn ra tại Bến Tre

Nhật Thịnh

Đối với chủ đề “Đề xuất mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững”, một số giải pháp kiến nghị được các trí thức trẻ đưa ra đó là thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng số (database, cloud systems), thu thập dữ liệu các ngành. Đề xuất hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia trên nền tảng tích hợp công nghệ blockchain như: cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương... Bên cạnh đó là hoàn thiện khung chính sách về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh…

Ở chủ đề “Quy hoạch và giải pháp sử dụng hiệu quả, đồng bộ các quy hoạch địa phương, vùng, quốc gia”, các đại biểu đã kiến nghị cần quy hoạch đồng bộ, phù hợp vùng sinh thái, điều kiện tự nhiên, bảo đảm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương và vùng. Kết nối thông suốt đồng bộ hệ thống vùng, quốc gia. Kiến nghị giải pháp nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học trong nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phát triển năng lượng tái tạo phù hợp đối với từng địa phương.

Nhóm thảo luận chủ đề: “Phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt Nam trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, các đại biểu kiến nghị cần coi văn hóa là sợi dây kết nối, sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhiều thế hệ; đặt các giá trị văn hóa truyền thống làm trọng tâm trong các hoạt động hợp tác; mở rộng việc dạy tiếng Việt trực tuyến cho trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam ở nước ngoài, kết hợp với Hội Sinh viên các trường ĐH trên cả nước. Đặc biệt là kết nối, đưa tri thức và sản phẩm tri thức về cộng đồng, nâng cao chất lượng trao truyền văn hóa, mỗi người sẽ là một tuyên truyền viên văn hóa.

Với chủ đề “Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, gắn với đổi mới hệ thống y tế” các trí thức trẻ kiến nghị hành lang pháp lý phải đảm bảo theo kịp với xu thế chuyển đổi số y tế; Telehealth (y tế từ xa) cần có sự định hướng, chia sẻ kinh nghiệm và lựa chọn ưu tiên; cần xây dựng hệ sinh thái, niềm tin đa tầng đối với sản phẩm khởi nghiệp y tế.

Trí thức trẻ đề xuất kiến nghị tại phiên bế mạc diễn đàn

Nhiều vấn đề mới, khó được bàn luận thẳng thắn

Đại diện cho các trí thức trẻ, tiến sĩ Nguyễn Thúy Anh, Bộ Tài nguyên - Môi trường, đã đưa ra một số đề xuất để phát triển Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Tiến sĩ Thúy Anh cho rằng đội ngũ thanh niên trí thức cần được coi là nền tảng cơ bản của sự phát triển dân tộc. Chính vì vậy, Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu là cần thiết trong việc định hướng, kết nối, thúc đẩy phát triển và gắn kết đa chiều các lực lượng trí thức, khoa học công nghệ người Việt trên toàn thế giới.

Nhằm xây dựng và phát triển bền vững mạng lưới, tiến sĩ Thúy Anh đưa ra các chương trình được các trí thức trẻ đề xuất. Theo đó, cần tổ chức xây dựng các đề xuất thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp, nâng cao năng lực hội nhập. Xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng nghiên cứu, huấn luyện thực tập nghiên cứu với các thành viên của mạng lưới đã có bước phát triển chuyên sâu. Xây dựng các chương trình tham vấn chuyên môn, phân tích chính sách phát triển, thông tin chiến lược trong mạng lưới và các đơn vị liên quan, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tổ chức chương trình xây dựng tổ chức mạng lưới trong và ngoài nước. Và cuối cùng là tổ chức chương trình, sự kiện bao gồm các diễn đàn toàn cầu thường niên, các hội thảo chuyên đề và các diễn đàn theo khu vực, quốc gia. Đặc biệt, phát huy nguồn lực của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài.

Các đại biểu là trí thức trẻ Việt Nam

Phát biểu bế mạc diễn đàn, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho biết diễn đàn năm nay đã tổ chức rất thành công các nội dung được đề ra, lựa chọn chủ đề ý nghĩa, có nhiều gợi mở và hết sức thiết thực, thể hiện được sự mới mẻ, trí tuệ, thế mạnh của Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu.

Anh Lương cho biết các ý kiến đóng góp, đề xuất của các trí thức trẻ gia tăng rất nhiều về số lượng so với các diễn đàn trước. “Nhưng điều đáng mừng không chỉ là số lượng các ý kiến mà chúng tôi ghi nhận, đánh giá cao và rất ấn tượng với chất lượng của các ý kiến đóng góp tương đối đa dạng, phong phú, sâu sắc… đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều vấn đề mới, vấn đề khó đã được các bạn bàn luận, trao đổi hết sức thẳng thắn”, anh Lương chia sẻ.

Cũng theo anh Lương, sau diễn đàn lần này những ý tưởng, đề xuất của các đại biểu trí thức trẻ sẽ được ghi nhận tiếp thu và sẽ cụ thể hóa bằng những chính sách. Như những lần trước, từ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu các năm thì khi Quốc hội ban hành luật Thanh niên, sau này Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên… và nhiều chính sách khác nữa, trong nội dung có những vấn đề chúng ta đã đề xuất rất sớm... “Có những câu chuyện đã trở thành chính sách, có những câu chuyện thì trở thành kế hoạch và chương trình hoạt động cụ thể đối với Chính phủ, địa phương, T.Ư Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong thời gian tới”, anh Lương nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.