Gió hòa bình bay về muôn hướng

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
30/04/2024 09:09 GMT+7

Những ngày tháng 4, nghe lại bản nhạc Ta thấy gì đêm nay của Trịnh Công Sơn, tôi lại miên man về ý nghĩa của hai chữ hòa bình. Trong bài hát ấy, Trịnh đã viết một câu tôi xin mượn làm tựa đề bài viết này. Và có lẽ, những câu chuyện mang hơi hướng riêng tây nhưng hòa trong tâm thức muôn người của 49 năm trước (tháng 4.1975), lại trở về…

TIẾNG REO HÒA BÌNH CỦA NGƯỜI LÍNH SÀI GÒN

Tháng 3.1975, theo dòng người lánh nạn chiến tranh, gia đình tôi từ tỉnh Bình Tuy (nay là Bình Thuận), trên chiếc ghe lênh đênh vào tới Vũng Tàu. Ở đó, có một trung tâm huấn luyện cán bộ xây dựng nông thôn (thường gọi là trại Chí Linh), nhìn lên ngọn hải đăng trên đỉnh ngọn núi Nhỏ, ba tôi cùng đàn con và các cháu cùng tạm cư tại đây. Trong số mấy người cháu, có một người anh bạn dì của tôi là lính thiết giáp của chế độ Sài Gòn bị bộ đội bắt tại chiến trường Quảng Trị năm 1972, và sau đó trong đợt trao trả tù binh năm 1973 (theo điều khoản của Hiệp định Paris), được trở lại bờ nam sông Thạch Hãn với tâm thế một người không còn tại ngũ. Từ đó, anh theo luôn gia đình tôi vào miền Nam. Bởi lẽ mẹ của anh (dì tôi) bị nạn mất trong một đợt thả bom của Mỹ từ năm 1968 vào vùng giới tuyến, H.Gio Linh (Quảng Trị). Còn người cha của anh, năm 1972 ở lại quê nhà. Từ đó, trở thành người bơ vơ không gia đình, nên từ sau 1973, anh sống với gia đình tôi.

Cầu Cỏ May kết nối TP.Bà Rịa và TP.Vũng Tàu, thênh thang với hình dáng cánh chim hải âu bay lượn, được hoàn thành năm 2023

Cầu Cỏ May kết nối TP.Bà Rịa và TP.Vũng Tàu, thênh thang với hình dáng cánh chim hải âu bay lượn, được hoàn thành năm 2023

NGUYỄN LONG

Còn nhớ, ngày 30.4.1975, gần trưa, ba tôi mở đài Sài Gòn. Giọng đọc bản tuyên bố đầu hàng ngắn gọn của ông Dương Văn Minh, Tổng thống chế độ Sài Gòn, vọng ra từ chiếc đài bán dẫn Sanyo 3 băng, rồi sau đó nhạc trỗi lên và tiếng hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với bài Nối vòng tay lớn. Lúc ấy, trong căn phòng nhỏ nhiều người xúm xít lắng nghe. Tôi còn nhớ người anh của tôi đã reo lên mấy lần "hòa bình rồi, hòa bình rồi" với giọng rất vui mừng.

Sau này, khi dần lớn lên và đôi lần hỏi chuyện, anh tôi nói rằng đó là tiếng reo vui thực sự, vì khi đất nước thống nhất, anh sẽ được về quê, được gặp lại gia đình mình. Tôi cũng hiểu rằng cảm thức mừng rỡ ấy là một điều không chỉ phát ra tiếng reo từ lồng ngực anh, một người lính Sài Gòn bao lần thoát chết, mà còn của rất nhiều người sau bao năm tháng chiến cuộc đau thương.

Qua cầu Cỏ May

Tâm trạng ấy của người anh, tôi đã bắt gặp ngay sau đó mấy ngày, trên con đường đưa gia đình tôi trở lại quê nhà miền Trung. Đó là ngày 6.5.1975, ba tôi vét hết số tiền còn lại để chung góp với 2 gia đình khác thuê một chuyến xe trở về. Rời thành phố biển, xe lăn bánh khoảng vài chục cây số, ra ngoại ô rồi ngược lên ngã ba Vũng Tàu, nơi con đường sẽ nối với xa lộ Đại Hàn. Lúc ấy, trước mặt của một đứa trẻ là tôi, trùng trùng lũ lượt những đoàn xe ngược hướng QL51 để trở lên Biên Hòa và lộ trình rẽ ngoặt hướng theo QL1 trực chỉ hướng bắc. Cơn gió biển dần lùi vơi bớt sau lưng, dành cho ngọn nắng gay gắt tháng 5 phủ lên đoàn người. Nhưng trong cái ồn ã náo động ấy của tiếng xe, tiếng người gọi nhau í ới, là sự náo nức với không khí hòa bình khi được trở về quê nhà. Mới biết, trải qua hơn 20 năm chiến tranh, người ta chỉ muốn sống trong những ngày không còn bom rơi đạn nổ. Cái giá để có hòa bình quá lớn và để trả cái giá ấy, bây giờ trên những khuôn mặt người có phần hốc hác bởi đạn bom những ngày đầu tháng 5 năm đó, tôi còn nhớ hầu như đều đọng lại sự háo hức của ngày đã kết thúc cuộc chiến.

