Lấp những hố bom
Phải hẹn mãi chúng tôi mới có dịp gặp ông A Xem, nguyên Chủ tịch MTTQ VN H.Ngọc Hồi (67 tuổi, ở thôn Chiên Chiết, xã Đắk Xú, H.Ngọc Hồi, Kon Tum). Ông Xem nhớ lại ông đi bộ đội chống Mỹ và đóng quân ở chiến trường B3 (nay là H.Sa Thầy, Kon Tum). Tại đây, ông gặp và kết duyên cùng vợ là bà Y Nia. Chiến tranh kết thúc, ông Xem cùng vợ rời quân ngũ, trở về làng cùng xây dựng lại quê nhà.
Sau khi phục viên, ông A Xem được cử đi học rồi về làm Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Tô (Kon Tum). Thời điểm bấy giờ, cứ mỗi tháng ông Xem mới đạp xe về thăm nhà một lần. Những hôm mưa gió, đường sá khó đi, ông đành phải lội bộ. Về đến nhà chưa kịp giúp vợ cuốc ruộng thì phải trở lại công tác. 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn đều do một tay bà Y Nia nuôi nấng.
Năm 1986, ông Xem xin tăng cường về làm Bí thư Đảng ủy xã Đắk Xú để tiện chăm sóc gia đình. Được cấp trên đồng ý, ông khoác ba lô về nhà trong sự mừng rỡ của vợ con. Trở về quê nhà với cương vị lãnh đạo xã, ông luôn đau đáu cùng suy nghĩ vực dậy kinh tế ở vùng biên heo hút này.
Ngoài công việc ở xã, tranh thủ thời gian rảnh, ông Xem khai hoang thêm diện tích đất quanh nhà. Đất rừng thì mênh mông nhưng toàn cây cỏ, đồi cao đất dốc, thâm u hiu quạnh. Máy cày, máy ủi không có, lao động cũng không, việc nhà ai người nấy làm, cuộc sống tự cung tự cấp đã đeo bám bà con từ bao đời nay. Rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt, cuộc sống vất vả, thiếu thốn trăm bề…
Trong những buổi đầu gian nan ấy, ông Xem huy động cả gia đình bám đất, bám rừng gồng sức bạt đồi, phát cỏ, khai phá đất hoang. Cuối thập niên 1980, ông đã khai hoang được gần 10 ha đất.
“Lúc bấy giờ bom đạn còn sót lại sau chiến tranh rất nhiều. Chúng tôi cuốc đất, dọn vườn phát hiện bom mìn suốt. Ngán nhất là những hố bom, có hố to như cái ao, sâu hơn 3 m. Trong vườn nhà tôi có đến hơn 20 cái hố bom như thế. Lấp mãi rồi cũng đầy, san mãi rồi cũng phẳng, phải kiên trì”, ông Xem nhớ lại.
Khi có đất sản xuất, ông Xem lại suy nghĩ đến việc trồng cây gì, trồng như thế nào. Nhận thấy cây lúa, cây ngô không thể thay đổi được kinh tế, trong vùng ai khấm khá lắm cũng chỉ đủ ăn, sau khi tham quan các mô hình trồng cà phê ở Đắk Lắk, ông Xem đem giống cây này về trồng thử trên mảnh đất của gia đình. Nhưng thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp nên cây cà phê không thể lớn.
Trong một lần tham quan nông trường cao su ở Bình Phước, nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở đây giống với quê mình, ông Xem tìm hiểu kỹ thuật rồi mua một ít giống về trồng thử. Đúng như dự đoán của ông, những cây cao su đầu tiên đã phát triển rất tốt.
|
Găm “vàng” xuống đất
Năm 1994, ông Xem quyết định đưa cây cao su về trồng trên vùng biên giới Ngọc Hồi. Khó khăn đầu tiên mà ông vấp phải là nguồn vốn. Ngày ấy ở Ngọc Hồi cũng chưa có ngân hàng. Ông Xem đi vay mượn khắp nơi được 5 cây vàng. Có vốn, ông đem đổ hết vào vườn cao su.
Lúc bấy giờ cây cao su quá đỗi lạ lẫm với người dân, ai cũng ngơ ngác khi nghe đến loại cây này. Khi thấy ông Xem đưa giống cây lạ về trồng, người dân xung quanh đều xì xào bàn tán. Người thì nói A Xem bị “khùng”, người thì bảo A Xem trồng lên rồi bán cho ai. Người lại cho rằng xưa nay ông cha chỉ trồng cây ăn quả chứ chưa trồng cây lấy mủ bao giờ, trồng cây không ăn được quả thì lúc đói lấy cái gì bỏ vào bụng...
