Báu vật trời cho
Những ngày tháng 4, cái nắng, cái gió oi bức của mùa khô ở vùng Bảy Núi (An Giang) táp vào mặt người hanh hao, khó chịu. Cánh rừng dọc theo triền núi cũng dần chuyển sang màu vàng úa. Cứ mỗi lần đến mùa khô, nỗi lo thiếu nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt của người dân địa phương càng trở nên bức bách. Thế nhưng riêng bà con ở TT.Tri Tôn và xã Núi Tô (H.Tri Tôn) không phải chịu cảnh này vì luôn có nguồn nước từ “giếng trời” Chưn Phnum. Đây là giếng nước nằm dưới chân đồi Tà Pạ (thuộc xã Núi Tô), được người dân xem như báu vật trời cho.
tin liên quan
Phát hiện giếng Chăm Pa cổ hơn 1.000 năm nước vẫn trong vắtTrung tâm Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Quảng Nam vừa phát hiện một giếng cổ thời kỳ Chăm Pa hơn 1.000 năm tuổi, có chiều dài mỗi cạnh là 1,3m và sâu gần 15m.
Hôm dừng chân tại căn tha la (nơi nghỉ mát của đồng bào Khmer), tình cờ chúng tôi gặp cụ Neang Sóc Ni (79 tuổi, ngụ ấp Tô Hạ, xã Núi Tô) đang đến giếng thuê người chở nước về nhà. Cụ cho biết: “Cả đời tôi đã quen sử dụng nước giếng Chưn Phnum nên ngày nào không hớp được ngụm nước từ giếng này thì cảm thấy khó chịu lắm. Theo kinh nghiệm của tôi, nước ngon nhất phải lấy từ sáng sớm bởi lúc này, nước giếng đang hòa quyện với sương mù của núi rừng. Nước lấy từ giếng Chưn Phnum trong và ngọt, dùng nấu cơm để qua ngày không bị thiu, còn châm cà phê uống thì hết ý”, cụ Neang Sóc Ni nói.
Ngay từ sáng sớm, ông Lâm Ngọc Sơn (60 tuổi, ngụ TT.Tri Tôn) đã có mặt tại giếng trời Chưn Phnum để chở nước phục vụ bà con. Ông Sơn kể từ thời ông nội ông đã có giếng này. Cha ông cũng múc nước giếng Chưn Phnum về uống, rồi truyền đến đời ông và những lớp con cháu về sau. Mặc dù ở TT.Tri Tôn, nước sạch đã được kéo đến từng hộ khoảng một năm nay nhưng bà con ở đây nhiều người vẫn thích sử dụng nước giếng Chưn Phnum.
Cung cấp nước trong mùa khô
Theo những bậc cao niên kể lại, “giếng trời” Chưn Phnum đã có ở vùng đất này cách đây khoảng 200 năm. Trước đây, khu vực đồi Tà Pạ rất hoang vu, thường bị khô hạn, khan hiếm nước vào mùa nắng nên người dân trong làng phải đi tìm mạch nước ngầm để đào giếng. Tuy nhiên, dù bỏ công tìm kiếm nhiều ngày nhưng vẫn không phát hiện được mạch nước nào dưới chân đồi. Thậm chí người dân còn mướn thầy cúng về “xủ quẻ” để “bắt mạch” xem chỗ nào có nguồn nước rồi xúm lại đào. Tưởng như đã hết hy vọng thì có người cố vạch cây rừng tìm đến chỗ cây lâm vồ cổ thụ xanh tốt quanh năm để cầu may. Bất ngờ chỉ sau vài nhát cuốc xuống lớp đất cát gần chỗ gốc cây là thấy nước rỉ ra. Người dân mừng rỡ đào xuống sâu hơn và giếng Chưn Phnum hình thành từ ngày đó.
Khi mới đào xong, người dân dùng ván tấn xung quanh miệng giếng để tránh cát đá trôi lấp trong mùa mưa. Cứ vào mùa khô, người dân lại đào xuống sâu hơn. Đến nay giếng đã sâu hơn 10 m. Có người bỏ tiền túi ra mua vật liệu xây thành giếng kiên cố để bà con tiện múc nước sử dụng. “Chúng tôi luôn trân trọng giữ gìn giếng Chưn Phnum nên nước giếng lúc nào cũng trong sạch. Đặc biệt vào mùa khô, nguồn nước giếng không bao giờ cạn, cứ múc rồi lại đầy, cung cấp đủ nguồn nước uống cho bà con quanh vùng”, ông Sơn cho biết.
tin liên quan
'Nắn' đường bê tông tránh giếng cổ 200 tuổiSáng 10.4, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, cho biết sau khi nhận tin một giếng cổ gần 200 tuổi (đầu thế kỷ 19, ảnh) tại xã Duy Sơn (H.Duy Xuyên) bị 'lấn' khi làm đường bê tông nông thôn, trung tâm đã cử cán bộ chuyên trách đến hiện trường kiểm tra.
Theo ông Sơn, trước khi nước máy được kéo về từng hộ, ngày nào cũng có đông nghẹt người dân đến giếng Chưn Phnum lấy nước về uống. Mỗi buổi sáng có hơn 30 chiếc xe lôi đến đây kéo nước. Hôm nào đến trễ, ông phải bỏ xe chờ tài đến tận hôm sau mới có nước kéo về nhà. Giếng nước Chưn Phnum không chỉ giúp giải khát hiệu quả cho bà con quanh vùng mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho những người chở nước thuê. Mỗi xe chở được một phuy nước 220 lít, có giá từ 25.000 - 30.000 đồng tùy quãng đường xa gần. “Bây giờ lớn tuổi rồi, sức khỏe yếu nên mỗi ngày tôi chỉ chở được 2 - 3 xe nước. Hồi còn trai trẻ, tôi có thể chở đến 6 phuy/ngày. Nhờ có giếng nước này, tôi và nhiều người dân ở đây kiếm ít nhất 50.000 - 100.000 đồng/ngày. Do đó, mỗi khi giếng đóng rong rêu, người dân tự giác buông dây xuống vệ sinh để tạo nguồn nước trong mát, sạch sẽ”, ông Sơn nói.
Bình luận (0)