Bão số 4 (siêu bão Noru) giật cấp 17, còn cách đất liền 200 km |
Sáng nay 27.9, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Hồng Hà chủ trì làm việc với Tổng cục Khí tượng thủy văn và các đài dự báo khí tượng các khu vực Trung bộ, Tây Nguyên về công tác dự báo, cảnh báo cơn bão Noru.
Thông tin tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, qua tham khảo báo cáo dài hơn 100 cơ quan dự báo bão của Phillippines thì bão Noru là cơn bão rất mạnh. Khi quét qua đảo của Phillippines đã đạt cấp siêu bão với cấp 15 - 16.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà chỉ đạo công tác dự báo, cảnh báo bão |
Hoàng Phan |
Đặc biệt, bão Noru gây mưa rất lớn, ngập lụt trên phạm vi rộng. Nhiều khu vực ở Phillippines, nước ngập ngang nóc nhà, đến nay vẫn chưa thống kê được thiệt hại.
Trong suốt 3 ngày vừa qua, gần như tất cả các mô hình dự báo quốc tế đều nhận định khi đi vào gần đất liền Việt Nam, cường độ bão Noru thấp nhất là ở cấp 13. Còn cơ quan dự báo của Mỹ, Trung Quốc dự báo cường độ bão Noru còn có thể mạnh lên 1 - 2.
“Nguyên nhân có sự chênh lệch này là do cơ quan dự báo của Mỹ, Trung Quốc xác định cường độ gió trung bình trong thời gian 1 phút, còn Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan là 2 phút”, ông Khiêm nói.
Bão Noru được đánh giá mạnh tương đương với bão Sangxane, Ketsana nhưng khi đi vào Biển Đông, những cơn bão này đều có không khí lạnh tác động ở phía bắc cơn bão làm nó suy yếu đi.
Trong cơn bão Noru thì không có tác động của không khí lạnh và di chuyển trên vùng biển có nhiệt độ bề mặt biển khoảng 31 độ C nên bão được tiếp thêm năng lượng để mạnh lên. Dự báo trong những ngày qua, từ khi vào Biển Đông, bão mạnh lên hơn 2 cấp chứng minh những yếu tố tác động để bão mạnh lên là chính xác.
Ông Khiêm cũng cho biết, dự báo bắt đầu từ tối nay, khu vực Trung Trung bộ bắt đầu chịu ảnh hưởng của gió bão Noru. “Khoảng thời gian gió bão mạnh và nguy hiểm nhất bắt đầu từ khoảng tối nay đến ngày sáng mai 28.9. Bão Noru gây gió mạnh trên đất liền liên tục trong khoảng 10 - 12 tiếng”, ông Khiêm nói.
Tâm sự dân Tam Kỳ sơ tán tránh bão Noru: “Còn người còn làm ra của” |
Đề phòng nước biển dâng cao 3 - 4 m
Cũng theo ông Mai Văn Khiêm, theo dự báo do phía Nhật Bản chia sẻ cho Việt Nam, nước dâng trong cơn bão Noru cao nhất trong khoảng 1 - 1,5 m nhưng trong vùng này thường có triều cường cao nhất vào ban đêm, thông thường là 2 - 2,5 m. Theo đó, bão Noru nếu đổ bộ vào đêm nay thì dự báo nước dâng kết hợp với triều cường từ 3 - 4 m.
Ông Mai Văn Khiêm phân tích diễn biến nguy hiểm của bão Noru |
Hoàng Phan |
Chia sẻ nhận định về cơn bão Noru, ông Lê Thanh Hải - chuyên gia dự báo thời tiết, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, nhấn mạnh ngoài phạm vi ảnh hưởng trực tiếp thì các tỉnh khu vực bắc Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai đề phòng có gió mạnh đến cấp 10 - 11.
Ông Hải cũng cho rằng, cần đặc biệt đề phòng nước biển dâng do bão Noru. Trong cơn bão Haiyan trước đây, nước biển dâng ở Philippine gây thiệt hại rất nhiều người. Đối với địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Noru phải cảnh giác.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, cho rằng theo các chỉ số bão Noru chưa đạt đến cấp siêu bão nhưng phải nhấn mạnh đây là cơn bão rất rất mạnh, tương đương với một số cơn bão mạnh đổ bộ và gây thiệt hại lớn cho người dân miền Trung trong vòng 20 trở lại đây.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tham khảo chặt chẽ dự báo của các đài khí tượng, chắt lọc thông tin và thực tế diễn biến cơn bão đang ở gần Việt Nam để đưa ra cảnh báo, dự báo sát thực, chính xác nhất.
“Các cơ quan dự báo khí tượng sử dụng tất cả các phương tiện kỹ thuật hiện có, đặc biệt là hệ thống ra đa để theo dõi chặt chẽ về cơn bão Noru để kịp thời đưa thông tin cảnh báo sớm nhất, kịp thời nhất đến chính quyền các cấp, người dân”, ông Hà nói.
Bình luận (0)