Bỏ ngoài tai những lời dị nghị, ông Xem vẫn tiếp tục công việc găm “vàng” xuống đất của mình. “Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, nếu thành công thì thay đổi được cơ cấu cây trồng tại địa phương, thay đổi nền kinh tế tự cung tự cấp của bà con. Nếu không thành công thì tôi cưa lấy gỗ bán cũng có thu nhập”, ông Xem cười nói.
Vì diện tích lớn, có lúc ông Xem phải hợp đồng với đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn để dọn đất, đào hố, gánh phân. Không có vốn đầu tư, ông bán hết tài sản, rồi bán luôn cả đàn bò là cơ nghiệp lớn nhất của gia đình để đắp đổi lấy tiền đầu tư cây giống, phân bón.
Rồi những cây cao su của ông Xem gieo mầm trên đất đồi rừng vùng biên giới Đắk Xú đã bật dậy chồi non, vươn cao ngọn biếc từng ngày. Mỗi năm khai hoang thêm một ít, sau 9 năm thực hiện khai phá đất hoang, bạt núi, mở đường, khoanh lô, ông Xem trồng được hơn 20 ha với trên 11.000 cây cao su.
Năm 2003, khi những dòng mủ cao su đầu tiên chảy xuống cũng là lúc ông Xem biết mình đã thành công. Sau vài năm thu hoạch, ông Xem không chỉ trả hết nợ mà còn xây mới căn nhà khang trang. Năm 2005, do chi phí thuê xe quá lớn, ông Xem quyết định sắm chiếc xe tải với giá hơn 800 triệu đồng để vận chuyển mủ cao su. Khi chiếc xe tải đầu tiên lăn bánh trên đường làng cũng là lúc người dân bắt đầu có cái nhìn khác về cây cao su.
Đổi thay vùng biên
Tuy vậy, những ngày đầu tiếp cận, người dân vẫn khá dè dặt với loại cây mới. Với cương vị là lãnh đạo xã, ông Xem quyết định phát động phong trào phát triển mô hình cao su tiểu điền. Ông kiên trì, ngày đêm bám làng, đến từng hộ gia đình vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số quanh vùng cùng trồng cây cao su như gia đình mình.
Sau thời gian dài vận động, ông Xem đã thuyết phục được hàng trăm hộ dân bỏ thế độc canh cây sắn, ngô không hiệu quả để đưa cây cao su lên trồng ở những nơi đất dốc đồi cao. Sau vài năm, hiệu quả kinh tế từ mô hình sau đó đã lan đến các xã Sa Loong, Bờ Y, Đắk Kan..., và cho đến hôm nay, người dân quanh vùng này đã trồng được hàng nghìn héc ta cao su tiểu điền. Cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số nơi đây đang đổi thay từng ngày nhờ cây cao su trên những vùng đồi dốc hoang hóa.
“Làm lãnh đạo xã, lại là người dân tộc thiểu số nên tôi phải đi trước, làm trước để bà con học hỏi và làm theo. Vấn đề tôi trăn trở nhất khi ấy là làm sao có nhiều hơn nữa bà con trong vùng cũng biết trồng cao su để bà con hết nghèo, hết đói”, ông Xem chia sẻ.
Ông Đào Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đắk Xú, cho biết ông A Xem là người có tầm ảnh hưởng lớn tại địa phương. Khi còn là lãnh đạo xã, huyện, ông Xem là người đầu tiên đặt nền móng cho mô hình cao su tiểu điền tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Xem còn vận động người dân tham gia trồng cây cao su, phá vỡ thế độc canh khoai sắn, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định, thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương. Từ đó, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới này.
Theo ông Đào Tuấn, ở xã Đắk Xú, trước ông A Xem không có ai trồng cao su, sau ông A Xem có hàng ngàn hộ dân trồng cao su. Đến nay, chỉ tính riêng trên địa bàn xã đã có gần 1.200 ha cao su đang cho thu hoạch. Trước đây người dân chỉ quen sống tự cung tự cấp, làm gì ăn nấy. Sau khi tiếp cận được với mô hình kinh tế của ông A Xem, người dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm. Đến nay đời sống người dân đã đảm bảo, kinh tế đã phát triển. Khi người dân được ấm no thì an ninh trật tự vùng biên giới cũng được giữ vững.
|
Bình luận (0)