Mới đây, một cuộc hội thảo có liên quan tới đầu tư công trong xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh lại một lần nữa làm tôi giật mình khi biết đơn giá áp dụng làm dự toán xây dựng tại các công trình do nhà nước đầu tư như: chung cư, trường học, bệnh viện, trụ sở hành chính... do Bộ Xây dựng ban hành cao hơn rất nhiều so với giá thực tế.
Giá dự toán xây dựng của Bộ Xây dựng ban hành đối với các dự án công cao hơn rất nhiều so với giá thực tế là một trong các nguyên nhân đẩy nợ công lên cao
- Ảnh minh họa: Mai Vọng |
Tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra hàng loạt con số, chỉ nghe thôi đã thấy "choáng toàn diện".
Báo Thanh Niên ngày 1.9 đưa tin, theo dự toán đơn giá xây dựng hiện hành thì 1m2 tường 20 cm mà Bộ Xây dựng xây dựng đơn giá thì chi phí vật tư là 140.000 đồng, nhân công 139.000 đồng... Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Tân, một công ty chuyên về tư vấn xây dựng tại TP.HCM, giá chủ đầu tư trả nhân công cho nhà thầu chỉ 60.000 đồng/m2. Như vậy đơn giá nhân công theo dự toán cao hơn 2,31 lần so với nhân công thực tế.
Hay đơn giá theo dự toán sơn 1m2 tường hết 11.000 đồng tiền vật tư và 59.000 đồng trả cho nhân công trong khi thực tế chủ đầu tư trả nhân công cho nhà thầu chỉ 34.000 đồng.
|
Ông Đực còn chỉ ra rằng, trong thực tế, khi xây dựng một công trình, giá nhân công thường thấp hơn giá vật tư, tức giá nhân công chỉ bằng khoảng 40% giá vật tư thì trong quy định dự toán của nhà nước, tiền trả cho nhân công lại cao hơn tiền mua vật tư. Cụ thể, đơn giá theo dự toán 1m2 xây dựng hoàn chỉnh thì tiền vật tư là 2.941.000 đồng và tiền cho nhân công là 2.956.000 đồng. Nhưng thực tế trong xây dựng tiền trả cho nhân công chỉ 1.179.000 đồng. Ông nói : “Đơn giá nhân công theo dự toán sẽ hơn 2,51 lần so với nhân công thực tế. Không những vậy, giá nhân công cao hơn vật tư là vô lý..."
Thật khó hiểu!
Một kiến trúc sư tại TP.HCM đã nêu ví dụ về vụ chặt cây xanh mới đây ở Hà Nội cho thấy nhiều khoảng tối. Theo dự toán, nhà nước chi trả là gần 36 triệu đồng/cây khoán gọn tất cả, từ đốn, hạ và vận chuyển nếu đường kính cây từ 1,2 m trở lên. Trong khi thực tế, chỉ cần bỏ ra khoảng 3 triệu đồng là có thể thuê được nhân công chặt một cây, cộng thêm tiền vận chuyển nữa sẽ đủ kinh phí hạ tới cả chục cây xanh. Không những vậy, chỉ mỗi khâu đánh dấu cây chặt mà nhà nước trả 670.000 đồng/cây thì quả là một sự lãng phí và vô lý hết sức.
Tôi chưa tán thành ý kiến của vị KTS nọ vì ông cho rằng những định mức và đơn giá này "được soạn trong phòng làm việc đã vài ba chục năm rồi".
Nhưng tôi lại phần nào đồng tình với cái cách mà vị KTS phân tích: Cách đây 10 năm, khi chặt một cành cây thợ phải leo lên cây cắt thủ công, nên mỗi công thợ một ngày chỉ cắt 2 cành cây, mỗi cành 100.000 đồng, như vậy, mỗi ngày công nhân được trả 200.000 đồng. Còn bây giờ có máy móc hiện đại, mỗi ngày một công nhân có thể cắt 20 cành cây. Vì vậy, khi nhân lên nhà nước phải trả 2 triệu đồng/nhân công/ngày. Nhưng thực tế công ty cũng chỉ trả cho họ 200.000 đồng/ngày chứ làm gì có vị tiều phu nào ở Hà Nội có mức thu nhập đến 2 triệu đồng/ ngày như vừa nêu. Còn nếu như tôi nói sai, xin các cơ quan có trách nhiệm mách dùm , sẽ có rất nhiều người mơ được trở thành tiều phu lại được sống ở Thủ đô lắm.
Tôi cũng rất băn khoăn và không lý giải nổi, khi trên địa bàn Thủ đô đã từng xảy ra chuyện đơn vị thi công rút ruột công trình theo kiểu bớt lõi thép trong khâu làm móng, đại thể như cột bê tông lẽ ra phải có 20 thanh thép mới đúng thiết kế thì nay chỉ còn 17-18 thanh. Hoặc còn cách khác, vẫn đủ số thanh thép nếu" đếm cây nghiệm thu" thì họ thay bằng thép có đường kính nhỏ hơn để ăn bớt . Nghe mà khiếp vía vì hoang mang nếu ai đó định mua căn hộ...
Tuy kẻ làm bậy pháp luật đã xét xử, song các nhà chuyên môn lại cho rằng dù có bị rút ruột nhưng công trình vẫn an toàn, không đáng ngại vì còn có ngưỡng đã được dự phòng... Nếu quả vậy thì đúng là đầu tư công được tính toán xông xênh quá đi rồi, làm sao họ không tìm cách rút ruột công trình? Và nay, qua chuyện từ hội thảo trên, tôi cũng đã hiểu ra vấn đề.
Lâu nay, các chuyên gia kinh tế của chúng ta luôn băn khăn về sự tụt hậu của Việt Nam so với một số nước trong khu vực như Singapore, như Thái Lan về năng suất lao động , nó quá chênh lệch nhau, có khi vênh đến cả chục lần. Lại càng không thể so với các nước có nền công nghiệp hiện đại ở các châu lục khác.
Vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, những ai ở miền Bắc Việt Nam như chúng tôi đều đã từng một thời rất thán phục nước Cộng hhòa Dân chủ Đức ( Đông Đức) bởi trình độ, công nghệ và hạ tầng cơ sở của họ có một khoảng cách khá xa so với các nước XHCN còn lại. Những tưởng với cái đà đó, CHDC Đức sẽ ngày một vững mạnh và bứt phá nhanh nhất trong các nước thuộc cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Ấy vậy mà , khi phe XHCN sụp đổ, chúng ta mới vỡ lẽ CHDC Đức còn lạc hậu về nhiều mặt so với những người Đức ở bên kia bức tường Berlin, đó là CHLB Đức (Tây Đức). Sau gần nửa thế kỷ theo đuổi XHCN, khi sáp nhập vào Tây Đức, GDP của Đông Đức chỉ góp được 7% của cả nước Đức mới so với 93% của Tây Đức dù cho họ chiếm khoảng 1/3 dân số so với Tây Đức.
Nếu cứ vẫn giữ cho mình một cung cách tư duy năm xưa như thế, cung cách làm việc như thế, tôi thật khó tin trong một vài chục năm nữa Việt Nam có thể có cuộc bứt phá ngoạn mục, đuổi kịp các nước trong khu vực cũng không hề dễ dàng. Việc để đơn giá nhân công quá cao đương nhiên sẽ là mầm mống của những lãng phí và tham nhũng, qua đó, nó sẽ đẩy tiền đầu tư công lên rất cao, cao đến phi lý là không thể chấp nhận.
Bình luận (0)