Nhưng khi đến cầu Cỏ May thì cả đoàn xe khựng lại. Chiếc cầu đã bị đánh sập sau một cuộc đụng độ trước đó và người ta phải bắc một chiếc cầu tạm rất nhỏ và yếu. Vì vậy, để qua cầu, hầu hết những bánh xe lăn vô cùng thận trọng. Nhìn từ xa, tôi thấy một dãy dài xe cộ. Có một số người phải qua sông bằng những chiếc ghe nhỏ của ngư dân địa phương. Nắng càng lên cao và ngọn gió thổi lên từ con sông (mà sau này mới biết cũng có tên là sông Cỏ May) cũng không thể mơn man được chút mát mẻ nào cho dòng người nườm nượp quy cố hương. Mãi đến xế chiều, xe tôi mới qua được cầu. Suốt bao năm sau đó khi về cư ngụ ở quê nhà miền Trung, tôi vẫn không quên tên và kỷ niệm đáng nhớ khi trở về qua chiếc cầu mang tên khá thơ mộng.

Với gia đình tôi, đến Vũng Tàu từ đường biển và trở về bằng đường bộ, có thể nói, hành trình ấy dù hết sức riêng tư, nhưng tôi vẫn hằng nghĩ nó đã ghi lại trong tâm khảm bằng một dấu ấn lịch sử không thể phai nhòa: Ngày hòa bình thống nhất đất nước!

TRÙ PHÚ MỘT MIỀN

Nhiều năm sau này, khi trở lại sống ở ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai), tôi vẫn thường hay về Vũng Tàu. Thành phố biển một thuở xa xưa là nơi hóng mát của bao người Sài Gòn, mà người ta hay rủ nhau vào mỗi cuối tuần là "đi Cấp tắm biển" (Cấp là phiên ra từ địa danh được đặt và gọi tên thời Pháp thuộc: Cap Saint Jacques). Khi trở lại chiếc cầu Cỏ May, trước đó hơn 20 năm gia đình tôi đã đi qua, lòng bùi ngùi. Có biết đâu rằng, đã từ rất lâu, nơi đây từng có một chiếc cầu sắt được người Pháp xây dựng năm 1898 để nối bán đảo Vũng Tàu đến một phía kia của QL51 dẫn về Sài Gòn. Còn những ngày năm cuối của thập niên 1990 ấy, khi tôi đi qua, một cây cầu khác đã được xây dựng khang trang dài hơn 1/4 cây số, xe cộ qua lại tấp nập. Và rồi bây giờ, khi ngồi viết những dòng này, thêm một cây cầu hiện đại mang hình ảnh của cánh hải âu tung cánh, đã được xây dựng nối liền hai thành phố.

Vũng Tàu - thành phố biển một thuở xa xưa người ta hay rủ nhau vào mỗi cuối tuần “đi Cấp tắm biển”

Vũng Tàu - thành phố biển một thuở xa xưa người ta hay rủ nhau vào mỗi cuối tuần “đi Cấp tắm biển”

NGUYỄN LONG

…Nhưng, để về đến nơi chốn kỷ niệm với dấu mốc không thể nào quên được, mà ngày đó bao người cũng như gia đình tôi được đón ngọn gió hòa bình, nhiều lúc tôi thường đi theo ngả đường Long Khánh - Kim Long - Ngãi Giao (nay là H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai) để về qua Long Hải - TP.Bà Rịa đến với Vũng Tàu.

Theo con đường uốn lượn mát mẻ ngập đầy sắc xanh cây trái, tôi vẫn luôn nhớ đến bài thơ Giữ lấy màu xanh của Giang Nam được đọc thuở thiếu thời, lúc về quê nhà miền Trung cắp sách đi học. Từ rất lâu, năm 1960, ông viết về miền Đông Nam bộ với một khổ đầu mang chút trìu mến lặng lẽ: Năm xưa qua miền Đông/Ghé quê em ăn sầu riêng măng cụt/Chiếc xe hàng màu lá cây vun vút/Chở anh đi giữa xứ sở màu xanh

Đi và cảm với khổ thơ đầu ấy của nhà thơ nổi tiếng, miên man hút mắt trên con đường gần như độc đạo bắt đầu từ ngã ba Tân Phong (TP.Long Khánh) dài hơn 110 km, qua bao vườn tược trĩu quả của miền Đông, để về với biển Vũng Tàu vỗ sóng nhấp nhô, nơi có hàng đoàn lũ lượt tàu nhỏ tàu lớn ngoài khơi xa, tôi lại có những kỷ niệm lang thang của riêng mình. Đó là những ngày đi tìm kiếm tin tức hay viết phóng sự cho tờ báo gắn bó đến nay đã gần 30 năm. Lang thang bãi bờ, đón từng con sóng ập vào, có khi bất chợt lòng chùng lại, nhớ về những ngày khốc liệt cuối cùng của cuộc chiến năm nào mình đã từng sống nơi đây, dù chỉ một quãng thời gian ngắn ngủi!

Mới đó, mà đã gần nửa thế kỷ đi qua…

TP.HCM, tháng 4.2024 

Lần giở lại Gia Định thành thông chí (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành năm 2018; Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng), tác giả Trịnh Hoài Đức đã định danh ở quyển 2, mục Sơn xuyên chí, nói về trấn Biên Hòa như sau: Thành Gia Định thời điểm biên soạn Gia Định thành thông chí (đầu thế kỷ 19 - NV) quản 5 trấn: Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên. Cương vực trấn Biên Hòa hiện nay tương đương phần đất các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và một phần TP.HCM (trang 127).

Ở quyển 3, Gia Định thành thông chí (mục Cương vực), các địa danh thuộc Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay, theo tra cứu của người viết, hầu hết đều thuộc về tổng An Phú và tổng Phước Hưng (thuộc H.Phước An, trấn Biên Hòa, trang 351-354).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.